Với hơn 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực spa, trước thời điểm có dịch, công việc của chị Lưu Đoan Trang tại Spa Amadora, Công ty TNHH Thiên Thủy Mộc cho thu nhập hơn 6 triệu đồng/tháng. Khi làn sóng dịch COVID-19 thứ tư bùng phát, chị Trang cũng như nhiều nhân viên trong công ty phải nghỉ việc từ tháng 5 cho đến nay. Không có việc, thu nhập không có, cuộc sống của chị chưa lúc nào khó khăn như lúc này.
“Tôi có 2 con nhỏ, chồng làm nghề tự do. Mấy tháng nay, vợ chồng tôi đều không có việc làm. Trước đây, dù vất vả kiếm sống nhưng dù sao hai vợ chồng cũng tự xoay xở được, giờ phải dựa hoàn toàn vào sự hỗ trợ từ ông bà nội, ngoại ở quê. Con nhỏ cần nhiều khoản chi tiêu nên tôi phải vay nợ hơn 7 triệu đồng trang trải, dù công ty có hỗ trợ người lao động 2 triệu đồng nhưng cố tiết kiệm cũng không đủ chi tiêu giữa Thủ đô trong mấy tháng qua”, chị Trang rưng rưng.
|
"Túi An sinh Công đoàn" gồm nhu yếu phẩm thiết yếu kèm phần quà hỗ trợ được tổ chức Công đoàn kịp thời chuyển tới tay những NLĐ Thủ đô gặp khó khăn do dịch bệnh |
Có thâm niên hơn 16 năm làm việc tại Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị huyện Thanh Trì, công việc hằng ngày của chị Vũ Thị Bảy là thu gom rác. Đặc thù công việc đã vất vả, những tháng qua, gánh nặng trên vai người phụ nữ này lại càng thêm chồng chất khi chồng làm nghề tự do, thực hiện giãn cách phải ở nhà. "Thu nhập của công nhân vệ sinh vốn chả nhiều nhặn gì, chồng thất nghiệp, 2 con vào năm học mới bao khoản chi tiêu", chị Bảy thổ lộ.
Thấu hiểu hoàn cảnh của những NLĐ Thủ đô gặp khó khăn do dịch bệnh, những "Túi An sinh Công đoàn" gồm nhu yếu phẩm thiết yếu đã kịp đến tay, chia sẻ phần nào những vất vả, lo toan với họ.
"Được thông báo trong danh sách nhận "Túi An sinh Công đoàn" tôi vui lắm. Hàng thiết yếu dù là gạo, dầu ăn, bánh trái... giá trị vài trăm nghìn với nhiều người không nhiều nhặn gì nhưng với người khó thì đáng quý vô cùng", chị Bảy đại diện cho 225 người lao động nhận "Túi An sinh Công đoàn" của Công ty nói.
Chị Trang, chị Bảy là hai trong số hơn 46 nghìn đoàn viên, CNLĐ Thủ đô đã nhận được "Túi An sinh Công đoàn" từ LĐLĐ thành phố Hà Nội. Chủ tịch LĐLĐ thành phố Nguyễn Phi Thường cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội, để đảm bảo công tác an toàn phòng dịch theo quy định “3 tại chỗ”, “Một cung đường, hai điểm đến”, một số doanh nghiệp đã phải sắp xếp lại phương án sản xuất, sắp xếp lại phương án lao động (chỉ sử dụng 1/2; 1/3 số lượng lao động), số khác không đủ điều kiện để sản xuất... dẫn đến trên 2.100 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động; sản xuất cầm chừng khiến 80.996 NLĐ mất hoặc thiếu việc làm, thu nhập giảm sút. Đặc biệt, đối tượng là công nhân đang thuê trọ, NLĐ trong các doanh nghiệp có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, NLĐ thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải, cơ sở giáo dục ngoài công lập...ảnh hưởng rất lớn cả về đời sống vật chất, tinh thần.
Thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn đó, tính từ đợt dịch thứ tư đến nay, LĐLĐ thành phố đã triển khai 95 chuyến “Xe buýt Siêu thị 0 đồng” với 46.027 “Túi An sinh Công đoàn” để hỗ trợ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu cho hơn 46.027 đoàn viên, CNLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tại 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở với tổng trị giá hàng hóa hơn 9,2 tỷ đồng.
Cùng với LĐLĐ thành phố, các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã có 33 đơn vị tổ chức “Chuyến xe Siêu thị 0 đồng”, 09 đơn vị triển khai thực hiện mô hình “Siêu thị 0 đồng” và 22 đơn vị triển khai các hình thức hỗ trợ khác để vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ khẩn cấp “Túi An sinh Công đoàn” giá trị 200.000 đồng/suất cho 33.222 đoàn viên, NLĐ gặp khó khăn ở các doanh nghiệp, khu nhà trọ, khu công nghiệp, chế xuất trên địa bàn với tổng số tiền gần 6,4 tỷ đồng.
Theo thống kê, từ ngày 27/4 đến nay, các cấp Công đoàn Thủ đô đã ủng hộ Quỹ phòng chống dịch COVID-19 của Trung ương, TP, hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu và CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền là trên 169,5 tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện theo chủ trương chung của thành phố, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tham gia, phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê từ 30-100% của 1.650 phòng trọ cho công nhân, với số tiền miễn, giảm lên đến hàng chục tỷ đồng.
Nhân lên những “vùng xanh doanh nghiệp”
Cùng với việc triển khai hiệu quả các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cấp Công đoàn tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của “Tổ An toàn COVID-19”. Đến nay, trên địa bàn TP đã có 4.339 doanh nghiệp thành lập 11.512 “Tổ An toàn COVID-19” với 50.643 người tham gia.
|
Sức khỏe NLĐ đảm bảo, sản xuất kinh doanh được duy trì là mong muốn của mọi CNLĐ và doanh nghiệp vào lúc này |
Qua kiểm tra, đánh giá của các tổ công tác LĐLĐ TP cho thấy, hoạt động của “Tổ An toàn COVID-19” đã đạt được hiệu quả rõ nét, được lãnh đạo các doanh nghiệp ủng hộ, đồng thuận và ghi nhận; đoàn viên, CNLĐ tin tưởng, tích cực tham gia và được TP đánh giá là một trong những cách làm, mô hình hay, góp phần giữ vững môi trường làm việc an toàn trong mỗi doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô, khẳng định, vai trò, vị thế và tiếng nói của tổ chức Công đoàn, góp phần cùng doanh nghiệp làm tốt công tác phòng, chống dịch tại đơn vị nhất là tại những doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án sản xuất an toàn “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”, được công nhận “vùng xanh doanh nghiệp”.
Ông Chandan Singh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ABB Power Grids Việt Nam đánh giá, sự hỗ trợ của tổ chức Công đoàn, nhất là sự phối hợp chặt chẽ của “Tổ An toàn COVID-19” trong việc giám sát, tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K, đảm bảo sức khỏe người lao động, hỗ trợ để NLĐ được tiêm vắc xin phòng COVID-19 sớm nhất có thể đã giúp cho Công ty hoàn thành chỉ tiêu "đáng mơ ước" với nhiều doanh nghiệp ở thời điểm này đó là 100% NLĐ đã được tiêm vắc xin, cũng như xây dựng phương án sản xuất an toàn giúp cho công ty đã được chính quyền công nhận “vùng xanh doanh nghiệp”. Từ sự nỗ lực này mà hoạt động sản xuất- kinh doanh của Công ty vẫn được duy trì, thu nhập của NLĐ vẫn được đảm bảo./.