Nâng mức tiền phạt đối với 20 nhóm hành vi vi phạm xây dựng

Thứ sáu, 08/07/2022 10:13
(ĐCSVN) – Hà Nội nâng mức tiền phạt đối với 20 nhóm hành vi vi phạm xây dựng; rà soát, không để lãng phí nguồn lực tài sản công là nhà, đất là những nội dung trong hai nghị quyết được 100% đại biểu có mặt tán thành, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội sáng 8/7.

 Đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết.


Cụ thể, đối với Nghị quyết quy định mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính về xây dựng tại các quận thuộc TP Hà Nội, mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 3 Nghị quyết này bằng 2 lần mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính tương ứng tại Nghị định 16/2022 NĐ-CP. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 3 Nghị quyết này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức.

Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Các chức danh có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ có thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng.

Cụ thể, quy định nâng mức tiền phạt đối với 20/91 nhóm hành vi vi phạm hành chính (thuộc 5/34 điều tại Chương II quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động xây dụng) được quy định tại Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Trước đó, tại tờ trình của UBND TP, theo kết quả tổng kết Luật Thủ đô của UBND TP năm 2021, từ khi áp dụng Nghị quyết số 07/2014/NQ-HĐND đến thời điểm tổng kết, trên địa bàn thành phố đã phát hiện và ra 3.053 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đã thi hành 3.008 quyết định, chưa thi hành 45 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế 37 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách nhà nước gần 30 tỷ đồng.

Việc quy định và áp dụng mức xứ phạt cao hơn trong lĩnh vực xây dựng tại các quận nội thành có tác dụng răn đe, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự trên bàn thành phố.

* Đối với báo cáo kết quả giám sát của HĐND TP về việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của TP, HĐND TP yêu cầu UBND TP chấp hành thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của Đoàn giám sát HĐND TP tại báo cáo số 18/BC-HĐND ngày 29/6/2022. Trong đó, rà soát, ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định về tài sản công bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, khắc phục tình trạng thiếu sót hoặc chồng chéo trong phân công, xác định trách nhiệm, kém hiệu quả trong phối hợp giữa các cơ quan quản lý.

Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất đối với các cơ sở nhà, đất đang được giao quản lý, sử dụng, khẩn trương hoàn thành rà soát, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ CP; Nghị định số 67/2021 NĐ-CP của Chính phủ, đảm bảo sử dụng nhà, đất đúng tiêu chuẩn, định mức, tiết kiệm, hiệu quả.

Kiên quyết thu hồi để xử lý theo quy định các diện tích nhà, đất không sử dụng, sử dụng không đúng quy định, phân loại, xử lý dứt điểm các trưởng hợp vi phạm thực hiện nghĩa vụ tài chính kéo dài. Khẩn trương rà soát, có phương án sử dụng các điểm nhà đất chưa sử dụng để phát huy nguồn lực từ các tài sản này, tránh lãng phí.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy của cơ quan quản lý tài sản cộng tại các cấp, bảo đảm năng lực để thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản cộng, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.

Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công là nhà, đất. Trước mắt, tập trung cập nhật đầy đủ, chính xác hồ sơ, tài liệu về nhà, đất vào Cơ sở dữ liệu về tài sản công của thành phố, đồng thời xây dựng phần mềm để khai thác hiệu quả dữ liệu tài sản công về nhà, đất phục vụ công tác quản lý của thành phố.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, chuyên đề và đột xuất việc chấp hành quy định về quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của thành phố để kịp thời phát hiện, uốn nắn, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm, phát hiện những bất cập trong cơ chế, chính sách để điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi kịp thời. Phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong quản lý, sử dụng tài sản công, nhất là vai trò giảm sát của Nhân dân với tư cách là chủ sở hữu tài sản công…/.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực