Năm 2012: Ngân hàng Nhà nước nỗ lực ổn định thị trường tiền tệ

Thứ năm, 22/12/2011 15:03

 

 Ảnh minh họa (nguồn: PV)

(ĐCSVN) Trước những bất ổn của thị trường tiền tệ trong nước và thế giới trong năm 2011, với sự nỗ lực không ngừng, đến nay ngành ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp điều hành tiền tệ linh hoạt, thận trọng, giữ ổn định thị trường tiền tệ và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Nhìn lại năm 2011, một năm có nhiều khó khăn đối với ngành ngân hàng, kinh tế gặp nhiều thách thức, lạm phát tăng cao, tình trạng đô la hóa vẫn tiếp diễn … Tuy nhiên, vượt lên khó khăn, trong năm 2011, ngành ngân hàng đã cùng chung sức thực hiện các giải pháp đúng đắn để ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Nhờ có những giải pháp thiết thực, đã đem lại hiệu quả đối với thị trường tiền tệ, lượng tiền cung ứng được điều hành chặt chẽ từ đầu năm, qua đó kiểm soát tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp. Cùng với đó, tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, tăng ở mức thấp nhưng cơ cấu tín dụng chuyển theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu, giảm cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất. Các mức lãi suất trên thị trường tiền tệ đã hợp lý hơn, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và chỉ đạo của Chính phủ.

Tổng phương tiện thanh toán trong năm 2011, tăng khoảng 10%, tín dụng tăng khoảng 12%, góp phần đưa lạm phát tăng chậm lại (từ tháng 8 đến nay, lạm phát tăng dưới 1%/tháng); đồng thời góp phần giảm mạnh nhập siêu, cải thiện đáng kể cán cân thanh toán quốc tế.

Việc điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, kết hợp với việc thu hẹp đối tượng được vay ngoại tệ trong nước, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đô la Mỹ của tổ chức và cá nhân tại tổ chức tín dụng (TCTD) đã góp phần giảm tình trạng đô la hóa, tăng niềm tin vào đồng Việt Nam. Các biện pháp nhằm bình ổn thị trường ngoại hối đã góp phần cải thiện thanh khoản ngoại tệ, tái lập thế cân bằng trên thị trường ngoại hối cũng như thúc đẩy xuất khẩu.

Việc triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm ổn định giá vàng và thị trường vàng trong nước đã góp phần đưa giá vàng trong nước bám sát với giá vàng thế giới; giới đầu cơ đã không còn khả năng thao túng thị trường; các ngân hàng đã bắt đầu mua được vàng từ thị trường trong nước để bù đắp lại lượng vàng đã bán ra, giảm bớt áp lực nhập khẩu vàng, tiết kiệm ngoại tệ và giảm bớt áp lực lên tỷ giá….

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nếu năm 2011, môi trường kinh tế trong nước đầy thách thức thì năm 2012 Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi triển vọng kinh tế toàn cầu tương đối ảm đạm. Tuy nhiên, trong năm 2012, Chính phủ và ngành ngân hàng đã nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc tái cấu trúc nền kinh tế thông qua việc tăng cường hiệu quả đầu tư công, cải cách các doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính.

Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu tín dụng tăng trưởng khoảng 15-17%. Để đạt được mục tiêu này, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu TCTD xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm và từng quý trong năm 2012, phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa mà Ngân hàng Nhà nước phân bổ. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn phục vụ lĩnh vực sản xuất và các dự án, phương án có hiệu quả, kiểm soát dư nợ cho vay các lĩnh vực không khuyến khích ở mức hợp lý. Thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ cho vay bằng ngoại tệ để đảm bảo tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ phù hợp khả năng huy động vốn, chủ trương hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế…

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các TCTD tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hoạt động của các TCTD, đảm bảo an toàn hệ thống tránh rủi ro và giảm nợ xấu, ổn định và lành mạnh hóa thị trường tiền tệ, trước hết là thị trường liên ngân hàng, kể cả nội ngoại tệ, thị trường vàng.

Mới đây, phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian tới cần có nhiều giải pháp hơn nữa trong việc thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, để vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, yêu cầu tăng trưởng kinh tế theo các chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua. Cùng với đó, có những giải pháp từng bước giảm dần mặt bằng lãi suất theo mức giảm của lạm phát, bảo đảm khả năng thanh khoản của nền kinh tế...

Và khi những giải pháp đúng đắn được triển khai, chúng ta tin tưởng rằng, trong năm 2012, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển vững mạnh, góp phần ổn định thị trường tiền tệ. Khi có một hệ thống ngân hàng vững mạnh, nền kinh tế sẽ phát triển tốt hơn đúng với tiềm năng.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực