(ĐCSVN) - Từ ngày 7/1/2015, tỷ giá bình quân giữa VND và USD đã được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng 1% so với trước đó, lên mức 21.458 VND/USD. Theo nhận định của các nhà quản lý cũng như nhiều chuyên gia, việc điều chỉnh tỷ giá thời điểm này là hợp lý, nhằm hỗ trợ tốt cho hoạt động xuất khẩu.
|
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) |
Điều chỉnh tỷ giá để chủ động thị trường
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, Nghị Quyết 01 của Chính phủ ban hành ngày 3/1 vừa qua đã giao nhiệm vụ cho NHNN điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mức hợp lý, điều hành lãi suất tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, lạm phát. Ngay sau khi Nghị quyết của Chính phủ được ban hành, NHNN đã triển khai các giải pháp để thực hiện; NHNN đã điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng áp dụng từ ngày 7/1/2015 để chủ động thị trường và giúp cho doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu chủ động hoạt động sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm, phù hợp với diễn biến của thị trường tiền tệ trong và ngoài nước.
Bà Hồng cũng cho biết, ngay sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng, thị trường ngoại tệ hoạt động thông suốt, tỷ giá giao dịch thực tế trên thị trường xoay quanh mức phổ biến là 21.450-21.460 VND/USD. Thanh khoản tương đối tốt, tổng giá trị giao dịch trên thị trường đạt khoảng 700 triệu USD
“Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường và đảm bảo thực hiện các giải pháp đồng bộ kết hợp công cụ chính sách để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trên mặt bằng giá mới”, bà Hồng cho biết thêm.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, những yếu tố tác động đến tỷ giá, trước hết là bối cảnh kinh tế thế giới, USD tăng giá mạnh so với đơn vị tiền tệ khác trên Thế giới. Để đảm bảo cạnh tranh xuất khẩu thì Việt Nam cần đều chỉnh để xuất khẩu phù hợp hơn. Đồng thời, tín hiệu thị trường, nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh vào thời điểm trước Tết Nguyên đán, cần nhiều thương vụ phải chốt thanh toán bằng USD và các ngân hàng bắt đầu có tín hiệu điều chỉnh tỷ giá kịch trần.
Ông Cấn Văn lực cũng cho rằng, thời điểm điều chỉnh tỷ giá lần này là phù hợp vì vào thời điểm USD lên mạnh như vậy, lạm phát Việt Nam thấp và khi điều chỉnh tỷ giá không tạo áp lực tăng lạm phát như thời điểm lạm phát đang tăng. Nhanh chóng thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt theo sự ứng biến của thị trường.
Việc điều chỉnh tỷ giá lần này cũng là một nhân tố tác động tích cực với xuất khẩu Việt Nam khi nền kinh tế đang phụ thuộc không ít vào xuất khẩu. Bên cạnh đó, điều này cũng thể hiện phản ứng kịp thời của NHNN với thị trường trong nước và xuất khẩu. Bởi ổn định tỷ giá là mục tiêu quan trọng, nhưng cần đảm bảo tính thị trường và tính linh hoạt.
Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, việc lựa chọn thời điểm này để điều chỉnh tỷ giá chứ không phải tháng 3 hay tháng 6 như mọi năm là do bối cảnh hiện tại trên thế giới. Kinh tế thế giới năm 2015 dự báo tăng 2,6 %, thương mại toàn cầu 2016 – 2017 chỉ tăng 3%. Dự báo thấp xa so với kì vọng trước đây. Giá cả toàn cầu, đặc biệt giá vật liệu cơ bản, nhiên liệu ở mức thấp. Giá nhiên liệu giảm mạnh. Cầu toàn thế giới yếu, lạm phát toàn cầu yếu. Đồng USD tăng giá rất mạnh, ảnh hưởng đến các quốc gia đang phát triển.
Trong nước, dự báo cán cân vãng lai năm 2015 của Việt Nam thâm hụt nhiều so với năm 2014. Công cụ tỷ giá hối đoái đóng vai trò quan trọng để giảm cán cân vãng lai. Điều chỉnh tỷ giá hối đoái hữu hiệu nhất cho hỗ trợ cán cân vãng lai. Đầu năm, xuất khẩu Việt Nam tăng mạnh, đây là biện pháp hỗ trợ kịp thời cho hoạt động xuất khẩu cũng như hỗ trợ cho kinh tế Việt Nam tạo ra lợi ích kép, giá đầu vào (nhập khẩu) nhiên liệu rẻ, lãi suất giảm, đầu ra (xuất khẩu) tăng lên.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng cho rằng, NHNN tăng tỷ giá hối đoái có lợi cho thu ngân sách từ USD, thu từ dầu thô quy ra VND tăng, xuất khẩu tăng, hỗ trợ cho ngân sách nhà nước, nhờ đó ngân sách có khoản thu lớn hơn. Đây là yếu tố quan trọng với ngân sách, phản ánh chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ.
Tạo điều kiện cho thị trường ngoại tệ Việt Nam hoạt động thông thoáng hơn
Ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương (Vietinbank) nhận định, đây là điều chỉnh rất cần thiết, sẽ là yếu tố giúp tỷ giá cân bằng với các yếu tố kinh tế vĩ mô khác, đồng thời giúp thị trường ngoại tệ Việt Nam hoạt động thông thoáng hơn, giúp các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp có định hướng và thông tin rõ ràng hơn trong hoạt động kinh doanh của mình, giúp đất nước thúc đẩy tốt hơn hoạt động xuất khẩu, có điều kiện kiểm soát tốt hơn hoạt động nhập khẩu, giúp thị trường ngoại tệ vận hành phù hợp với điều kiện của thị trường.
Ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) cũng cho rằng thời điểm điều chỉnh tỷ giá của NHNN ngay từ đầu năm là khá thích hợp, tác động tích cực không những về khía cạnh kinh tế như nguồn cung ngoại tệ mà còn tác động tích cực đến tâm lý của thị trường. Cụ thể, mức cung của ngoại tệ theo tỷ giá mới sẽ hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, kích thích dòng kiều hối tăng trong mùa cao điểm hiện nay. Đồng thời, góp phần tăng giải ngân cho nguồn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp. Còn về tác động tâm lý thì rõ ràng việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ làm giảm tâm lý nắm giữ ngoại tệ của thị trường.
Ông Hà cũng cho biết thêm, sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá, Vietcombank đã thực hiện niêm yết tỷ giá mới tương ứng theo quy định là 21.450 - 21.510 VND/USD. Tỷ giá niêm yết của Vietcombank khá là tương đồng với hầu hết các ngân hàng thương mại khác, phản ánh mức giá kì vọng của thị trường liên ngân hàng.
Với mặt bằng tỷ giá mới, giao dịch mua bán ngoại tệ sẽ sôi động hơn, nguồn cung ngoại tệ tăng nhẹ và đã đáp ứng tốt hơn các nhu cầu mua ngoại tệ nhập khẩu cũng như mua ngoại tệ thanh toán nợ vay ngắn hạn của các khách hàng ./.