|
Kiều Trang lọt vào TOP 30 toàn quốc Cuộc thi Giọng ca vàng Dân ca Trữ tình và Bolero Mùa 1 – năm 2024. (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Là em út trong một gia đình 8 anh em, Kiều Trang khá thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa, tuổi thơ của cô thực sự như một khúc ca buồn. Với bản tính hay nghĩ và hiểu chuyện, Trang luôn ấp ủ trong mình những tâm tư. Và cũng như cái duyên với một con người đa cảm, từ nhỏ Trang rất đam mê ca hát, coi đó như thứ niềm vui duy nhất để khuây khỏa tâm hồn, và cô sớm bộc lộ năng khiếu bẩm sinh của mình với âm nhạc...
Khi mới 3 tuổi, Trang đã rất thích hát. Thừa hưởng năng khiếu văn nghệ từ bố mẹ, cô bé Trang lần học rất nhanh theo các ca khúc thể loại nhạc đỏ cách mạng hay dân ca trữ tình mà bố mẹ hay hát. Cạnh đó, Kiều Trang có một trí nhớ khá tốt, thuộc lời các bài hát nhanh và biến tấu giai điệu theo cách của riêng mình.
Nói thêm về những ngày thơ, Trang vốn là một cô bé nhút nhát, đôi khi hơi tự ti về hoàn cảnh gia đình, khi bản thân sinh ra trong một nhà nông “chính gốc” lại đông con, nhưng cứ có dịp đứng trên “sân khấu” của lớp học, nhà văn hóa thôn xóm, hay bất cứ đâu, thì cô bé hoàn toàn lột xác với sự tự tin và mạnh mẽ khác thường để cất lên những tiếng ca bằng cả trái tim và lòng đam mê.
Bà Vũ Thị Thấm, mẹ của Kiều Trang tâm sự, ngày bé thấy con mình đam mê với ca hát, nghệ thuật nên từ khi con học lớp 1 bà đã ủng hộ việc con tham gia các hoạt động văn nghệ tại nhà trường. Để nuôi dưỡng đam mê của con, bà chỉ có thể cho con tham gia các đội văn nghệ do nhà trường hoặc thôn xóm tổ chức, chứ không có khả năng kinh tế cho con theo học các lớp năng khiếu âm nhạc một cách bài bản.
Hát hay, hay hát, Kiều Trang thường xuyên tham gia các hoạt động văn nghệ của trường, đoàn thể địa phương, tham gia nhiều cuộc thi văn nghệ và đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Âm nhạc đã thấm vào cô và lắng đọng lúc nào, tới mức nghe đến tên Kiều Trang, nhiều người ở quê hương vẫn còn ấn tượng đây là một cô bé hát hay, hay hát...
Thế rồi sóng gió cuộc đời lại thử thách với cô bé thôn quê, đến thời thiếu nữ, do bị bệnh về mắt Trang phải nghỉ học để chữa bệnh, sau khỏi bệnh mắt thì việc học hành nhỡ dở, Kiều Trang gác lại mọi thứ ở nhà đi mò cua, bắt ốc, sau lớn hơn cô xin đi làm để phụ giúp gia đình.
Trong quá trình mưu sinh, mỗi khi rảnh rỗi, cô lại ngân nga mấy điệp khúc của bài hát mà mình ưa thích, vừa để thỏa đam mê, vừa để luyện giọng cho ngày càng sáng đẹp mong có một ngày bản thân được một lần tỏa sáng.
Năm 2024, bước ngoặt cuộc đời đã thực sự đến khi Kiều Trang mạnh dạn đăng ký tham gia Chương trình Đấu trường nhạc Việt - Cuộc thi Giọng ca vàng Dân ca Trữ tình và Bolero Mùa 1 - năm 2024, đây là một show diễn uy tín nhằm tìm kiếm các tài năng âm nhạc tại Việt Nam. Kiều Trang cho biết, thời giam tham gia cuộc thi, cô đã may mắn được các thầy cô, các anh chị đi trước cùng với Ban Tổ chức và Hội đồng Giám khảo nhiệt tình chỉ dạy cấp tốc nhạc lý cơ bản, việc này đã giúp cô cải thiện đáng kể về kỹ thuật thẩm âm, lấy hơi, mở biên độ khi biểu diễn các ca khúc.
|
Kiều Trang trong phần thi thể hiện Ca khúc "Quê ơi" tại Chương trình Đấu trường nhạc Việt - Cuộc thi Giọng ca vàng Dân ca Trữ tình và Bolero Mùa 1 – năm 2024. (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Bằng Ca khúc “Quê ơi” (Lời: Phương Thảo; Nhạc: Trần Thế Anh), với chất giọng nữ cao, trong trẻo như sơn ca, Kiều Trang đã thể hiện bài hát bằng cả trái tim và tâm trạng của một người con làm ăn tha phương, nhớ nhung quê nhà da diết. Cùng chất giọng sáng đẹp trời cho là phong cách biểu diễn duyên dáng, ấn tượng, Kiều Trang đã vượt qua hàng nghìn thí sinh trong cả nước, xuất sắc lọt vào vòng Chung kết TOP 30 toàn quốc của Chương trình Đấu trường nhạc Việt - Cuộc thi Giọng ca vàng Dân ca Trữ tình và Bolero Mùa 1 - năm 2024.
Diễn tả lại cảm xúc khi biết mình lọt vào TOP 30, Kiều Trang chưa hết cảm giác vui mừng lẫn hồi hộp: Khi thể hiện phần thi bằng Ca khúc “Quê ơi”, tôi đã cố gắng thổi hồn mình một cách cảm xúc nhất khi thể hiện, phác họa sinh động mạch suy nghĩ của một người con xa quê hương đi làm ăn, nỗi nhớ về quê hương nơi sinh ra và lớn lên, ở đó có cánh đồng lúa mênh mông thẳng cánh cò bay, có con sông với những triền đê êm đềm, lũy tre đầu làng xõa bóng, hay đơn giản là cảm giác ăn bữa cơm chiều bên gia đình nơi thôn quê với bát canh cua và miếng cà pháo giòn tan… ngập tràn cảm xúc thời thơ ấu.
“Sau khi vào vòng bán kết TOP 70 và chờ đợi kết quả vòng thi tiếp theo, tôi hồi hộp, mong ngóng từng ngày. Khi chính thức có kết quả vào TOP 30, tôi đã vui sướng vỡ òa bởi từ trong thâm tâm, tôi cũng chỉ ước một lần được vào TOP 30 của chương trình là là vinh dự lớn lắm rồi! Và tuyệt vời hơn nữa, khi tham gia cuộc thi tôi còn được gặp gỡ và nhận được sự chỉ dạy của Nghệ sĩ Nhân dân Trung Đức, Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền..., đó là những thần tượng âm nhạc của tôi từ ngày còn nhỏ” - Kiều Trang tâm sự.
Chia sẻ thêm về các dòng nhạc, Trang cho biết mình thích nhất thể loại dân ca - trữ tình bolero, bởi nó sâu lắng, mang âm hưởng trữ tình phù hợp với chất giọng nữ cao của cô. Ngoài dòng nhạc yêu thích trên, Kiều Trang còn hát tốt một số thể loại khác như: cải lương, chầu văn, quan họ, ca trù...
Đam mê ca hát và từng có nhiều thành tích trong ca hát, nhưng Kiều Trang cũng thú nhận bản thân chưa từng học qua một trường lớp nào về thanh nhạc, tất cả những bài hát mà Trang thể hiện là bằng năng khiếu bẩm sinh và sự nỗ lực tự tập luyện.
Với chất giọng đầy nội lực và khả năng cảm thụ âm nhạc tốt cũng những thành tích âm nhạc đáng nể, Kiều Trang hiện đang làm nghề MC, dẫn chương trình và biểu diễn âm nhạc cho các sự kiện văn hóa. Qua các hoạt động ấy, hàng ngày cô thể hiện các ca khúc bằng trái tim của một người yêu nhạc, cháy hết mình với âm nhạc và được sống với niềm đam mê ca hát của mình./.