Xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất, mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống cho người dân

Thứ ba, 18/10/2022 19:04
(ĐCSVN) - Phát biểu bế mạc hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Hiệu đề nghị trong thời gian tới, xây dựng nông thôn mới của tỉnh phải đi vào thực chất, nhằm mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới.

Hải Dương: Kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2022 đạt nhiều kết quả tích cực và toàn diện

Sau 1 ngày làm việc khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và bế mạc chiều 18/10.

Hiến kế phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Tại hội nghị, nhiều ý kiến phát biểu sôi nổi, tâm huyết xung quanh các tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhất là các tờ trình về kiểm điểm, đánh giá tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu; dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương Nguyễn Văn Đoàn, công tác xây dựng NTM của tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế. Thời gian tới, công tác xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu cần bảo đảm thực chất, không chạy theo số lượng. Tỉnh cần xem xét lại việc đầu tư các dự án, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, có công năng phù hợp, tránh gây lãng phí, phải huy động nhiều nguồn lực của nhân dân. Bên cạnh đó, công tác sử dụng đất cần được lập danh mục sử dụng theo mức độ ưu tiên, không làm ồ ạt, tránh lãng phí nguồn lực.

Đồng chí Đồng Dũng Mạnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Miện bày tỏ, là tỉnh thứ 5 trong toàn quốc hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM. Tuy nhiên, so sánh với Thông tư 13 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hệ thống cơ sở vật chất trường học hiện còn thiếu thốn nhiều so với chuẩn. Có nơi đạt chuẩn NTM nhưng vẫn còn nợ đọng xây dựng cơ bản, thậm chí số nợ tiếp tục tăng lên. Nguồn lực chủ yếu từ đấu giá, đấu thầu đất, các nguồn khác không đáng kể.

leftcenterrightdel
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh bỏ phiếu bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. 

Đồng chí Đồng Dũng Mạnh đề nghị cơ quan chức năng khẩn trương phê duyệt quy hoạch tổng thể, tiếp tục tạo nguồn để tháo gỡ khó khăn. Ưu tiên các dự án sử dụng đất không lớn (chỉ một vài héc-ta) ở vị trí xen kẹp để tạo nguồn. Tiếp tục hỗ trợ xi măng theo một tỷ lệ hợp lý để nhân dân phấn khởi xây dựng đường giao thông nông thôn…

Cho rằng Hải Dương là 1 trong 16 tỉnh, thành tự cân đối ngân sách là một khó khăn trong huy động nguồn lực, đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Văn Thực đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đề xuất các cơ chế hỗ trợ nhằm thúc đẩy các địa phương, người dân tích cực vào cuộc, chung sức đồng lòng để phấn đấu đạt mục tiêu đề ra trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Rà soát lại những vùng có khả năng phát triển nông nghiệp hiện đại để đưa vào quy hoạch.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tứ Kỳ Nguyễn Ngọc Sẫm cho rằng trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, tỉnh quan tâm đầu tư tập trung vào các công trình trọng điểm như trường học, hệ thống giao thông, khu, cụm công nghiệp và các công trình mang tính cấp thiết phục vụ đời sống nhân dân để phát triển hạ tầng chắc, bền vững.

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

leftcenterrightdel
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Hiệu phát biểu bế mạc hội nghị.

Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đề nghị trong thời gian tới, xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương phải đi vào thực chất, nhằm mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Tăng cường chỉ đạo, phối hợp thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã, hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp tác xã khởi nghiệp, sáng tạo, thực hiện Chương trình OCOP. Tăng cường huy động các nguồn lực từ tỉnh đến xã, rà soát, ưu tiên phân bổ nguồn lực cho các đề án, dự án... nhằm nâng cao năng suất lao động, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Về Chương trình hành động thực hiện Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Hiệu lưu ý mục tiêu chương trình cần nghiên cứu, điều chỉnh các chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn phù hợp với quan điểm, định hướng phát triển của tỉnh và phải gắn với quy hoạch tỉnh. Cần nghiên cứu có các giải pháp cụ thể để thực hiện các mục tiêu của chương trình hành động. Trong tổ chức thực hiện phải phân công rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị theo tinh thần "5 rõ", hằng năm tổ chức kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện chương trình.

Liên quan đến báo cáo kết quả cuộc kiểm tra thứ 4 năm 2022 về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Hiệu nhấn mạnh, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh, quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo, kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, triển khai hiệu quả các văn bản liên quan đến cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

leftcenterrightdel
Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.

Đồng thời, giao cho Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng, triển khai áp dụng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DCCI) nhằm đánh giá năng lực điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các cơ quan đơn vị; phấn đấu giữ ổn định Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh trong nhóm 20 tỉnh, thành phố trên toàn quốc và nhóm 5 trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Cùng với đó, tập trung phối hợp đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh. Thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhất là những vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực…

Xác định thời gian từ nay đến hết năm không còn nhiều, khối lượng công việc lớn và để tạo đà cho năm 2023, đồng chí Lê Văn Hiệu đề nghị các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, vai trò nêu gương của người đứng đầu, sát cánh cùng tập thể Đảng bộ tỉnh và tập thể lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục kiên trì thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022 của tỉnh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, toàn thể nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh chung sức, đồng lòng, nêu cao tinh thần đoàn kết, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu năm 2022 đã đề ra.

Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã bầu bổ sung đồng chí Phạm Hồng Việt, Trưởng Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy làm Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 với số phiếu tín nhiệm cao./.

Tin, ảnh: Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực