Nhân rộng thêm nghìn “bông hoa đẹp” vì Thủ đô thân yêu

Thứ năm, 09/06/2022 15:01
(ĐCSVN) – Những ý kiến tham luận của các đại biểu đã mang lại “bức tranh” toàn cảnh về “rừng hoa” người tốt, việc tốt của Thủ đô. Các đại biểu nhấn mạnh đến phong trào thi đua người tốt việc tốt là biểu hiện sinh động tinh thần thi đua yêu nước, xây dựng Thủ đô và tình yêu Hà Nội.
Quang cảnh Hội thảo

 

Nhân kỷ niệm 74 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2022), 30 năm triển khai phong trào “Người tốt, việc tốt” trên địa bàn, ngày 9/6, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng (TĐKT) Thành phố (TP) Hà Nội tổ chức Hội thảo “30 năm - phong trào Người tốt, việc tốt Thủ đô”.

Ngày càng phát triển về chất và lượng

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, trải qua 30 năm, phong trào “Người tốt, việc tốt” Thủ đô ngày càng phát triển về chất và lượng; lan tỏa sâu rộng trong tất cả các ngành, các cấp mọi lúc mọi nơi, tạo khí thế thi đua sôi nổi, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần nhân ái, nghĩa cử cao đẹp; góp phần gìn giữ và vun đắp văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn hiến, văn minh, hiện đại.

Biểu hiện rõ nét nhất sức sống của phong trào “Người tốt, việc tốt” chính là thời gian vừa qua, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; TP Hà Nội đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua với sự tham gia thực chất của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh các y bác sĩ, cán bộ chiến sĩ, lực lượng tuyến đầu ngày đêm chống dịch, còn có sự tham gia tích cực của các tình nguyện viên, tổ dân phố, khu dân cư, tổ COVID cộng đồng, các doanh nhân, doanh nghiệp... Có thể nói, trong cuộc chiến này đã có rất nhiều hành động, việc làm đáng quý thể hiện tinh thần đoàn kết, “thương người như thể thương thân”, “mình vì mọi người” tập hợp sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”.

30 năm triển khai thực hiện phong trào “Người tốt, việc tốt” đã có gần 29 nghìn gương “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu được TP biểu dương, khen thưởng; trên 350 nghìn gương “Người tốt, việc tốt” được các ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện, thị xã, đơn vị thuộc thành phố khen thưởng, trong đó, hầu hết là công nhân, nông dân, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và người lao động trực tiếp.

Từ năm 2010 đến nay, TP cũng đã biểu dương, tôn vinh 119 gương “Công dân Thủ đô ưu tú”. Hằng năm, TP đều tổ chức trọng thể Hội nghị biểu dương, tôn vinh những “Người tốt, việc tốt” và vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10). Công tác tổ chức phong trào thi đua này đã được nhiều tỉnh, thành phố, địa phương, đơn vị nghiên cứu, học tập, áp dụng.

Đồng chí Lê Hồng Sơn cho biết: Nhằm đánh giá những kết quả, thành tựu đã đạt được qua 30 năm tổ chức thực hiện phong trào “Người tốt, việc tốt”, phân tích và làm rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa thực tiễn phong trào “Người tốt, việc tốt” trên địa bàn TP; đúc rút những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn tổ chức phong trào thi đua, để từ đó đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua, trong thời gian tới, Hội đồng TĐKT TP tổ chức Hội thảo “30 năm - phong trào Người tốt, việc tốt Thủ đô”.

Để Hội thảo có kết quả tốt, đồng chí Lê Hồng Sơn đề nghị các đại biểu tiếp tục tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề trọng tâm sau: Làm rõ vai trò, ý nghĩa của phong trào “Người tốt, việc tốt” trong phong trào thi đua xây dựng và phát triển Thủ đô hiện nay; những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn tổ chức triển khai phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”; đề xuất những giải pháp phù hợp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua trong thời gian tới đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của TP; công tác tuyên truyền, phổ biến, khơi nguồn sức mạnh trong các cấp, ngành, địa phương và nhân dân từ phong trào thi đua với mục tiêu là lan tỏa ngày càng nhiều hơn cái tốt, cái đẹp, đẩy lùi, hạn chế cái xấu, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Tại Hội thảo, những ý kiến tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo quản lý, các nhà khoa học, nhà báo, doanh nghiệp, các cá nhân điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt tiêu biểu…đã mang lại “bức tranh” toàn cảnh về “rừng hoa” người tốt, việc tốt của Thủ đô. Các đại biểu nhấn mạnh đến phong trào thi đua người tốt việc tốt là biểu hiện sinh động tinh thần thi đua yêu nước, xây dựng Thủ đô và tình yêu Hà Nội. Các đại biểu đề xuất, cứ 5 năm một lần, chọn ra những bài hay nhất về các tấm gương điển hình đặc biệt, đã có nhiều ảnh hưởng và hiệu quả xã hội cao nhất, để chọn ra một tuyển tập, phát hành rộng rãi và bán ra ngoài công chúng, chứ không để nó chỉ nằm mãi ở loại “sách không bán” như hiện nay, rất lãng phí. Đồng thời không nên để tên sách “Người tốt việc tốt" như lâu nay đã quen thuộc, tên đó tuy đúng và hợp lý nhưng lại không hấp dẫn bạn đọc trên thị trường sách báo. Vậy, nên đặt cho nó một cái tên khác, tạo được ấn tượng và sự chú ý hơn…

Cũng tại hội thảo, các ý kiến đề xuất nhiều giải pháp để xây dựng và tuyên truyền đa dạng trên mạng xã hội, sâu rộng những tấm gương điển hình tiên tiến, mang phẩm chất yêu nước, trách nhiệm, tâm huyết với Thủ đô; thanh lịch văn minh, trung thực, tự trọng, nghĩa tình, có trí thức, năng động, sáng tạo, tiêu biểu cho phong cách lao động mới...

Hội thảo cũng được nghe những kinh nghiệm quý giá trong phong trào "Người tốt, việc tốt" trong lực lượng vũ trang Thủ đô; các quận, huyện...Các ý kiến xác đáng sẽ góp phần không nhỏ để phong trào “Người tốt, việc tốt” Thủ đô tiếp tục là điểm sáng, nhân rộng thêm nghìn “bông hoa đẹp” vì Thủ đô thân yêu…

Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại Hội thảo 


Nâng cao chất và lượng các phong trào thi đua

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng ban Thi đua Khen thưởng TĐKT Trung ương Phan Văn Hùng đánh giá: Phong trào “người tốt, việc tốt” của Thủ đô đã trở thành “nếp văn hóa” hằng ngày của người dân Thủ đô, bản sắc riêng của mảnh đất nghìn năm văn hiến, đã tạo động lực và niềm tin trong nhân dân với hàng trăm, hàng nghìn những bông hoa người tốt, việc tốt. Đó là những tấm gương bình dị, giàu lòng nhân ái và thấm đậm chất nhân văn.

Đặc biệt, trong thời gian qua, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động đến tất cả lĩnh vực công tác và đời sống nhân dân, hàng loạt tấm gương, mô hình tốt liên quan đến công tác phòng chống dịch, hỗ trợ đời sống người dân đã xuất hiện, tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng và xã hội. Đây thực sự là những bông hoa đẹp của Thủ đô có ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, góp phần làm sáng đẹp hơn phẩm chất của người Hà Nội văn minh, thanh lịch…

Để tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới và nâng cao chất lượng phong trào thi đua trong thời gian tới, Phó Trưởng ban TĐKT Trung ương Phan Văn Hùng đề nghị TP Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”. Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức, gắn phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, và các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương, TP phát động.

leftcenterrightdel

Phó Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Phan Văn Hùng phát biểu tại Hội thảo.


Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò người đứng đầu các cấp, các ngành, các cơ quan truyền thông trong chủ động phát hiện những tấm gương “người tốt, việc tốt”, nhất là các nhân tố mới, để cổ vũ, nêu gương, nhân rộng trong toàn xã hội, tạo động lực phát triển và lan tỏa sâu rộng trong từng đơn vị, cơ sở. Tấm gương các điển hình tiên tiến phải có sức thuyết phục, cảm hóa mạnh mẽ như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Đổi mới phương pháp, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh nêu gương “Người tốt, việc tốt”…

Phó Trưởng ban TĐKT Trung ương cũng yêu cầu, qua bài học kinh nghiệm và từ thực tiễn triển khai phong trào thi đua, cần rút kinh nghiệm, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua trong thời gian tới đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; làm cho phong trào thi đua “người tốt, việc tốt” của TP Hà Nội được phát triển, nhân rộng trở thành phong trào chung của tất cả các tỉnh, TP trong cả nước để ngày càng lan tỏa nhiều hơn cái tốt, cái đẹp, "lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương giao Ban TĐKT TP Hà Nội tiếp thu, tham mưu TP chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục triển khai thực hiện phong trào “Người tốt, việc tốt” theo một số nội dung và giải pháp cụ thể. Trong đó, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phong trào thi đua nói chung và phong trào “Người tốt, việc tốt” nói riêng. Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua theo hướng thiết thực, trọng tâm, hiệu quả, hướng về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao của từng địa phương, đơn vị…

Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, nhân rộng và học tập các gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt trên hệ thống thông tin truyền thông các cấp; tăng cường thời lượng đưa tin về gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để việc tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục. Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác phát hiện, đề xuất khen thưởng điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt từ TP tới cơ sở nhằm đẩy mạnh công tác phát hiện, đề xuất khen thưởng theo thẩm quyền và giới thiệu TP khen thưởng điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; chú trọng đề xuất khen thưởng người lao động như công nhân, nông dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trực tiếp trên các lĩnh vực…/.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực