Tài chính năm 2012: Cơ hội và thách thức

Thứ sáu, 13/01/2012 23:56
 
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đ.H)
(ĐCSVN)
- Việt Nam đang tiếp tục phải xử lý các tồn tại về vấn đề tài chính. Năm 2012, việc ổn định tài chính vĩ mô được xác định là nền tảng quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong cả giai đoạn 2011-2015 với các trọng tâm là kiểm soát lạm phát, bình ổn thị trường giá cả, cải thiện cán cân thanh toán và phấn đấu giảm bội chi ngân sách.

Nhìn chung, điểm nổi bật về lĩnh vực tài chính của Việt Nam năm 2012 về cơ bản sẽ là sự tiếp nối nhất quán các xu hướng, chủ trương và chính sách đang thực hiện trong năm 2011. Tuy năm 2012 được kỳ vọng sẽ có những cải thiện đáng kể một số chỉ tiêu tài chính vĩ mô, như: mức lạm phát, lãi suất, cân đối ngân sách, tổng vốn đầu tư ngân sách và tín dụng ngân hàng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng như sự gia tăng quy mô và vai trò đầu tư tư nhân trong tổng đầu tư toàn xã hội, nhưng tài chính Việt Nam sẽ phải đối diện với nhiều thách thức. Theo TS Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội), năm 2012, tài chính Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức.

Những thách thức…

Các ngân hàng và công ty tài chính tiếp tục có sự căng thẳng về thanh khoản và thu hồi nợ cũ, nhất là những khoản cho vay với lãi suất cao trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản và chứng khoán. Nếu việc thu hồi nợ không tốt có thể làm gia tăng rủi ro mới với sự giảm giá mạnh và trầm lắng hơn nữa của thị trường bất động sản, kể cả bất động sản thế chấp. Điều này đồng nghĩa với sự thiệt hại trực tiếp giảm giá trị tài sản nợ của ngân hàng và công ty đầu tư tài chính có lượng tài sản nhận thế chấp các khoản vay và đầu tư bằng bất động sản.

Sẽ có sự gia tăng thách thức về nguồn huy động tài chính - tín dụng cả về quy mô lẫn điều kiện tín dụng từ chủ trương của Việt Nam tiếp tục tinh thần chính sách tài chính - tiền tệ chặt chẽ, thận trọng (dù hạn mức tín dụng cả năm 2012 sẽ được chỉnh tăng từ 15-17% so với mức chỉ tăng 12% của năm 2011) và ưu tiên kiềm chế lạm phát xuống một con số. Hơn nữa, có khả năng sẽ xuất hiện áp lực mới về lựa chọn định hướng đầu tư tài chính và giải ngân các khoản tín dụng đầu tư gắn với sự gia tăng những rủi ro thị trường và đầu tư từ tái cấu trúc trong khuôn khổ quá trình tái cấu trúc kinh tế vĩ mô và vi mô. Nếu thiếu kiểm soát tốt, các hoạt động đầu tư tài chính và cho vay tín dụng phục vụ tái cấu trúc sẽ tăng rủi ro theo các khía cạnh: Một là, rủi ro từ khả năng thanh khoản kém hơn cho các khoản vay mới do giảm nguồn thu tài chính từ sự từ bỏ thị trường, làm việc cũ, trong khi thị trường mới chưa xuất hiện ngay và sức cạnh tranh mới chưa xác lập vững chắc; hai là, rủi ro từ nguy cơ gia tăng nợ của các doanh nghiệp (gắn với thiếu hụt nguồn vốn duy trì đầu tư cũ và cần thêm các khoản vay mới cho tái cấu trúc); ba là, rủi ro từ sự thất thoát, tham nhũng vốn đầu tư mới cho những dự án đầu tư mới trong khuôn khổ hoặc nhân danh tái cấu trúc, nhất là trong khu vực đầu tư công; bốn là, rủi ro từ việc lãng phí các dự án đầu tư dở dang theo mô hình đầu tư cũ,… Đặc biệt, ngay các tổ chức tín dụng và công ty tài chính trực thuộc các tập đoàn kinh tế theo mô hình cũ sẽ còn đối diện với nguy cơ giảm dần quy mô, phạm vi hoạt động hoặc phải tách ra hoạt động như một tổ chức tài chính - tín dụng độc lập và chuyên nghiệp trên thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Những nguyên nhân thúc đẩy Việt Nam phải tái cấu trúc, thì bản thân chúng đồng thời cũng đang và sẽ là nhân tố trực tiếp hoặc gián tiếp tạo rủi ro cho các tổ chức tín dụng và đầu tư tài chính. Đó là: kinh tế phát triển thiếu bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp; lạm phát và mặt bằng lãi suất có thể vẫn khá cao; cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt, dự trữ ngoại hối khó cải thiện gây áp lực lên thị trường tiền tệ và tỷ giá; giá vàng trên thị trường có nhiều khả năng vẫn biến động bất thường. Mặt khác, tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi, hệ số tín nhiệm quốc gia thấp và chỉ số cạnh tranh tụt bậc liên tiếp nhiều năm. Kinh tế - xã hội nước ta vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Một số khó khăn và thách thức về thị trường có thể lớn hơn và khó lường hơn so với dự báo. Nhiều nhà kinh tế đang e ngại về khả năng xuất hiện một làn sóng khủng hoảng kinh tế thế giới vào năm 2012. Những khó khăn và rủi ro đó có thể phát tác, gây hệ quả trái với mong đợi và làm nản lòng những quyết tâm và kế hoạch tái cấu trúc cần thiết trong thời gian tới.

… và cơ hội

Thách thức tuy lớn, nhưng trong năm 2012, các ngân hàng và công ty tài chính Việt Nam cũng có những cơ hội thuận lợi về tài chính như, thị trường ngoại hối chuyển biến tích cực, tỷ giá dần ổn định, trạng thái ngoại hối của hệ thống ngân hàng, dự trữ ngoại tệ và cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện. Hoạt động mua bán ngoại tệ và kinh doanh vàng được kiểm soát mà đã mang lại kết quả bước đầu. Mới đây, Chính phủ cũng đã thống nhất về nguyên tắc Nhà nước sẽ độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Đây cũng được xem là một trong những giải pháp điều hành chính sách tài chính - tiền tệ trong năm 2012. Mặt khác, nợ công được giữ ở mức an toàn (nợ công cuối năm 2011 ước khoảng 54,6% GDP, dự kiến đến cuối năm 2012 nợ công khoảng 58,4% GDP). An ninh lương thực và an ninh năng lượng được đảm bảo. Dự trữ xăng dầu trước đây là 7, đã tăng lên 40 ngày. Xuất khẩu lương thực năm 2011 đạt mức kỷ lục, trên 7,2 triệu tấn; đồng thời, vẫn bảo đảm đủ lương thực tiêu dùng trong nước và dự trữ. Quy mô nền kinh tế đang tăng lên, nhiều ngành kinh tế - xã hội có bước phát triển mới. Việt Nam cũng đã ký kết thêm được nhiều hiệp định và thoả thuận quan trọng về hợp tác toàn diện và mang tầm chiến lược với các đối tác lớn. Việt Nam vẫn được cộng đồng quốc tế và nhiều tổ chức quốc tế tin tưởng vào triển vọng cả về trung hạn và dài hạn. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã đưa ra những dự báo khá lạc quan cho nền kinh tế Việt Nam. Theo IMF, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2012 là 6,3% (cao hơn mức 5,89% của năm 2011); năm 2013 là 7,5%...

Để vượt qua thách thức mới, tận dụng tốt cơ hội, tài chính Việt Nam cần có những nhận thức mới với quyết tâm và cách làm mới. Đặc biệt, cần kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng công tác tham mưu về chính sách phát triển kinh tế, điều tiết thị trường cũng như nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả đầu tư nhà nước. Tăng cường kiểm tra thị trường, giảm thiểu tình trạng đầu cơ, lũng đoạn và lợi dụng tăng giá tuỳ tiện trên thị trường. Cần đi đúng quy trình an toàn trong tiến trình đi tới thị trường cạnh tranh đầy đủ, thực hiện cạnh tranh cung ứng trước khi thực hiện giá cả thị trường. Xây dựng những kế hoạch để chủ động ngăn chặn các nguy cơ bất ổn cục bộ và hệ thống, trước hết là từ các khoản nợ công, tín dụng ngắn hạn và cơ cấu nợ tập trung quá mức, sự thiếu hụt khả năng thanh khoản và những bất minh tài chính nội bộ. Tăng cường công tác giám sát đánh giá hiệu quả đầu tư, kịp thời phát hiện những sai phạm và có biện pháp xử lý nghiêm minh nhằm ngăn chặn tình trạng thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư xây dựng, loại bỏ những dự án đầu tư kém hiệu quả, dàn trải, kể cả các dự án đầu tư ra nước ngoài. Tập trung cải thiện khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, tháo gỡ các vướng mắc, đảm bảo đủ vốn, đủ ngoại tệ cho sản xuất các ngành hàng, các sản phẩm trọng điểm. Thu hút mạnh và giải ngân nhanh các nguồn vốn đầu tư, nhất là các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao và có giá trị xuất khẩu lớn. Sử dụng công cụ thuế một cách linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với cam kết quốc tế để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức phát triển sản xuất, kinh doanh, gia tăng xuất khẩu và giảm nhập siêu. Tập trung phát triển dịch vụ và thu hút đầu tư, bảo đảm các nguồn cung hàng hoá và dịch vụ góp phần kiềm chế lạm phát, giảm nhập siêu…      

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực