Mua cổ phiếu hay gửi tiết kiệm?

Thứ ba, 01/11/2011 18:53

(ĐCSVN) – Tại các sàn chứng khoán, chuyện chia cổ tức đang được các nhà đầu tư quan tâm săn tin và bàn tán nhiều. Thực ra, giá trị từ những khoản tiền cổ tức không lớn, nhất là với các cổ đông nhỏ lẻ. Nhưng trong bối cảnh các doanh nghiệp niêm yết đang điêu đứng, thì khoản cổ tức lại mang một ý nghĩa khác, nó như một tín hiệu về " sức khỏe" của doanh nghiệp, để nhà đầu tư chí ít còn hy vọng nơi họ đã bỏ vốn đầu tư. Vì thế, chiến thuật đầu tư theo tỉ suất sinh lợi cổ tức là chiến lược đang được khá nhiều chuyên gia đề cập.

 

Với đa số cổ phiếu xuống dưới mệnh giá thì việc đầu tư theo tỉ suất sinh lợi cổ tức sẽ giảm đáng kể rủi ro. Ảnh TL 

Khi cổ tức có tỷ suất sinh lời cao hơn lãi suất tiết kiệm

Theo thống kê của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến ngày 18/10, trong tổng số 695 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sàn chứng khoán Việt Nam, có tới 50,6% số cổ phiếu (CP) có thị giá nhỏ hơn hoặc bằng mệnh giá. Trong nhóm các cổ phiếu đang có trị giá dưới mệnh giá này có 11 mã giá dưới 3.000 đồng/cổ phiếu (CP), 32 mã giá dưới 4.000 đồng/CP, 53 mã giá dưới 5.000 đồng/CP, 56 mã dưới 6.000 đồng/CP, 55 mã dưới 7.000 đồng/CP, 59 mã dưới 8.000 đồng/CP, 44 mã dưới 9.000 đồng/CP… Đây là một con số đáng báo động nếu như so với tỷ lệ này năm 2010 (7,9%), năm 2009 (0,74%), năm 2008 (4,73%), năm 2007 (0,94%) cho thấy sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán trong 5 năm qua.

Từ số liệu trên có thể thấy thị giá cổ phiếu chưa bao giờ thấp đến thế khi mà giới đầu tư tỏ ra quá thờ ơ với chứng khoán. Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền mặt (kế hoạch năm 2011) của 203 doanh nghiệp có trị giá dưới mệnh giá thì có tới 157 cổ phiếu có tỷ suất sinh lời cao có mã trên 40%/năm, cao hơn rất nhiều lãi suất gửi tiết kiệm 14%/năm.

Chẳng hạn: Ngân hàng Thương mại cổ phần Nhà Hà Nội (HBB) chốt ngày giao dịch không hưởng quyền nhận tạm ứng cổ tức đợt 1/2011 bằng tiền mặt (8%). Kế hoạch trả cổ tức của ngân hàng này là 14%, nếu so với mức giá 6.300 đồng/CP thì lợi suất sau một năm đầu tư tương đương 22,22%, lớn hơn nhiều so với gửi tiết kiệm. Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) giao dịch không hưởng quyền nhận tạm ứng cổ tức đợt 1/2011 bằng tiền mặt (8%). Thời gian thực hiện là 1/11/2011. Theo kế hoạch, ngân hàng này sẽ trả cổ tức 14%, tức 1.400 đồng/CP. Với mức giá 7.600 đồng/CP thì ở thời điểm ngày 17/10, tỷ lệ cổ tức/thị giá là 18,42%. Nếu so với việc gửi tiết kiệm với lãi suất 14% thì đây có vẻ là một kênh đầu tư hấp dẫn hơn, nhất là khi ngân hàng này duy trì ổn định mức trả cổ tức bằng tiền mặt (năm 2010 là 15%). Cổ phiếu của Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam có mức giá khá ổn định, xoay quanh khoảng 9.900 đồng/CP và giao dịch khá sôi động có kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt xấp xỉ 18% trong năm 2011.

Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Văn Lang (VLA) cũng có kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt 18% trong năm 2011. Ngày 12/10 vừa qua là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận tạm ứng đợt 1/2011 (1.000 đồng/CP) của VLA. Với mức giá 7.200 đồng/CP, nếu công ty duy trì được chính sách trả cổ tức cao hàng năm, nhà đầu tư (NĐT) có thể đạt được mức lợi nhuận 25%/năm.

Khi cổ tức như "liều thuốc" xoa dịu tình hình

Trong khi đó, lãi suất tiền gửi trên thị trường vẫn ở mức cao 17-18% /năm và thậm chí 20%. Theo tính toán của các chuyên gia để cạnh tranh với kênh đầu tư tiền gửi này thì VN-Index sẽ phải tăng tối thiểu lên 566 điểm (472 * (1+20%)) trong vòng 1 năm nữa. Điều này là chưa rõ trong bối cảnh vĩ mô cùng dòng tiền như hiện tại và kể cả dự báo trong năm 2011 này.

Trong lúc kỳ vọng tăng giá chưa rõ ràng thì tìm kiếm các cổ phiếu có tỷ suất cổ tức (cổ tức bằng tiền/giá cổ phiếu) hay lợi tức cao hơn lãi tiền gửi ngân hàng là một sự lựa chọn đáng xem xét.

Cùng với những khó khăn chung của nền kinh tế tác động tới hoạt động của doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.. khiến thị trường lao dốc vừa lâu, vừa sâu đã kéo mặt bằng giá cổ phiếu xuống mức thấp kỉ lục.. khiến nhà đầu tư không kỳ vọng tới lợi nhuận từ buôn qua, bán lại.. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp vẫn có tốc độ tăng trưởng tốt, vẫn vượt kế hoạch đề ra, có triển vọng cổ tức ở mức cao so với thị giá và có tỉ suất cổ tức cao hơn so với việc gửi lãi suất tiết kiệm ngân hàng thì quả thực việc đầu tư là quá hấp dẫn. Dù phần lớn nhà đầu tư ở Việt Nam là những nhà đầu cơ lướt sóng ngắn hạn. Với đa số cổ phiếu xuống dưới mệnh giá thì việc mua theo chiến thuật này sẽ giảm đáng kể rủi ro.

Tuy nhiên nhà đầu tư cũng nên xem xét để có thể tìm kiếm cổ phiếu khác theo các tiêu chí thấp hơn hoặc riêng của mình. Vì không phải cứ thông qua chính sách cổ tức cao là sẽ hấp dẫn. Nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp duy trì cổ tức cao nhưng thực sự họ có tiền trả không lại là vấn đề. Hơn nữa, thanh khoản cũng là một tiêu chí cần xem xét trong trường hợp thị trường có xu hướng khởi sắc để nhà đầu tư có thể hiện thực hóa lợi nhuận nếu thuận lợi.

Tất nhiên, việc mua cổ phiếu nhằm hưởng cổ tức vẫn sẽ chịu nhiều rủi ro hơn gửi tiết kiệm, nhưng đây có thể là một hướng đầu tư đầy tiềm năng trong bối cảnh kênh đầu tư nào cũng ảm đạm, rủi ro mất nhiều hơn được nhưng vẫn le lói những dấu hiệu có thể tạo ra lợi nhuận dựa vào tài phán đoán và phân tích của nhà đầu tư. Như vậy, nếu chịu khó sàng lọc những cổ phiếu giá rẻ có nền tảng cơ bản tốt, kinh doanh có lãi thì các nhà đầu tư sẽ có cơ hội hưởng cổ tức cao và có khả năng thu lời lớn từ chênh lệch giá khi thị trường chuyển sang giai đoạn phục hồi. Lúc này, các nhà đầu tư nên tính toán, so sánh giữa tỷ lệ cổ tức và thị giá để nếu thị trường có lình xình kéo dài thì cổ tức cũng hấp dẫn hơn lãi suất tiết kiệm để từ đó tìm ra những điểm sáng trên thị trường để đi tới quyết định đúng đắn nhất.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực