|
Cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh hỗ trợ người dân di chuyển tại khu vực ngập lụt tổ 2, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang (ảnh chụp sáng 9/9). (Ảnh: Mộc Lan). |
Cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống nhân dân vùng bị thiên tai
Trong thời gian qua do có mưa lớn kéo dài trên diện rộng, hiện nay trên một số khu vực trên địa bàn tỉnh Hà Giang độ bão hòa nước của đất đã đạt mức trên 85%. Dự báo trong trong thời gian tới các khu vực trong tỉnh có mưa với lượng tích lũy phổ biến phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 80mm có nguy cơ sạt lở đất, đá rất cao.
Để chủ động ứng phó với nguy cơ sạt lở đất, ngập úng và khắc phục hậu quả do mưa lớn của cơn bão số 3, ngày 11/9 Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn tiếp tục có văn bản chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng xuống tất cả các thôn, bản để rà soát, kiểm tra các vị trí có nguy cơ sạt lở đất và ngập úng để cảnh báo, khuyến cáo cho người dân không được chủ quan; tổ chức di dời, sơ tán đối với những hộ nằm trong khu vực mất an toàn.
|
Tỉnh Hà Giang huy động tối đa các lực lượng, phương tiện dồn sức hỗ trợ người dân giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra. (Ảnh: Công an tỉnh Hà Giang). |
Tổ chức cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống nhân dân vùng bị thiên tai; nhất là các hộ có nhà bị đổ, lũ cuốn trôi, hộ ở vùng ngập sâu, sạt lở chia cắt, đảm bảo không để người dân bị đói, rét. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tập trung ứng phó khẩn cấp với mưa lớn trên địa bàn tỉnh. Các huyện, thành phố bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà do mưa lũ; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa, dựng lại nhà ở, dọn vệ sinh môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ. Xây dựng phương án bố trí lại nơi ở cho các hộ bị mất nhà ở, phải di dời.
|
Lực lượng chức năng nỗ lực giúp người dân khắc phục hậu quả bão lũ. |
Chủ động bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông tại các ngầm tràn, khu vực bị ngập sâu, không để xảy ra những trường hợp thiệt hại đáng tiếc về người. Sửa chữa, khắc phục nhanh công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, công trình giao thông, thủy lợi, hồ đập bị hư hại để chủ động ứng phó với đợt thiên tai mới, nhanh chóng khôi phục sản xuất ngay sau lũ, góp phần ổn định đời sống nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh giao các Sở, ngành tiếp tục thực hiện tổ chức kiểm tra, giám sát việc điều tiết lũ tại các hồ chứa thủy điện đảm bảo đúng quy định và quy trình vận hành liên hồ chứa; kiểm tra các hồ chứa thủy lợi để thực hiện kịp thời các giải pháp đảm bảo an toàn; chủ động lực lượng, phương tiện hỗ trợ nhân dân thực hiện nhanh công tác khắc phục hậu quả thiên tai.
|
Đồng chí Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo huyện Quang Bình chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai. |
Kịp thời di dời 72 hộ dân tại huyện Quang Bình ra khỏi vùng nguy hiểm
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, đến thời điểm này, huyện Quang Bình là địa phương phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất trên địa bàn tỉnh, với tổng thiệt hại ước khoảng 38 tỷ đồng. Mưa to đến rất to khiến nhiều nơi có nguy cơ sạt lở đất ở mức độ rất cao, quy mô rất lớn. Trước tình hình trên, huyện đã khẩn trương chỉ đạo, tiến hành ngay công tác di dời 72 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân, trong đó có 33 hộ dân tại thôn Đồng Tâm, xã Yên Thành; 38 hộ dân thôn Tiến Yên, xã Bằng Lang và 1 hộ dân thôn Yên Ngoan, xã Tiên Yên. Trước mắt, các xã đã bố trí, sắp xếp cho bà con ở tạm các điểm trường, nhà văn hóa hoặc đến nhà người thân. Từ huyện đến xã và các nhà hảo tâm đã hỗ trợ những suất ăn miễn phí, đồ dùng, nhu yếu phẩm cần thiết cho các gia đình.
Trong đợt mưa lũ lần này, huyện Quang Bình có 228 nhà ở bị thiệt hại, trong đó, có 9 nhà ở của người dân bị lũ quét, cuốn trôi, vùi lấp hoàn toàn và hàng chục ngôi nhà bị sạt lở đất, đá. Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn bị phá hủy, xe máy, ô tô không thể lưu thông, gây chia cắt, cô lập nhiều xã như: Nà Khương, Bản Rịa, Bằng Lang,Yên Hà, Tiên Yên, Vĩ Thượng, Xuân Giang.
Để khắc phục hậu quả mưa lũ, chính quyền địa phương đã trực tiếp xuống địa bàn chỉ đạo các xã, thị trấn huy động các lực lượng, phương tiện để khắc phục hậu quả thiên tai với phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, tổ chức động viên, thăm hỏi các hộ gia đình bị thiệt hại; bố trí 100% quân số trực ban phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 24/24 giờ để sẵn sàng tham gia hỗ trợ Nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra…
Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có mưa vừa, mưa to đến rất to, gây thiệt hại lớn về người, tài sản trên địa bàn tỉnh, ước tổng thiệt hại do thiên tai khoảng 80,5 tỷ đồng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang, đợt mưa lớn kèm theo lũ những ngày qua đã khiến 01 cháu bé 4 tuổi tử vong do lũ cuốn trôi trên đường đến lớp; 01 cháu bé 06 tháng tuổi mất tích bị vùi lấp do sạt lở (hiện lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm do khối lượng sạt lở lớn và khu vực vẫn tiếp tục có nguy cơ sạt lở thêm); 01 cháu bé 14 tuổi bị thương do sạt lở.
Tính đến 11h ngày 11/9, đã có 1196 nhà ở bị ảnh hưởng, trong đó 82 nhà phải di dời khẩn cấp; 16 nhà bị vùi lấp hoàn toàn; 308 nhà bị đất đá sạt lở; 8 nhà bị nước lũ cuốn trôi; 1626,8ha diện tích lúa, ngô, cây trồng bị ngập úng, hàng nghìn gia súc, gia cầm bị thiệt hại;…
Đặc biệt, nhiều tuyến đường giao thông trên toàn tỉnh bị sạt lở, các phương tiện giao thông bị cô lập không thể đi qua các điểm sạt lở. Nhiều tuyến kênh mương cũng bị đất đá vùi lấp hư hỏng nặng không sử dụng. Mưa lũ cũng làm ngập 01 trường THCS tại Đồng Yên, Bắc Quang; 02 điểm trường mầm non tại huyện Xín Mần, 01 điểm tại Vị Xuyên, 01 trường tại TP Hà Giang, 02 điểm trường tại Mèo Vạc, 01 điểm trường tại Hoàng Su Phì, 02 trường học tại Quang Bình, 01 điểm trường, 02 trường học tại Bắc Mê. Về công trình phúc lợi: 01 chợ bị đổ sập (Xín Mần); 01 hội trường thôn, UBND xã Hoàng Su Phì, 01 trạm y tế tại huyện Bắc Quang…
|