Về Tứ Kỳ mùa rươi...

Thứ năm, 01/12/2022 13:05
(ĐCSVN) - Về xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ vào giữa mùa rươi, những gương mặt vui tươi phấn khởi của người nông dân đang mùa thu hoạch hòa với sự tươi mới của trời, của nước, của mây mang lại cảm giác thanh bình, hạnh phúc ở một miền quê đáng sống...

Hồ hởi đón chúng tôi trên ruộng rươi đang thu hoạch, bác Nguyễn Đức Trọng, nông dân xã An Thanh cho biết, nhà bác có 7 mẫu ruộng rươi, ttrong đó có 5 mẫu mặt nước được thu hoạch. Năm nay, mặc dù giá cả thấp hơn năm trước, nhưng nhờ sản lượng ổn định, nên gia đình bác vẫn có nguồn thu tốt. “Chỉ tính riêng trong vụ rươi tháng này, gia đình tôi cũng thu hoạch được gần 1 tấn rươi. Không chỉ có nhà tôi, bà con trong xã cũng thu hoạch khá tốt” – bác Trọng kể, trong ánh mắt lấp lánh niềm vui.

Vụ rươi tháng này, nhà bác Trọng thu hoạch được gần 1 tấn rươi. 

Miêu tả về đặc điểm của loài rươi, người nông dân nơi đây cho biết, rươi là loài sinh vật đặc biệt, vô cùng nhạy cảm với hóa chất, chúng chỉ có thể sinh trưởng và phát triển tại những vùng tự nhiên, sạch, không có hóa chất. Trước đây cả vùng bãi này là một cánh đồng rộng lớn cấy lúa, trồng đay. Sau này khi đất đai được phân chia, người dân dồn ô đổi thửa thành những thửa ruộng lớn, đắp bờ cao, xây cống điều tiết nước để thuận tiện cho việc khai thác rươi, cáy; phía trên bờ thì trồng chuối, cây ăn quả, hết mùa rươi, các thửa ruộng được cấy lúa một vụ duy nhất trong năm. “Để giữ được rươi, chúng tôi phải giữ sạch đất trong mấy chục năm qua, không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, phân bón hóa học. Do đó, đặc điểm của tất cả sản phẩm nông nghiệp vùng này là “sạch” và không hóa chất” – bác Nguyễn Thị Nga – một nông dân ở đây khẳng định.

 Trao đổi với phóng viên tại đập ngăn nước xã An Thanh, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tứ Kỳ (áo xanh) cho biết, bà con nông dân đã thực hiên các bước làm sạch đất, loại bỏ các mầm mống của sâu bệnh trước khi làm ruộng lúa rươi.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Tứ kỳ cho biết, toàn huyện có 9.236,7 ha đất nông nghiệp, trong đó có 367,52 ha đất khai thác thủy đặc sản rươi, cáy. Đây là vùng đất bãi ngoài đê ven sông Thái Bình và sông Luộc, hàng năm được bồi đắp bởi phù sa nên rất màu mỡ và có nhiều dinh dưỡng cho cây trồng, đặc biệt độ mặn của nước trong khoảng 0,3% - 0,5% nên vô cùng phù hợp cho sự phát triển của rươi, cáy.

Riêng xã An Thanh có diện tích bãi ngoài đê rộng 137 ha, vùng canh tác đặc biệt này được cách ly hoàn toàn với vùng canh tác thông thường bởi con đê cao, to và rặng tre chắn sóng. Cùng với đó, nước của sông Thái Bình thường xuyên lên - xuống, ra - vào khiến cho vùng đất khá "sạch" với các mầm mống của sâu bệnh. Vài năm trở lại đây, với những nhận thức khoa học về chu trình sinh trưởng và phát triển của loài rươi, để tạo nguồn thức ăn cho vi sinh vật phù du làm nguồn thức ăn cho rươi, người dân đã sử dụng các loại phân hữu cơ để bón ruộng. Việc bón phân cũng đồng thời làm tăng cường độ phì của đất và bổ sung các chất dinh dưỡng cho sự phát triển của cây lúa.

 

Thu hoạch đến đâu, rươi được bao tiêu đến đó.


Hiện nay, vùng sản xuất nông nghiệp xã An Thanh trở thành vùng sản xuất đầu tiên của Hải Dương đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Sản lượng rươi của xã cũng lớn nhất huyện với khoảng 120 tấn, ngoài ra xã còn thu được 40 tấn cáy, 450 tấn lúa mỗi năm. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế khá tốt cho người dân nơi đây với thu nhập khoảng 500- 700 triệu đồng/ha, cao hơn 10 lần so với thâm canh vô cơ.

Những sản vật kết tinh từ thiên nhiên ưu đãi, từ công sức, trí tuệ, tình cảm của người dân An Thanh nói riêng, Tứ kỳ nói chung được ghi lại bằng những dấu ấn đậm nét. Năm 2019 sản phẩm nông nghiệp Gạo bãi rươi, Rươi, Cáy cấp đông được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, được công nhận đạt sản phẩm OCOP 4 sao. Đến năm 2021, thêm 2 sản phẩm OCOP 4 sao nữa là Chả rươi và Rươi niêu. Loại gạo ST25 sạch, ngon trồng trên ruộng rươi-cáy của người dân nơi đây mặc dù có giá trị cao nhưng được người tiêu dùng vô cùng yêu thích và đón nhận.

 Cây dừa, cây chuối trồng trên bờ ruộng rươi...

cũng mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. 
 

Đến tận nơi, nhìn công việc của người nông dân, chúng tôi hiểu rằng mình đã may mắn được biết đến, được thưởng thức những món quà quý từ thiên nhiên mà người nông dân nơi đây đã gửi gắm thêm vào đó sự yêu mến, tận tâm, trách nhiệm cho những sản vật mình làm ra. Đến đây, chúng tôi cảm nhận mình thực sự được sống trong thiên nhiên dù đã có bàn tay con người cải tạo, được hít thở bầu không khí trong lành, ngắm nhìn một không gian bình yên, khoáng đạt mà vẫn vô cùng tươi mới, đẹp đẽ.

Sau khi hết vụ rươi, đây sẽ là những cánh đồng cấy lúa hữu cơ.

Được biết, huyện Tứ Kỳ chủ trương hình thành vùng nông nghiệp sạch kết hợp du lịch sinh thái. Tương lai không xa, sẽ có thật nhiều du khách được đến đây, được thưởng thức những món quà quý từ thiên nhiên, những sản vật có sự hòa trộn giữa tinh túy của tự nhiên và tình yêu mà người nông dân gửi gắm vào; được trở về với thiên nhiên – nơi có sự giao thoa của trời, đất và của tâm hồn con người Tứ Kỳ mộc mạc mà chan chứa yêu thương./.

Hoàng hôn nhuốm hồng những cánh đồng rươi, tô thắm thêm vùng quê thanh bình, đáng sống.

 

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực