Dấu ấn ngành Ngân hàng năm 2011

Thứ sáu, 06/01/2012 19:33

(ĐCSVN) –  Năm 2011, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ,  ngành Ngân hàng đã chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ một cách chặt chẽ, linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế, khẳng định vị trí huyết mạch của nền kinh tế.

 

Ngành Ngân hàng phát huy hiệu quả và khắc phục khó khăn để thực hiện
thành công nhiệm vụ 2012 (Ảnh minh họa: HNV)


Năm 2011, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm và tiếp tục có những biến động phức tạp, khó lường, tác động nhiều mặt đến nước ta. Kinh tế trong nước tăng trưởng chậm, lạm phát tăng cao, kinh tế vĩ mô tiềm ẩn rủi ro; các ngân hàng đối mặt với khó khăn về thanh khoản và nợ xấu... Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, cùng với sự phối hợp của các cấp, các ngành, sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành từ Trung ương đến địa phương, ngành đã hoàn thành xuất sắc những mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra trong năm qua.

Hệ thống ngân hàng đã thực sự là huyết mạch và đáp ứng trên 80% nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Tín dụng ngân hàng đã được đầu tư hiệu quả và điều chỉnh mạnh mẽ theo hướng tập trung cho các lĩnh vực, ngành kinh tế trọng điểm, góp phần tăng hiệu quả đầu tư toàn xã hội, mang lại kết quả ấn tượng trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu. Đặc biệt, trong năm 2011, ngành đã chủ động điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế, cùng với các giải pháp đồng bộ khác, góp phần quan trọng vào kết quả kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, tăng trưởng kinh tế hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội.

NHNN và toàn ngành ngân hàng đã triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng ở mức thấp hơn đáng kể so với chỉ tiêu của Chính phủ đề ra trong Nghị quyết số 11/NQ-CP, góp phần tích cực kiềm chế lạm phát và từng bước giảm dần tốc độ tăng giá. Ước cả năm 2011, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng khoảng 10% so với tháng 12/2010 (chỉ tiêu là khoảng 15-16%); tổng dư nợ tín dụng tăng khoảng 12% (chỉ tiêu là dưới 20%).

NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) kiểm soát tăng trưởng tín dụng; giám sát việc bảo đảm các tỷ lệ an toàn trong hoạt động cũng như tình hình thanh khoản của các TCTD; xử lý nghiêm các vi phạm phát sinh; tăng cường công tác thông tin truyền thông; tổ chức các cuộc đối thoại giữa NHNN với các ngân hàng thương mại (NHTM) có thị phần lớn để nắm bắt diễn biến thị trường tiền tệ, tìm ra các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; đưa ra khỏi danh mục tín dụng phi sản xuất đối với một số loại hình cho vay;... Nghiệp vụ thị trường mở được điều hành linh hoạt với khối lượng và lãi suất hợp lý nhằm kiểm soát và ổn định thị trường tiền tệ, hạn chế tối đa sử dụng các biện pháp hành chính.

Lãi suất huy động tăng cao ở những tháng đầu năm, nhưng từ tháng 9/2011, hầu hết các NHTM thực hiện nghiêm túc quy định của NHNN về trần lãi suất huy động bằng VND ở mức không quá 14%/năm. Lãi suất liên ngân hàng ở mức cao trong 4 tháng đầu năm nhưng đã giảm từ tháng 5/2011 đến nay, đặc biệt là đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu từ mức phổ biến 18-21%/năm xuống còn 16-19%/năm. Bên cạnh đó, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ ; thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phát triển.

Thị trường ngoại hối ổn định hơn sau khi tăng giá mạnh vào đầu năm; chênh lệch tỷ giá thị trường chính thức và thị trường tự do được thu hẹp; trạng thái ngoại hối của các ngân hàng được cải thiện. Dự trữ ngoại hối đã tăng từ 3,5 tuần nhập khẩu trong quý I/2011 lên khoảng 7,5 tuần nhập khẩu vào quý III/2011. NHNN Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ổn định thị trường vàng. Đến nay, mặc dù giá vàng thế giới vẫn ở mức cao nhưng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã giảm đáng kể. Các quy định về tín dụng, ngân hàng được rà soát, sửa đổi theo hướng an toàn và chặt chẽ hơn; chuẩn bị tích cực Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại theo hướng an toàn, bền vững; bước đầu đã hợp nhất 03 ngân hàng thương mại và giao 01 ngân hàng thương mại quốc doanh đại diện phần vốn nhà nước tại ngân hàng hợp nhất.

Năm 2012, nền kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế thế giới dự báo vẫn còn nhiều bất ổn. Trong nước, lạm phát đã giảm, song vẫn đứng ở mức cao; sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn. Nhiều vấn đề lớn đặt ra cho ngành như: Thanh khoản của các TCTD chưa vững chắc, nợ xấu và rủi ro tín dụng có xu hướng tăng; vấn đề lãi suất, ngoại tệ và vàng chưa được ổn định; công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm, thiết lập trật tự kỷ cương chưa thực sự hiệu quả; thể chế về hoạt động tiền tệ, ngân hàng chưa hoàn thiện; công tác dự báo, thống kê chưa đáp ứng yêu cầu... Chính vì vậy, định hướng năm 2012 của ngành vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội.
 
Với định hướng đó, ngành sẽ tiếp tục điều hành các công cụ của chính sách tiền tệ một cách chặt chẽ, linh hoạt và đồng bộ, đảm bảo phù hợp với mục tiêu kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng; điều hành lãi suất và tỷ giá ổn định, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, ngoại hối, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, tiếp tục điều chỉnh cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn phục vụ sản xuất, các nhu cầu an sinh xã hội, các dự án, phương án có hiệu quả; tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước để thiết lập trật tự kỷ cương, đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Năm 2012 cũng sẽ là năm thực hiện chương trình tái cấu trúc nền kinh tế, mà một trong những trọng tâm là cơ cấu lại hệ thống các ngân hàng thương mại, với phương châm: Thận trọng nhưng quyết liệt, toàn diện, từng bước nâng cao tính an toàn, lành mạnh và hiệu quả của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực