|
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu kết luận tại buổi làm việc. |
Tham dự buổi làm việc, về phía tỉnh Hải Dương có các đồng chí: Trần Đức Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và thủ trưởng một số sở, ban, ngành liên quan.
Các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; Cao Tường Huy - quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cùng tham dự buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương báo cáo cho thấy những khó khăn, vướng mắc chung chủ yếu làm ảnh hưởng tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu liên quan đến việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, chính sách tín dụng, thị trường và về vấn đề lao động. Trong đó, vướng mắc liên quan đến đất đai, môi trường, khoáng sản ảnh hưởng tương đối lớn. Mặc dù, chỉ tiêu sử dụng đất phân bổ cho các địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ nhưng chưa đáp ứng theo nhu cầu thực tế của các địa phương để triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; Nguyên, nhiên vật liệu tăng giá đột biến làm tăng chi phí đầu tư dự án; khan hiếm nguyên vật liệu (đất, cát làm vật liệu san lấp); chi phí vận tải tăng dẫn đến nhiều nhà thầu thi công cầm chừng hoặc đã nhận mặt bằng nhưng chưa thi công hoặc không nhận mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.
Công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB còn chậm do gặp khó khăn trong việc xác định khu tái định cư và khung giá đất có sự thay đổi nên phải điều chỉnh phương án giải phóng mặt bằng làm phát sinh chi phí, tăng chi phí giải phòng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án, trong đó có các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, các dự án lớn trọng điểm có tính chất liên vùng trên địa bàn dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư lớn, chiến lược. Các vấn đề liên quan đến thủ tục đầu tư, xây dựng; về công tác quy hoạch.... còn nhiều bất cập.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng báo cáo một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế trong thực hiện các công trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh. |
Đặc biệt, về chính sách tín dụng, các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong việc tiếp cận được các nguồn vốn (tín dụng, trái phiếu, ...); lãi suất, tỉ giá ngoại tệ, trong khi giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng nên khó khăn trong việc bán được sản phẩm và giảm khả năng thanh khoản đối với thị trường bất động sản, dẫn tới nhiều tập đoàn, doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, dừng thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới. Khó khăn của thị trường bất động sản kéo theo khó khăn của nhà thầu, cung ứng vật liệu và nhiều ngành nghề khác, làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng đã báo cáo một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện, triển khai dự án cụ thể, ảnh hưởng tới phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chỉ ra các khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị về thể chế. Đề nghị ủy quyền cho các địa phương phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng từ 10ha đất trồng lúa trở lên, từ 20ha đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; Ban hành các hướng dẫn cụ thể quy định về diện tích đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên phải đánh giá tác động môi trường; Ban hành quy định về quy chế hoạt động của Quỹ phát triển đất để địa phương tập trung nguồn lực cho giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch đấu giá quyền sử dụng đất nhằm tạo hiệu quả việc sử dụng đất và tăng thu cho Ngân sách nhà nước.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Chính phủ tháo gỡ, tạo điều kiện để các địa phương thu hút đầu tư về một số nội dung liên quan đến: hộ kinh doanh, dự án không triển khai hoặc triển khai chậm, dự án được chấp thuận trước thời điểm Nghị định số 148/2020/NĐ-CP có hiệu lực; hướng dẫn vấn đề liên quan đến lập đề xuất chủ trương đầu tư; Phân cấp cho HĐND các cấp quyết định kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; quyết định việc bố trí vốn đối với dự án quá hạn. Ban hành Nghị quyết cho phép thí điểm sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên đối với một số dự án trong trường hợp cần thiết.
Mặt khác, cần sửa đổi các quy định liên quan đến Luật Xây dựng, Luật quy hoạch đô thị và Luật Đất đai, trong đó: thống nhất về chỉ tiêu các loại đất; cho phép điều chỉnh cục bộ đối với quy hoạch chung xây dựng xã; đơn giản hóa các quy định về quy hoạch trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Sớm có hướng dẫn cụ thể về công tác lập, thẩm định phê duyệt dự toán liên quan đến công tác lập đề xuất chủ trương đầu tư để tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương, các cơ quan chuyên môn giúp việc trong quá trình lập đề xuất chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công.
|
Quang cảnh buổi làm việc. |
Chính phủ cần xem xét tháo gỡ đề xuất của một số doanh nghiệp về thuế, lệ phí; đẩy mạnh các giải pháp nhằm đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng dư nợ cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh;Tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp phép hoạt động lao động nước ngoài, như: sử dụng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc quyết định bổ nhiệm; giấy phép lao động cho các thủ tục cấp phép lần tiếp theo; quy định tiêu chí xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài; Trình Quốc hội bố trí nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa mức bổ sung có mục tiêu cho địa phương trong trường hợp khắc phục thiên tai, thảm họa dịch bệnh hoặc chế độ chính sách mới phát sinh do Trung ương ban hành, không phân biệt tỉnh tự cân đối; Rà soát các quy chuẩn về PCCC để đảm bảo tính khả thi, phù hợp hơn với khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành sớm kết nối, tích hợp chia sẻ cơ sở dữ liệu, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính cũng như trong công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC của các cơ quan nhà nước theo quy định.
Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng cũng thống nhất quan điểm với tỉnh Hải Dương về những vấn đề liên quan tới thể chế, chính sách. Nhiều chính sách khi đưa vào thực tế bộc lộ những hạn chế, bất cập gây cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện các dự án phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.
Do vậy, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của cả nước năm 2023 đạt 6,5%, các địa phương kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ định hướng, giải pháp phù hợp trong quản lý, chỉ đạo, điều hành. Tiếp tục rà soát các kiến nghị, vướng mắc về quy định của Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn, sửa đổi Luật Đấu thầu liên quan đến các thủ tục về đầu tư công, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư còn bất cập để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án. Nghiên cứu cơ chế, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công khi giá vật tư, vật liệu xây dựng tiếp tục có xu hướng tăng cao như trong thời gian vừa qua...
|
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng kiến nghị tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho Thành phố. |
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã có một số kiến nghị và đề xuất với Trung ương, Chính phủ. Đó là đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương quan tâm xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành và sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, đồng nhất, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển.
Hải Phòng cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các nhà thầu đã ký hợp đồng trọn gói, hợp đồng đơn giá cố định nhưng không được điều chỉnh giá khi có sự biến động về giá nguyên vật liệu xây dựng.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép Hải Phòng thành lập thêm Khu kinh tế ven theo đường cao tốc ven biển nhằm phát huy mạnh mẽ lợi thế riêng của thành phố đóng góp trong phát triển vùng và cả nước. Cuối cùng là ban hành Nghị quyết đặc thù về việc cho phép Hải Phòng được thực hiện thu hồi đất quốc phòng theo quy định của Luật Đất đai để thực hiện các dự án Nhà ga hành khách T2; dự án mở rộng bãi đỗ máy bay, kho hàng hóa ngoại quan tại Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi (như Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 28/7/2022 khi xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất).
Phát biểu về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh những tháng đầu năm 2023, đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Những tháng đầu năm 2023, Quảng Ninh triển khai nhiệm vụ phát triển KT-XH trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các cấp, ngành, địa phương đã bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của tỉnh để thực hiện hiệu quả các mục tiêu. Từ đó, các chỉ tiêu KT-XH đảm bảo bám sát kế hoạch đề ra.
Trên cơ sở nhận định những thuận lợi, khó khăn trong quá trình phát triển, đồng chí đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm, tiếp tục đồng hành cùng tỉnh để có những giải pháp hỗ trợ liên quan đến các kiến nghị về công tác PCCC; chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc về nhu cầu sử dụng điện trong KCN, khuyến khích đầu tư hạ tầng điện tái sinh là năng lượng mặt trời và điện gió để giải quyết một phần áp lực về tiêu thụ điện ở các KCN; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương có phương án đấu nối, đầu tư các trạm TBA theo quy hoạch để cấp điện cho các KCN.
|
Đồng chí Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - Cao Tường Huy phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu kết luật buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nên phải nỗ lực bằng mọi giá để hoàn thành mục tiêu đề ra. Tình hình thế giới có nhiều biến động trong khi kinh tế nước ta đang có độ mở nên khi áp dụng các cơ chế, chính sách sẽ bộ lộ những điểm chưa tương đồng, nhất quán. Nếu hành lang pháp lý không đồng bộ sẽ không giải quyết được các vấn đề căn cơ, cốt lõi, tạo đòn bầy cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Phó thủ tướng nhấn mạnh, các đề xuất, kiến nghị của 3 địa phương đều xuất phát từ quá trình thực tiễn tại cơ sở. Trong quá trình phát triển và triển khai các chỉ đạo, đã phát hiện những tồn tại, bất cập, nhiều quy định chưa đồng bộ, thống nhất trong thể chế, gây khó khăn. Vì thế, các ý kiến đóng góp từ các địa phương sẽ là căn cứ quan trọng để Chính phủ cân đối, xem xét.
Ngay sau buổi làm việc hôm nay, những thông tin, kiến nghị mà các địa phương cung cấp, Đoàn công tác ghi nhận đầy đủ để tổng hợp báo cáo, sớm đưa ra các giải pháp cụ thể. Những vấn đề không liên quan đến sửa đổi thể chế, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương phải quyết liệt, để giải quyết triệt để những vướng mắc.
Đối với những nội dung bị vướng mắc bởi thể chế cần tháo gỡ theo nguyên tắc xử lý từng bước, phân cấp mạnh mẽ và phối hợp giữa các địa phương, đơn vị, Văn phòng Chính phủ tổng hợp ý kiến của các địa phương, ban hành Thông báo kết luận, đề xuất Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị trên tinh thần phân rõ trách nhiệm./.