Nâng tầm thương hiệu cà rốt và nông sản Hải Dương

Thứ hai, 14/02/2022 15:36
(ĐCSVN) – Lễ hội thu hoạch cà rốt tỉnh Hải Dương năm 2022 lần đầu tiên tổ chức sẽ có nhiều điểm nhấn và có sự tham dự của các cầu thủ bóng đá và ca sỹ nổi tiếng người Hải Dương. Đây là một trong những sự kiện nhằm quảng bá chất lượng và thương hiệu, kích cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cà rốt cũng như các mặt hàng nông sản chủ lực của Hải Dương trong thời gian tới.
 Lễ hội thu hoạch cà rốt tỉnh Hải Dương sẽ diễn ra chiều 15/2.

Theo Chương trình, Lễ hội thu hoạch cà rốt tỉnh Hải Dương năm 2022 sẽ được tổ chức chiều 15/2 tại xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng với sự tham dự của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng Lãnh đạo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Xúc tiến thương mại; Đại diện Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương; Đại diện Lãnh đạo Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương…

Mục đích của việc tổ chức lễ hội nhằm tăng cường quảng bá chất lượng và thương hiệu, kích cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cà rốt, hành, tỏi của tỉnh Hải Dương. Đồng thời giới thiệu các tiềm năng, lợi thế, các chính sách khuyến khích, ưu đãi của Hải Dương nhằm thu hút đầu tư, phát triển vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung và đối với cây cà rốt nói riêng; từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho nông sản chủ lực và sản phẩm cà rốt theo hướng bền vững.

Tại Lễ hội, các đại biểu sẽ đi thăm vùng sản xuất và thu hoạch cà rốt tại xã Đức Chính và cơ sở chế biến và đóng gói cà rốt phục vụ xuất khẩu, thăm trưng bày một số sản phẩm chế biến từ cà rốt.

Các đại biểu sẽ cắt băng khai mạc Lễ hội thu hoạch cà rốt tỉnh Hải Dương năm 2022. Lễ rước cà rốt vào thắp hương tại Đền Tam phủ, tọa lạc tại ngoài đồng bãi ven sông Thái Bình, xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng; Tổ chức cuộc thi thu hoạch cà rốt và trao giải. Các đại biểu cũng sẽ cắt băng xuất khẩu cà rốt phục vụ xuất khẩu.

Đáng chú ý, lễ hội sẽ có sự tham dự của các cầu thủ bóng đá và cá sỹ, nghệ sỹ nổi tiếng người Hải Dương như Hoàng Đức, Trọng Đại, Đức Chiến; ca sỹ Đăng Dương… Ban Tổ chức cũng tiến hành LiveStraem Chương tình Hội Xuân trải nghiệm thu hoạch cà rốt.

Sau khi kết thúc lễ hội thu hoạch cà rốt, đoàn đại biểu sẽ đi thăm vùng sản xuất hành, tỏi và một số mô hình sản xuất, chế biến nông sản trên địa bàn thị xã Kinh Môn...

leftcenterrightdel
Dây chuyền sơ chế, phân loại cà rốt để đưa đi xuất khẩu tại Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương.
Ảnh: M.H
Bước tiến dài trong việc tạo dựng thương hiệu

Để tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, người ta nghĩ đến thương hiệu sản phẩm. Từ thương hiệu sản phẩm, người ta tạo dựng thương hiệu doanh nghiệp, tổ chức, góp phần tạo dựng thương hiệu địa phương, thương hiệu quốc gia. Thương hiệu địa phương được tập hợp từ những câu chuyện kể từ quá khứ cho đến hiện tại và những thông điệp về viễn cảnh tương lai của địa phương đó.

Hải Dương là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng điều kiện thuận lợi về khí hậu, đất đai màu mỡ. Hải Dương hiện có 8 nhóm nông sản chủ lực và gần 150 sản phẩm OCOP chất lượng cao. Nhiều sản phẩm đã được đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, cấp mã số vùng trồng, cấp chứng nhận Vietgap, Globalgap, OCOP, truy xuất nguồn gốc, hình thành mô hình chuỗi liên kết. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu với số lượng lớn, thị trường xuất khẩu được mở rộng sang nhiều nước, nhất là các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật bản, Hàn Quốc…đem lại giá trị kinh tế cao.

Đặc biệt, cây cà rốt Hải Dương được sản xuất tập trung hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, hình thành những cánh đồng thẳng cánh cò bay trên vùng đất bãi phù sa ven sông Thái Bình và sông Kinh Thầy, tập trung chủ yếu tại một số xã huyện Cẩm Giàng, Nam Sách và Chí Linh. Chính từ việc được bồi đắp và nuôi dưỡng từ những hạt phù sa của những con sông lớn, kết hợp với thời tiết khí hậu ôn hòa đã tạo lên chất lượng riêng biệt cho cà rốt Hải Dương với độ giòn và vị ngon ngọt khác biệt với cà rốt của bất cứ nơi đâu.

Diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 1.600ha, sản lượng trên 80.000 tấn/năm, được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn (VietGap, GolobalGap) phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thời vụ gieo trồng từ đầu tháng 9 đến đầu tháng 10; thời vụ thu hoạch tập trung từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm. 80% sản lượng cà rốt Hải Dương được sơ chế, bảo quản lạnh xuất khẩu củ tươi sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu, Malaysia, Singapore, Trung Đông,… còn lại 20% tiêu thụ trong nước dạng củ tươi, nước ép, mứt và cà rốt xấy khô cung cấp làm gia vị cho nhà máy sản xuất mì tôm, cháo ăn liền…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng các lãnh đạo tỉnh Hải Dương tham quan các gian hàng nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh Hải Dương đã có bước tiến dài, đáng để những người khởi tạo tự hào, khách phương xa thán phục. Những sản phẩm nông nghiệp được giới thiệu trang trọng trên các gian hàng trưng bày, từ rau củ quả tươi xanh, bắt mắt cho đến những sản phẩm OCOP phong phú.

“Giá trị một sản phẩm nếu biết cách tạo lập sẽ vượt nhiều lần giá cả của sản phẩm đó. Giá trị một sản phẩm được tạo nên từ thương hiệu sản phẩm gắn với thương hiệu địa phương” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Sản phẩm đa dạng, thiết kế, bao bì, mẫu mã độc đáo, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Sản phẩm nông nghiệp Hải Dương tự tin hiện diện trên các sàn thương mại điện tử, trên các kệ hàng sang trọng trong các trung tâm thương mại hiện đại. Sản phẩm nông nghiệp Hải Dương tự hào vượt trùng khơi, tiến vào các thị trường khó tính nhất. Sản phẩm nông nghiệp Hải Dương, từ làng nghề truyền thống, được chế biến, được chăm chút nhờ bàn tay, khối óc, từng bước vươn mình, đại diện cho thương hiệu mảnh đất, con người Hải Dương.

Trong bài viết “Câu chuyện Hải Dương” mới đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã khẳng định: “Thương hiệu Hải Dương được kết tinh từ sản phẩm của làng quê, từ tâm huyết của người nông dân… Tạo dựng thương hiệu địa phương là cả một hành trình với sự đóng góp của bao thế hệ người Hải Dương. Thương hiệu đã nhận được sự tin yêu, và để thương hiệu bay cao, vươn xa, cần đến sự dày công chăm chút tỉ mẩn, tinh tế, để vừa luôn mới mẻ, vừa phù hợp với xu thế thời đại. Tài hoa và khát vọng con người kết tinh thành giá trị cho Hải Dương”…

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, muốn bay cao, vươn xa, câu chuyện tạo dựng thương hiệu phải hằn sâu vào nếp nghĩ, vào mối lưu tâm thường nhật của người Hải Dương. Sự tự hào của người Hải Dương về thương hiệu Hải Dương sẽ khơi gợi tâm thức của doanh nghiệp, nhà đầu tư, khách du lịch trong và ngoài nước.

Những sự kiện văn hoá lịch sử, những ngày hội làng xuống giống đầu vụ, thu hoạch cuối vụ sẽ kích hoạt sự năng động của làng quê nông thôn. Một làng quê bừng sáng, giàu sức sống sẽ thu hút khách phương xa đến khám phá, trải nghiệm… Tin tưởng rằng, Lễ hội cà rốt tại Hải Dương sẽ là một trong những điểm nhấn đáng chú ý, tạo sự bứt phá về giá trị của ngành nông nghiệp tỉnh để xứng đáng là 1 trong 4 trụ cột của nền kinh tế, tạo nền tảng để tỉnh Hải Dương phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII đã đề ra./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực