Kỳ I: Theo dấu chân Người

Phú Thọ học và làm theo Bác
Thứ bảy, 28/10/2023 12:16
(ĐCSVN) – Khi lựa chọn đề tài Phú Thọ học, làm theo Bác, chúng tôi hy vọng sẽ cùng với bạn đọc tìm hiểu quá trình Người về với Phú Thọ, để ghi nhớ những lời dạy bảo ân cần, nghiêm khắc nhưng thân thương, giản dị mà sâu sắc của Bác. 76 năm qua kể từ lần đầu tiên Người về Đất Tổ, những lời dạy ấy là động lực tinh thần vô giá để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu, nắm bắt cơ hội phát triển, xây dựng Phú Thọ trở thành tỉnh “tiên tiến” như niềm tin và sự mong mỏi của Người.

Dọc hành trình theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi cố gắng tìm các nhân chứng lịch sử được trực tiếp gặp Bác, những cán bộ lão thành cách mạng - người chứng kiến sự đổi thay của quê hương trong chặng đường phát triển nhằm khắc họa rõ nét hơn lời căn dặn của Người khi xưa. Họ đã gìn giữ những tư liệu lịch sử quý giá để nhắc nhở thế hệ sau luôn ghi nhớ lời thị huấn của Người, tiếp thêm ý chí, động lực để tỉnh Phú Thọ vươn lên phát triển vững chắc. 

Dựng nước đi đôi với giữ nước

Ảnh tư liệu

Phú Thọ luôn tự hào khi là nơi đã vinh dự được đón Bác Hồ 9 lần về thăm - đây là những sự kiện vô cùng quan trọng, ý nghĩa trong hành trình xây dựng và phát triển của tỉnh. Từ các xã, thị trấn của thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, huyện Lâm Thao, Thanh Ba, Thanh Thủy đến Khu Di tích lịch sử Đền Hùng… nơi đâu cũng in bóng hình của Bác. Trong những lần về thăm, Bác luôn căn dặn Đảng bộ và Nhân dân thực hiện toàn diện các nhiệm vụ từ công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội đến bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Phú Thọ là tỉnh có lịch sử xây dựng và phát triển lâu đời. Là vùng đất cổ có thế “Sơn chầu thủy tụ”, dồi dào “Khí thiêng sông núi”, đất của thế dựng nước và giữ nước. Chính vì thế, vào ngày 18 - 19/8/1954, Bác từ “Thủ đô gió ngàn” (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) về Phú Thọ, thắp hương viếng các Vua Hùng và gặp gỡ cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong, giao nhiệm vụ trước khi về tiếp quản Thủ đô. Tại đây Người đã căn dặn “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Lúc bấy giờ, trách nhiệm trực tiếp là phải tiếp tục công cuộc giữ nước, Đảng bộ, quân và dân Phú Thọ thực hiện tốt nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc, cùng với các địa phương trong cả nước trở thành hậu phương vững mạnh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ngày 30/4/1975, lời dạy của Người đã trở thành hiện thực khi lá cờ quyết thắng được cắm lên nóc Dinh Độc Lập, kết thúc cuộc chiến đấu 30 năm giành trọn vẹn giang sơn cho Tổ quốc. Tổng kết hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, toàn tỉnh có gần 17 nghìn liệt sỹ; gần 14 nghìn thương binh, bệnh binh và người hưởng chính sách; gần 52 nghìn người có công với cách mạng. Cùng với Nhân dân cả nước, Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ đã thực hiện xuất sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, Di chúc thiêng liêng và lời dạy của Người trong sự nghiệp giữ nước, góp phần xứng đáng cùng đồng bào và chiến sỹ cả nước thực hiện chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Với những thành tích xuất sắc đạt được, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Phú Thọ được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý: Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Sao Vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công hạng III… Nhiều địa phương, đơn vị, người con của tỉnh được phong tặng danh hiệu: “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, “Anh hùng Lao động”…

Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Xuất - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Thọ cho biết: Lần thứ 8 về thăm tỉnh Phú Thọ vào ngày 18/8/1962, Bác căn dặn và khích lệ Đảng bộ và Nhân dân toàn tỉnh: “Để lãnh đạo tốt, các cấp ủy phải thật đoàn kết, thật dân chủ, phải thực hành chế độ “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, phê bình và tự phê bình để không ngừng tiến bộ”. Thực tế trong nhiều thập kỷ qua, nhất là ở những thời điểm bước ngoặt, những lúc khó khăn của địa phương, vấn đề thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ có ý nghĩa sống còn, là yếu tố quan trọng đảm bảo sự đoàn kết để tập trung trí tuệ lãnh đạo Nhân dân vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Phú Thọ là một trong những địa phương luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao trong việc làm tốt công tác tập trung dân chủ.

Trải qua 19 kỳ đại hội, ở thời điểm nào, Đảng bộ tỉnh Phú Thọ cũng luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ then chốt. Nhờ vậy, công tác xây dựng Đảng trong toàn Đảng bộ có nhiều chuyển biến tích cực trên cả 3 mặt: Chính trị, tư tưởng và tổ chức, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh.

Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Thọ Nguyễn Văn Xuất cho biết: Lời dạy của Bác vừa là sự khẳng định thời đại Hùng Vương là thời đại có thật trong lịch sử dân tộc ta; vừa là sự tổng kết một cách khoa học về quy luật dựng nước phải đi đôi với giữ nước. Trong suốt những năm sau đó, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện “giữ nước” trên mọi phương diện: Giữ nước trong phát triển kinh tế, giữ nước trong xây dựng văn hóa, giữ nước trong xây dựng, bảo vệ Đảng. Kinh tế - xã hội phát triển, an ninh - quốc phòng được đảm bảo, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh đã tạo nên sức mạnh tổng hợp và trở thành nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp dựng nước, giữ nước trên quê hương Đất Tổ theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm

Giữa lúc tỉnh Phú Thọ đang ra sức thực hiện Kế hoạch 3 năm (1958 - 1960) “cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho Đảng bộ và Nhân dân Phú Thọ sự quan tâm đặc biệt. Ngày 20/7/1958, Người về thăm tỉnh Phú Thọ. Người căn dặn Đảng bộ và Nhân dân toàn tỉnh “… ra sức thi đua sản xuất, đảm bảo vụ mùa thắng lợi”. Tình cảm của Bác dành cho đồng chí, đồng bào trong tỉnh là nguồn động viên mạnh mẽ để Đảng bộ và Nhân dân Phú Thọ vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Những ngày cuối tháng 7/2023, đúng dịp kỷ niệm 65 năm Bác Hồ về thăm và dự “Hội nghị phát động phong trào thi đua sản xuất vụ mùa của tỉnh Phú Thọ” (20/7/1958 - 20/7/2023), chúng tôi về thăm xã Vân Phú, thành phố Việt Trì - địa phương được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu của Người vì có phong trào đổi công mạnh, làm được nhiều phân bón nhất tỉnh.

Dù đã có biết bao nhiêu thay đổi nhưng với cụ Cao Đức Hấn - 92 tuổi ở phường Vân Phú, những lời căn dặn ấm áp của Bác Hồ vẫn luôn vẹn nguyên trong ký ức. Cụ Cao Đức Hấn bồi hồi: Ngày 20/7/1958, Bác Hồ về thăm Phú Thọ. Xã Vân Phú được cử một đoàn gồm 8 người do đồng chí Nguyễn Khắc Duyệt - Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã dẫn đầu. Việc được gặp Bác, được nghe biểu dương thành tích đã làm cho cán bộ, nhân dân Vân Phú vô cùng phấn chấn, hăng say trong khí thế lao động, sản xuất mới.

 Cụ Cao Đức Hấn kể lại ngày được Bác biểu dương cho các cháu con nghe  (Ảnh: Ngọc Kiên)

