Vải Thanh Hà: Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng

Chủ nhật, 29/05/2022 16:46
(ĐCSVN) - Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, cây vải, sản phẩm vải thiều Thanh Hà đã được rất nhiều người biết đến, ca ngợi và được nhiều hiệp hội bình chọn, vinh danh là “Tinh hoa đặc sản ba miền”, Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng và các giải thưởng uy tín khác trong nhiều năm. Sản phẩm vải thiều Thanh Hà cũng đã được cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý năm 2007…
 Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tham luận và gợi mở những giải pháp thúc đẩy thương mại nông sản tỉnh Hải Dương tại Hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều Thanh Hà và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2022 diễn ra sáng 29/5, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua, Hải Dương đã quan tâm tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa tại các thành phố lớn, các địa phương có cửa khẩu biên giới cũng như mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Hải Dương là một trong các địa phương tiên phong của Việt Nam đã rất năng động tổ chức các Hội nghị quốc tế có quy mô lớn với sự phối hợp tư vấn kỹ thuật của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành theo phương thức tiếp cận mới (vừa trực tiếp vừa trực tuyến), ứng phó nhanh trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và phù hợp với xu thế thời đại 4.0.

 Các đại biểu thực hiện nghi thức Khai mạc Tuần lễ thương mại và du lịch tỉnh Hải Dương năm 2022

Với vai trò cơ quan điều hành lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phát triển bền vững, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực cùng các Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành hàng, ngành nghề và doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về phát triển thị trường. Trong các giải pháp này, Bộ Công Thương đặc biệt chú trọng hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, chủ động đưa các sản phẩm của Việt Nam vào hệ thống phân phối nội địa và quốc tế, gắn kết việc tạo nguồn hàng ổn định thông qua các chương trình lớn của Chính phủ, của Bộ Công Thương để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển theo quy mô lớn nhằm đem lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Đồng chí Đỗ Thắng Hải khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tỉnh Hải Dương tích cực quảng bá thương hiệu và thúc đẩy kết nối giao dịch xuất khẩu vải thiều cũng như các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp khác, phối hợp và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường lớn quan trọng như EU, Singapore, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc...triển khai các hoạt động thiết thực để hỗ trợ hiệu quả địa phương và doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh hỗ trợ tỉnh Hải Dương thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ quả vải ở thị trường trong nước. Tích cực phối hợp các cơ quan truyền thông thực hiện phổ biến tuyền truyền rộng rãi tới người tiêu dùng về chất lượng, lợi ích, công dụng trong việc sử dụng quả vải nhằm kích cầu tiêu dùng của nhân dân đồng thời tích cực thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Đồng chí Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, dù việc tiêu thụ vải thiều và các mặt hàng nông sản của tỉnh Hải Dương niên vụ năm 2022 theo nhận định có tín hiệu tốt, tuy nhiên do tình hình thị trường trong và ngoài nước (đặc biệt là thị trường Trung Quốc) còn diễn biến khó lường nên các cấp, các ngành của Hải Dương cần có cái nhìn tổng thể và chuẩn bị sẵn tâm thế, phương pháp, cách làm hiệu quả cho việc tiêu thụ vải thiều và nông sản của tỉnh.

 
 Đại diện cơ quan chuyên môn của tỉnh Hải Dương ký kết giao thương tiêu thụ vải thiều sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hải Dương qua các sàn thương mại điện tử

Để vải thiều và các mặt hàng nông sản của tỉnh Hải Dương ngày càng chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước, mang lại hiệu quả thiết thực cho người sản xuất, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, tỉnh cần chủ động ứng dụng công nghệ số và thương mại điện tử trong hoạt động xúc tiến thương mại như giao thương trực tuyến, hội chợ và hội thảo trực tuyến; tăng cường hoạt động kết nối cung cầu giữa các địa phương nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa, kết nối doanh nghiệp sản xuất với các nhà bán lẻ, kênh siêu thị và nhà xuất khẩu; tăng cường công tác thông tin dự báo thị trường nhằm hỗ trợ định hướng sản xuất kinh doanh cho người dân và cho doanh nghiệp; xây dựng cơ cấu tổ chức thống nhất và mô hình hoạt động hiệu quả các cơ quan XTTM địa phương; tăng cường kết nối hoạt động giữa Trung tâm XTTM với Cục XTTM và giữa các trung tâm với nhau; đồng hành chia sẻ những khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu chất lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Đồng chí Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, dù Việt Nam đã cơ bản kiểm soát tốt dịch COVID-19, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp cả trong và ngoài nước. Do đó, tỉnh Hải Dương cần bám sát tình hình diễn biến của dịch bệnh, trong trường hợp xấu, hoạt động thu mua vải thiều và nông sản không thể tiến hành trực tiếp giữa doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân do hạn chế về nhập cảnh, đi lại của các doanh nghiệp nước ngoài và quy định của nước nhập khẩu, tỉnh Hải Dương cần sớm chủ động, thực hiện song hành kết nối doanh nghiệp với các nhà thu mua trong nước, các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cung ứng thực phẩm tiêu thụ sản phẩm nông sản. Đồng thời xây dựng các phương án tổ chức các tuần hàng nông sản giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của các tỉnh, thành phố lớn trong nước.

Cùng với đó, UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các địa phương trong tỉnh, thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản ở địa phương, kịp thời thông báo đến các doanh nghiệp và người sản xuất để chủ động điều chỉnh theo nhu cầu của thị trường tiêu thụ, nhất là các loại nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc để có hướng giải quyết phù hợp, kịp thời... Đồng thời đẩy mạnh khâu chế biến, nhất là đối với sản phẩm vải quả để hạn chế thiệt hại. Còn về lâu dài, tập trung hình thành sản xuất, chế biến, xuất khẩu theo chuỗi ngành hàng để sẵn sàng đối mặt với mọi rủi ro có thể xảy ra. Không ngừng tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới nhằm chủ động hơn trong việc tiêu thụ nông sản…/.

Hiền Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực