|
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo. |
Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương; đồng chí Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và Tỉnh ủy Hải Dương; Tỉnh ủy Hải Phòng, Tỉnh ủy Tuyên Quang; đại diện thân nhân gia đình đồng chí Nguyễn Lương Bằng, cùng đông đảo các đại biểu, nhà khoa học ở Trung ương và địa phương.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, Hội thảo khoa học: “Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam” là hoạt động thiết thực để góp phần tri ân cuộc đời cách mạng cao đẹp và những hoạt động, cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Lương Bằng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, góp phần bồi dưỡng, giáo dục tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sinh ngày 02/4/1904, trong một gia đình nông dân nghèo tại thôn Đông, xã Đoàn Lâm, tổng Đoàn Lâm (nay là thôn Đông, xã Thanh Tùng), huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.
|
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng phát biểu chào mừng tại Hội thảo. |
Đồng chí là đảng viên lớp đầu tiên thời dựng Đảng, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, được Đảng tin tưởng, giao nắm giữ nhiều trọng trách, như: Trưởng Ban Kinh tế - Tài chính Trung ương, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô, Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương, Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ, Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với những công lao to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, trọn cuộc đời đồng chí Nguyễn Lương Bằng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, “tấm gương của đồng chí là giá trị tinh thần mãi mãi tỏa sáng đối với nhiều thế hệ những người cộng sản và thanh niên ta, nhân dân ta. Tinh thần cách mạng, đạo đức cộng sản chủ nghĩa của đồng chí là bất diệt”. Đồng chí xứng đáng là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cho biết, tri ân công lao và những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Lương Bằng với Đảng và Cách mạng Việt Nam, đã có rất nhiều cuộc hội thảo khoa học, nhiều cuốn sách đã được tổ chức nghiên cứu, biên tập, xuất bản làm sáng rõ nhân cách tốt đẹp, sáng ngời của đồng chí Nguyễn Lương Bằng qua những chặng đường hoạt động cách mạng đầy gian nan, thử thách và hy sinh to lớn.
Hội thảo hôm nay một lần nữa sẽ tiếp tục khẳng định, làm rõ thêm những đóng góp và cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Lương Bằng với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc và quê hương Hải Dương. Đây sẽ là những dữ liệu lịch sự hết sức quý báu của Đảng và là tài liệu quan trọng để Hải Dương và các tỉnh nơi đồng chí Nguyễn Lương Bằng từng hoạt động dùng làm tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau; từ đó khơi dậy và nêu cao lòng tự hào dân tộc, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần yêu quê hương, yêu nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ hội nhập và phát triển.
|
Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương điều hành phần tham luận Hội thảo.
|
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 50 tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các cơ quan ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các địa phương, tỉnh Hải Dương - quê hương của đồng chí Nguyễn Lương Bằng và của nhiều nhà khoa học. Hội thảo là hoạt động thiết thực kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng (02/4/1904 - 02/4/2024), nhằm ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, góp phần tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng thời, là dịp để thể hiện sự tri ân sâu sắc của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Hải Dương.
Hội thảo đã tập trung làm sáng tỏ nội dung đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản tiên phong thời dựng Đảng. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng (bí danh Sao Đỏ, Hai Nam, Triệu Vân…) sinh ngày 02/4/1904 tại thôn Đông, xã Đoàn Lâm, tổng Đoàn Lâm (nay là thôn Đông, xã Thanh Tùng), huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.
Trên hành trình vừa lao động kiếm sống và tự học văn hóa, vừa tìm con đường đấu tranh yêu nước, năm 1925, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Ngay sau khi hoàn thành khóa huấn luyện ở Quảng Châu, đồng chí xung phong về nước hoạt động để thiết lập hệ thống liên lạc giữa trong nước với nước ngoài, xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán, gây dựng các cơ sở, tổ chức cách mạng cả trong và ngoài nước. Tháng 10/1929, tại Hồng Kông, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng và và là một trong những đảng viên cộng sản thế hệ đầu tiên sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam.
|
Các đại biểu tham luận tại Hội thảo. |
Hội thảo cũng làm rõ nội dung: đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam. Không chỉ là một trong những người khai sơn phá thạch thời dựng Đảng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng còn là người đi tiên phong trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ mới của cách mạng. Trong 20 năm hoạt động cách mạng dưới chế độ thực dân, đồng chí bị bắt ba lần và hai lần tổ chức vượt ngục để trở về hoạt động cách mạng. Sau khi vượt ngục thành công lần thứ hai (1943), đồng chí được chỉ định tham gia Trung ương phụ trách công tác tài chính, binh vận và mặt trận, tham gia Ban Lãnh đạo của Tổng bộ Việt Minh.
Tại Hội nghị toàn quốc của Đảng, đồng chí được bầu bổ sung làm Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng và được Đại hội Quốc dân Tân Trào bầu vào Ban Thường trực của Ủy ban Dân tộc giải phóng gồm 5 người do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Đồng chí đã tham gia lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công và tham gia phái đoàn của chính quyền cách mạng tiếp nhận sự thoái vị của Bảo Đại - vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến ở nước ta.
Sau khi đất nước giành được độc lập, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước, như: Trưởng Ban Kinh tế - Tài chính Trung ương; Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Liên Xô; Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương, Tổng Thanh tra Chính phủ; Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ở bất cứ cương vị công tác nào, với tinh thần tận tụy, trí tuệ lớn, tầm nhìn xa rộng, năng lực hoạt động thực tiễn phong phú, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Các tham luận cũng khẳng định, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân.
Trong lao tù đế quốc, đồng chí không quản ngại hy sinh, gian khổ; kiên cường, bất khuất trước kẻ thù. Khi chính quyền cách mạng non trẻ vừa mới ra đời, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, khi thành lập Chính phủ liên hiệp, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng một số đồng chí lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh tự nguyện rút khỏi Chính phủ lâm thời để nhường chỗ cho những nhân sĩ, trí thức tiêu biểu tham gia. Khi giữ vị trí, chức vụ cao trong Đảng và Nhà nước, đồng chí luôn là tấm gương về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói đi đôi với làm; sống khiêm tốn, giản dị, có tình nghĩa, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào. Đồng chí là tấm gương cao đẹp để mỗi chúng ta trân trọng, tri ân, học tập và noi theo.
Các tham luận tại Hội thảo cũng tập trung làm rõ nội dung: đồng chí Nguyễn Lương Bằng- Người con ưu tú của quê hương Hải Dương. Chính truyền thống tốt đẹp của quê hương là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng để hình thành nhân cách và chí hướng của người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Lương Bằng. Sau này, trên bước đường công tác, đồng chí luôn dành cho quê hương những tình cảm tốt đẹp nhất, vẫn dành thời gian về thăm, làm việc với Đảng bộ và nhân dân tỉnh.
Nhiều tham luận khẳng định, Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân Hải Dương luôn tự hào, ra sức học tập tấm gương của đồng chí Nguyễn Lương Bằng và các bậc tiên liệt, phấn đấu đưa phấn đấu đưa Hải Dương đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra./.