“Lời Bác như động lực mạnh mẽ, bà con hăng hái tăng gia sản xuất, đẩy mạnh phát triển hợp tác xã. Chỉ trong thời gian ngắn, tính đến tháng 1/1959, xã Vân Phú đã đưa 90% hộ nông dân vào làm ăn tập thể, có 5 hợp tác xã nông nghiệp. Đồng thời, xây dựng Hợp tác xã tín dụng và Hợp tác xã mua bán. Năm đó, bản thân tôi được các đồng chí lãnh đạo huyện Hạc Trì, xã Vân Phú tín nhiệm phân công là Chủ nhiệm Hợp tác xã tín dụng và phụ trách hoạt động của Đoàn Thanh niên xã. Trong năm 1959, Vân Phú là xã đã làm thí điểm thành công cả 3 ngọn cờ hồng: Hợp tác xã nông nghiệp, Hợp tác xã tín dụng và Hợp tác xã mua bán. Với thành tích đó, xã được Trung ương Đảng và Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. 65 năm đã qua đi, Vân Phú giờ đây đã vươn mình phát triển, góp phần quan trọng trong sự phát triển chung của thành phố Việt Trì ngày càng văn minh, hiện đại. Thế hệ chúng tôi ngày ấy rất vui mừng trước sự thay đổi mạnh mẽ của Vân Phú, đây là nguồn động viên lớn, làm tiền đề phát triển kinh tế - xã hội trong những năm sau này” - cụ Cao Đức Hấn chia sẻ.

Rời Vân Phú, chúng tôi về thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao - nơi 61 năm trước, ngày 19/8/1962, người dân thị trấn nói riêng và người dân tỉnh Phú Thọ nói chung tự hào được đón Bác về thăm. Cụ Nguyễn Văn Mộc (82 tuổi) - một trong những người được tham gia sự kiện đón Bác Hồ về thăm cán bộ, xã viên Hợp tác xã Nam Tiến (nay là thị trấn Lâm Thao) rưng rưng niềm xúc động khi nhớ về khoảnh khắc ấy. Cụ chia sẻ: Khi đó, tôi vừa tròn 20 tuổi, đang là xã viên của Hợp tác xã Nam Tiến. Tôi nhớ buổi sáng ngày 19/8/1962, Bác đến cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Lâm Thao. Bác đi thẳng vào sân trụ sở Hợp tác xã để gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, xã viên. Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe và việc thu hoạch vụ mùa vừa qua của bà con, rồi Bác nhắc đến một số công tác của Hợp tác xã, bà con phải đoàn kết cùng nhau xây dựng Hợp tác xã, đoàn kết với công nhân các nhà máy để phát triển sản xuất và cải thiện đời sống.

Cụ Nguyễn Văn Mộc (đứng giữa) kể chuyện tại Bia tưởng niệm trong khuôn viên Nhà văn hóa lưu niệm Bác Hồ ở thị trấn Lâm Thao (Ảnh: Ngọc Kiên) 

“Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Hợp tác xã Nam Tiến, nhân dân địa phương ra sức thi đua đẩy mạnh sản xuất. Năm 1964, Hợp tác xã Nam Tiến được Bộ Nông nghiệp xếp loại Hợp tác xã Nông nghiệp năng suất cao và “Ba đỉnh cao” của tỉnh Phú Thọ. Năm 1965, Hợp tác xã Nam Tiến được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, được Bộ Nông nghiệp lấy làm điển hình năng suất lúa 6 tấn/ha/năm của miền Bắc và cử đoàn cán bộ về nghiên cứu kinh nghiệm đạt năng suất cao để nhân rộng… Tháng 3/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư khen ngợi cán bộ, xã viên Hợp tác xã Nam Tiến đã ra sức thi đua tăng năng suất lúa và nhắc nhở cán bộ, xã viên Hợp tác xã không nên chủ quan, thỏa mãn mà phải cố gắng hơn nữa” - cụ Mộc cho biết.

Không riêng thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao, ở những nơi Bác đến thăm, quân và dân đều như được tiếp thêm sức mạnh, động lực hăng hái thi đua lao động sản xuất và thực hành tiết kiệm, giành được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đến giữa năm 1960, về căn bản toàn tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng hợp tác xã nông nghiệp ở nông thôn. Hơn 90% hộ nông dân vào làm ăn tập thể. Các khu công nghiệp trung ương hình thành, đặc biệt là Khu công nghiệp Việt Trì đã góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh. Mong muốn của Người “để ta có được những sản phẩm tự lực cánh sinh mà ta xưa nay vẫn phải mua của nước ngoài” đã dần được hiện thực khi các nhà máy tại Khu công nghiệp Việt Trì đã sản xuất ra các mặt hàng phục vụ sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân cả nước.

(Còn nữa)

Hương Giang - Khánh Trang - Ngọc Kiên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực