Trọng thể kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng

Thứ năm, 28/03/2024 10:29
(ĐCSVN) – Sáng 28/3, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024) - Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đọc Diễn văn kỷ niệm.

Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; diện các Ban, Bộ, Ngành, cơ quan Trung ương; các tỉnh, thành phố nơi đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã hoạt động, công tác; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Hải Dương qua các thời kỳ; đại diện gia đình, dòng họ đồng chí Nguyễn Lương Bằng.

Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm. 

Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Diễn văn kỷ niệm do đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương trình bày đã nêu bật về cuộc đời, sự nghiệp và những dấu ấn cá nhân nổi bật của đồng chí Nguyễn Lương Bằng đối với đất nước và cách mạng Việt Nam, với quê hương Hải Dương.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước tại thôn Đông, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Lớn lên chứng kiến cảnh quê hương, đất nước đắm chìm dưới ách nô lệ của thực dân Pháp, sự bóc lột nặng nề của chế độ phong kiến, đồng chí Nguyễn Lương Bằng thấu hiểu nỗi khổ cực, tủi nhục của người dân mất nước; lại thêm thừa hưởng truyền thống yêu nước của gia đình khi cả ông bà nội đều đã từng tham gia nghĩa quân phong trào Cần Vương, thường xuyên được bà và bố kể cho nghe chuyện về những tấm gương yêu nước trong đó có cả những người trong họ tham gia chống Pháp, bị chúng giết chết, mà như đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã viết trong hồi ký là: tất cả đã khắc sâu vào tâm hồn tôi một tinh thần yêu nước, một chí khí dân tộc.

Quyết tâm thực hiện hoài bão, năm 1925, đồng chí Nguyễn Lương Bằng xin làm bồi bếp trên một chiếc tàu thủy của Pháp chạy tuyến Hải Phòng - Hồng Kông. Tại đây, đồng chí đã được các đồng chí trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên giác ngộ và kết nạp. Được đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy về lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lênin, về cách mạng vô sản. Và đây chính là bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng: Từ chủ nghĩa yêu nước đi tới chủ nghĩa cộng sản khoa học.

Năm 1926, đồng chí Nguyễn Lương Bằng tình nguyện xin trở về nước xây dựng cơ sở cho Tổng Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Các đại biểu dự buổi Lễ. 

Cuối tháng 4 năm 1927, đồng chí Nguyễn Lương Bằng xin làm việc trên tàu Sông Bô của Pháp chạy tuyến Hải Phòng - Hồng Kông - Quảng Châu. Và cũng chính nhờ tuyến đường này, đồng chí có điều kiện đưa báo Thanh niên, tác phẩm Đường Kách Mệnh cùng một số tài liệu khác của Tổng bộ ở Quảng Châu về nước phục vụ cho công tác tuyên truyền, vận động quần chúng.

Tháng 10/1927, đồng chí Nguyễn Lương Bằng bị cơ quan mật thám Pháp ở Hải Phòng phát hiện nên phải bí mật chuyển vào Sài Gòn hoạt động. Tháng 12/1928, đồng chí trở lại Hải Phòng thiết lập một đường dây liên lạc quốc tế bằng đường biển Hải Phòng - Pari, thông qua các thủy thủ là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp.

Giữa năm 1929, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được Tổng bộ Thanh niên điều động đi nhận công tác ở Trung Quốc. Tháng 10-1929, tại Quảng Châu, đồng chí được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng và được phân công đến Thượng Hải gây dựng cơ sở cách mạng.

Tháng 5/1931, mật thám Pháp ở Thượng Hải bắt được đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Chúng đã dùng cực hình tra tấn nhưng không khai thác được điều gì. Do vậy, chúng dẫn giải đồng chí về Sài Gòn, giam một thời gian, rồi đưa ra Hà Nội giam tại Nhà tù Hỏa Lò.

Năm 1932, thực dân Pháp áp giải đồng chí về Hải Dương để xét xử. Tòa án thực dân kết án đồng chí chung thân và đưa về giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Không chịu lùi bước trước quân thù, đồng chí đề ra kế hoạch vượt ngục để tiếp tục hoạt động. Đêm Noel năm 1932, tại Nhà thương Phủ Doãn, Nguyễn Lương Bằng và một số đồng chí khác đã vượt ngục thành công.

Thoát khỏi lao tù nhưng mất liên lạc với tổ chức Đảng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng trở về Hải Dương để xây dựng cơ sở cách mạng. Tại Ấp Dọn, xã Thái Dương, huyện Bình Giang đồng chí đã xuất bản tờ bào Công Jông để kêu gọi, thức tỉnh lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và động viên quần chúng nhân dân giữ vững niềm tin với Đảng.

Giữa năm 1933, khi đi công tác lên Bắc Giang, đồng chí Nguyễn Lương Bằng lại bị địch bắt. Tòa án Bắc Giang kết án khổ sai chung thân và đưa về giam tại Nhà tù Hỏa Lò và sau đó là Nhà tù Sơn La.

Trải qua ba lần bị thực dân đế quốc bắt tù, đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn là người đi đầu trong các cuộc đấu tranh chống lại bọn cai ngục, nêu cao khi phách hiên ngang, bất khuất trước quân thù. Cuối năm 1943, đồng chí được chi bộ Đảng nhà tù chỉ định vượt ngục, trở về tham gia hoạt động cách mạng.

Tháng 8/1945, tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là một trong năm người được bầu vào Ban Thường trực của Ủy ban Dân tộc giải phóng. Cách mạng Tháng Tám thành công ở Hà Nội, đồng chí được cử là đại diện của Tổng bộ Việt Minh vào Huế tước ấn tin của vua Bảo Đại, chấm dứt chế độ phong kiến hàng ngàn năm ở Việt Nam. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, đồng chí đã thay mặt Tổng bộ Việt Minh đọc lời kêu gọi toàn dân ủng hộ Chính phủ xây dựng nước Việt Nam mới.

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí được giao giữ chức Trưởng Ban Tài chính - Kinh tế Trung ương; Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Đồng chí đã có những cống hiến quan trọng trong việc xây dựng nền Tài chính, Ngân hàng của nước ta, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến, kiến quốc thắng lợi.

 Từ năm 1952 - 1956, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được bổ nhiệm làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết. Với cương vị của mình, đồng chí đã góp phần to lớn vào việc mở rộng mối quan hệ Việt - Xô, nâng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

 Năm 1956, đồng chí được giao trọng trách Tổng Thanh tra Chính phủ, sau đó làm Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương, đồng chí đều đã thể hiện là người học trò xuất sắc kế tục sự nghiệp cách mạng, tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 Năm 1969, đồng chí được bầu giữ chức Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến năm 1976, đất nước thống nhất, đồng chí được cử làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trên cương vị là Phó Chủ tịch nước, đồng chí là người cộng sự tin cậy của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Đồng chí đã góp phần tích cực xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng, chính trị và tổ chức.

Lịch sử cách mạng của Đảng, dân tộc ta ghi nhận những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, nhưng thật hiếm có và rất đặc biệt khi còn mãi lưu truyền trong các thế hệ cách mạng hai tên gọi biểu tượng của đồng chí: Sao Đỏ - một biểu tượng cho ý chí kiên cường của người cộng sản; Anh Cả - một biểu tượng của sự mẫu mực, sự sáng trong của tình đồng chí anh em.

75 năm tuổi đời, với hơn nửa thế kỷ phấn đấu cho độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội dưới ngọn cờ của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng là một tấm gương sáng của một nhà lãnh đạo hết lòng vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân.

Hải Dương tri ân và học tập tấm gương đồng chí Nguyễn Lương Bằng

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng nhấn mạnh: “Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, tự hào, trân trọng biết ơn người con ưu tú của dân tộc và quê hương Hải Dương, chúng ta càng thấu hiểu và khắc ghi những bài học cách mạng vô cùng quý giá cho công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước hiện nay”.

Hình ảnh tại Lễ kỷ niệm. 

Đồng chí Trần Đức Thắng nêu rõ, học tập, noi gương đồng chí Nguyễn Lương Bằng, trước hết là học tập về lòng yêu nước thiết tha, khát vọng cháy bỏng, ý chí đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, ấm no hạnh phúc cho nhân dân; đó là sự nhanh nhạy và lòng nhiệt thành với lý tưởng cách mạng, kiên định với Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh; luôn chủ động, tích cực vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn đấu tranh cách mạng và từ thực tiễn phong trào để phát triển đường lối, sách lược, tổng kết lý luận sâu sát, kịp thời, đúng đắn.

Học tập đồng chí Nguyễn Lương Bằng là học về tinh thần vượt lên mọi hoàn cảnh để tiếp thu tri thức văn hoá nhân loại, tiếp nhận lý luận cách mạng, chủ động nỗ lực nắm bắt chuyên môn nghiệp vụ theo yêu cầu thực tế.

Học tập, noi gương đồng chí Nguyễn Lương Bằng là học tập, rèn luyện về ý chí kiên trung, bất khuất của người cộng sản, trong khó khăn không nản chí, trong hiểm nguy không chùn bước, trong thử thách không lung lạc, trước cái chết không run sợ; dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn giữ gìn khí tiết và tỏa sáng đạo đức của người đảng viên, người lãnh đạo của Đảng.

Học tập, noi gương Đồng chí Nguyễn Lương Bằng là học tập về về sự gắn kết nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng; tranh thủ thời cơ và sự ủng hộ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cho cuộc đấu tranh cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta. Đó là tinh thần nêu gương sáng về đạo đức của người cộng sản, tình đoàn kết đồng chí trong sáng, luôn dấn thân, sâu sát phong trào cách mạng, luôn tin tưởng và phát huy sức mạnh to lớn của quần chúng cho cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của tổ quốc, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân ta.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho biết, phát huy truyền thống xứ Đông xưa, Hải Dương nay, học tập tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đồng chí Nguyễn Lương Bằng và lớp lớp các thế hệ tiền bối cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương đã kiên trì, vượt khó và đã có những đóng góp quan trọng qua các thời kỳ cách mạng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước giành thắng lợi vẻ vang trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng quê hương Hải Dương ngày càng giàu đẹp, dân chủ, văn minh. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, những năm gần đây, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh đã không ngừng nỗ lực và đạt được những thành tựu rất toàn diện trên các lĩnh vực.

Quy mô nền kinh tế ngày càng lớn, hiện đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 8,58% mỗi năm. Từ năm 2017, tỉnh Hải Dương đã tự cân đối ngân sách; Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hải Dương là một trong 5 tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển ổn định và có nhiều đổi mới. Mạng lưới, quy mô giáo dục ngày càng phù hợp. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Công tác xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội được triển khai có hiệu quả. Lĩnh vực quốc phòng, an ninh được đảm bảo; đối ngoại được tăng cường, mở rộng. Những thành quả ấy có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho bước phát triển của tỉnh những năm tới.

Nhân dịp này, thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương kêu gọi các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục học tập, noi gương tấm gương đạo đức ngời sáng và để kế tục xứng đáng sự nghiệp vẻ vang của đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng các bậc tiền bối cách mạng, tiếp tục nêu cao ý chí, khát vọng xây dựng và phát triển quê hương đất nước giàu mạnh, văn minh; xây dựng tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo với tư duy, tầm nhìn chiến lược, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phấn đấu đến năm 2025, Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng để Hải Dương sớm đủ tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương…/.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực