Hải Dương: Tổng thu ngân sách năm 2022 ước đạt 19.314 tỷ 870 triệu đồng, đạt 130% dự toán

Thứ năm, 24/11/2022 08:38
(ĐCSVN) - Theo báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách địa phương năm 2022, phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2023 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, tổng thu ngân sách năm 2022 của tỉnh Hải Dương ước đạt 19.314 tỷ 870 triệu đồng, đạt 130% so với dự toán giao; trong đó có 13/16 khoản thu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán đầu năm.
leftcenterrightdel
 Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.

Thông tin trên được đưa tại phiên thường kỳ tháng 11 của UBND tỉnh Hải Dương, diễn ra ngày 23/11. Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.

13/16 khoản thu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán

Báo cáo tại phiên họp về tình hình thực hiện dự toán ngân sách địa phương năm 2022, phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2023 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, tổng thu ngân sách toàn tỉnh Hải Dương năm 2022 ước đạt 19.314 tỷ 870 triệu đồng, đạt 130% so với dự toán giao; trong đó có 13/16 khoản thu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán đầu năm. Trên cơ sở dự kiến nguồn thu, tổng chi ngân sách địa phương năm 2022 ước đạt 19.817 tỷ 068 triệu đồng, đạt 128% dự toán năm, chủ yếu tăng chi do tăng thu tiền sử dụng đất và tăng thu thường xuyên năm 2022; kinh phí ngân sách trung ương bổ sung.

Dự toán thu ngân sách trên địa bàn Trung ương giao năm 2023 là 17.655 tỷ đồng, bằng 119% so với dự toán năm 2022, trong đó thu nội địa là 15.155 tỷ đồng, bằng 123% so với dự toán năm 2022, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 2.500 tỷ đồng, bằng 100% so với dự toán năm 2022. Tổng chi ngân sách địa phương năm 2023 là 16.317,805 tỷ đồng, bằng 105% so với năm 2022.

leftcenterrightdel
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Trọng Tuệ báo cáo giải trình các vấn đề có liên quan thuộc lĩnh vực tài chính tại phiên họp.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị các sở, ngành, Cục Thuế, Kho bạc nhà nước tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao bám sát tiến độ thu, triển khai các biện pháp để tăng thu ngân sách cả năm ở mức cao nhất có thể, kiểm soát chi có hiệu quả, thực hiện tiết kiệm chi, cắt giảm khoản chi chưa thực sự cần thiết, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt mục tiêu đề ra.

Đối với dự toán ngân sách năm 2023, UBND tỉnh cơ bản nhất trí phương án trình của Sở Tài chính. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Tài chính tiếp tục kiểm tra, rà soát, bám sát nguyên tắc phân bổ theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ. Trong đó, lưu ý cần triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, không bố trí chi cho các nội dung chưa cấp bách, hạn chế mua sắm trang thiết bị đắt tiền, ưu tiên chi cho đầu tư phát triển, quan tâm bố trí chi cho các nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường, giáo dục, y tế, các chương trình đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh…

Phiên họp cũng thảo luận và cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo của Sở Tài chính về phê duyệt quyết toán ngân sách địa phương năm 2021 tỉnh Hải Dương. Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2021 của tỉnh đã được kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán trong năm 2022. Để hoàn thiện báo cáo trình HĐND tỉnh xem xét, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Tài chính tiếp thu các ý kiến, lưu ý nội dung kiến nghị của Kiểm toán nhà nước để bổ sung hoàn chỉnh.

9/16 chỉ tiêu vượt, hoàn thành kế hoạch

Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh ước đạt 21.500 tỷ đồng, tăng 3,6% so với năm 2021; sản xuất công nghiệp, xây dựng ước 328.000 tỷ đồng, tăng 11,8%; giá trị ngành dịch vụ ước 46.760 tỷ đồng, tăng 8,4%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 9,1% (kế hoạch đề ra trên 10%). Tỉnh có 9 trong số 16 chỉ tiêu vượt, hoàn thành so với kế hoạch đề ra. Đó là thu ngân sách nội địa, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi thuỷ sản, xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, lao động qua đào tạo, lao động trong độ tuổi có bảo hiểm, làng, khu dân cư văn hoá, tỷ lệ hộ nghèo, các cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các doanh nghiệp được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

leftcenterrightdel
 Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Hồng Diên báo cáo giải trình nội dung liên quan đến báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Thảo luận về nội dung này, các thành viên UBND tỉnh cơ bản thống nhất nội dung do Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo. Về một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng đề nghị các sở, ngành, địa phương rà soát báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý khẩn trương hoàn thiện gửi về Văn phòng UBND tỉnh. Trong đó, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, cần đưa ra mục tiêu dựa trên bối cảnh  tình hình chung trong nước và quốc tế. Các sở, ngành, địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch hành động của từng ngành, lĩnh vực quản lý…

Phiên họp cũng thảo luận và cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng khác để chuẩn bị trình HĐND tỉnh xem xét tại kỳ họp cuối năm, như Tờ trình về việc chấp thuận thu hồi đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các dự án, công trình trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh; báo cáo của Sở Tài chính về phê duyệt mức thu học phí và danh mục các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu, chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các trường mầm non, giáo dục phổ thông và các cơ sở giáo dục đào tạo công lập khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Tờ trình về Quy định nội dung và mức chi thực hiện một số chế độ chính sách cho cán bộ thuộc diện bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trên địa bàn tỉnh Hải Dương; Tờ trình điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương năm 2022, phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương 5 năm 2021-2025...

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực