Kỳ II: Học Bác từng ngày, từng việc, từng thói quen

Phú Thọ học và làm theo Bác
Thứ ba, 31/10/2023 15:45
(ĐCSVN) – Không chỉ là “phong trào”, “khẩu hiệu”, việc học tập và làm theo Bác đã trở thành nếp nghĩ, cách làm của người dân Phú Thọ trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển quê hương. “Không nói suông, nói chung chung, ai cũng có thể học Bác, học Bác từ những điều nhỏ nhất” - Đó là phương châm của tất cả các cấp, các ngành, mọi cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong tỉnh Phú Thọ.

Kỳ I: Theo dấu chân Người

Lời Bác là “kim chỉ nam” cho mọi cán bộ, đảng viên

Bí thư Chi bộ Đinh Thị Thu Hương và công trình đường điện thông minh thắp sáng làng quê (Ảnh: Khánh Trang)  

“Tư tưởng đạo đức của Bác đã từng bước đi sâu vào đời sống tinh thần của Nhân dân, trở thành “kim chỉ nam” cho hành động, việc làm thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên trong huyện. Suốt thời gian qua với những cách làm sáng tạo, sát với thực tiễn địa phương, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã lan tỏa trong toàn huyện, đưa huyện miền núi Yên Lập ngày càng đổi thay” - ông Đỗ Quốc Dân - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Yên Lập khẳng định.

Đó là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Xuân Thủy - chị Nguyễn Thị Kiều Hương luôn xác định làm theo Bác bằng những việc làm có ích cho gia đình và hội viên. “Việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được”, chị quan tâm đến việc gây dựng nguồn quỹ, giúp hội viên thiếu vốn đầu tư vào sản xuất được vay phát triển kinh tế bằng hình thức phường tiết kiệm; đầu tư xưởng may gia công, tạo việc làm thường xuyên cho chị em phụ nữ; tổ chức triển khai chương trình mẹ đỡ đầu để giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Đó là người nữ Bí thư Chi bộ người Mường trẻ tuổi Đinh Thị Thu Hương nhưng “nói dân nghe, làm dân tin”, trở thành người có uy tín đối với người dân khu 5, xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập. Chị Hương đã tham gia hoạt động đoàn thể ở khu từ rất sớm, và trở thành Bí thư Chi bộ khu từ năm 2020 khi mới 37 tuổi. Ở vị trí “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, chị Hương lo lắm, vì: “Từ trước đến nay Bí thư hay Trưởng khu toàn là các bác, các chú đã có tuổi, có tiếng nói. Mình là phụ nữ lại ít tuổi, chỉ sợ mọi người không nghe, không tin”.

Nhớ lời Bác dạy “luôn luôn cầu tiến bộ”, gương mẫu, giản dị, hết lòng vì công việc chung, chị Hương không chỉ hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, mà còn thành công khi vận động người dân trong khu đồng tình ủng hộ gần 80 triệu tiền mặt cùng nhiều ngày công lao động để xây dựng đường điện thông minh thắp sáng làng quê. Được biết, công trình khởi động đầu năm 2023, thời gian đầu gặp nhiều khó khăn do đời sống kinh tế của một số hộ dân còn khó khăn. Thế nhưng chị Hương cùng các cán bộ đoàn thể ở khu đã đến từng hộ dân để vận động, tuyên truyền. Nhờ đó ai cũng hiểu ý nghĩa của con đường mang lại, sẵn sàng ủng hộ. Con đường dài 4,3km hoàn thành đúng vào ngày sinh nhật của Bác, trở thành niềm tự hào của khu 5, được nhiều khu trong xã học tập, nhân rộng.

Hay tại xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao, Bí thư Chi bộ khu 5 Đặng Minh Chính đã 64 tuổi, luôn thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, tự nhủ phải cố gắng nỗ lực hết mình vì công việc chung của tập thể, đặt lợi ích của tập thể, của Nhân dân lên trên hết, trước hết. Năm 2022 để thực hiện mục tiêu xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu ở khu với nhiệm vụ khó là huy động nguồn lực, vận động Nhân dân dịch rào, hiến đất để mở rộng các tuyến đường, ông đã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đảm bảo theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi”; tổ chức họp bàn, thảo luận trong Chi ủy và lắng nghe ý kiến của Nhân dân; đồng thời tích cực tuyên truyền để Nhân dân hiểu đúng chủ trương, ý nghĩa của phong trào xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với đó, ông gương mẫu đi đầu, tự nguyện phá dỡ hàng chục mét vuông tường rào để mở rộng đường dân sinh trong khu. Nhờ đó, đông đảo người dân trong khu tin tưởng, đoàn kết, nhất trí. Từ tháng 3/2022 đến nay, toàn khu có 37 hộ dân tự nguyện dịch rào, hiến 756,9m2 đất để mở rộng đường giao thông. Nhân dân cùng các nhà hảo tâm và con em xa quê hương ủng hộ, đóng góp trên 855 triệu đồng và 155 ngày công lao động để xây 700m mương tiêu úng, 700 tấm bê tông xi măng làm nắp đậy mương tiêu úng, đổ trên 1.000m đường bê tông xi măng; tu sửa khuôn viên và mua sắm trang thiết bị nhà văn hóa, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm sáng, xanh, sạch, đẹp. Phong trào xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu ở khu dân cư số 5 đã được thực hiện thành công.

Có thể khẳng định, với sự tiên phong, đi đầu của đội ngũ đảng viên, trên toàn tỉnh đã có nhiều tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, có những việc làm cụ thể, thiết thực đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của tỉnh, của địa phương, đơn vị.

Tấm gương Bác là phương châm sống và làm việc

Ông Ngô Tiến Sơn và vợ (Ảnh: Khánh Trang) 

Đến xã Tứ Hiệp, huyện Hạ Hòa, chúng tôi gặp thương binh Ngô Tiến Sơn. Chiến đấu hết mình trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông trở về quê hương với nhiều vết thương chiến tranh. Tuy vậy, những thương tích ấy không hề khiến người lính năm nào mất đi tinh thần lạc quan và sự nhiệt huyết với cuộc sống. 

Với bản chất bộ đội Cụ Hồ, ông Sơn tâm niệm, dù ở bất cứ đâu, hoàn cảnh nào, cuộc đời và lối sống giản dị của Bác đều cho chúng ta những bài học đáng quý. Đối với ông, bài học đầu tiên học được từ Bác là tình yêu lao động, biết sống dựa vào sức mình. Từ phần đất ít ỏi của gia đình, ông bắt tay vào lao động, quyết tâm phát triển kinh tế ngay trên đất quê hương. Ông Sơn phát triển chăn nuôi lợn, gà, bò, sau đó học tập kinh nghiệm, tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi ong mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, hỗ trợ bà con trong khu cùng vươn lên làm giàu, ông Sơn còn là người nhiệt tình, tích cực tham gia các hoạt động chung của địa phương, đặc biệt là trong công tác an sinh xã hội, chăm sóc thương binh, gia đình chính sách, người có công trong huyện, đi đầu trong vận động người dân tham gia chung sức xây dựng nông thôn mới.

Năm 2021, với mong muốn làm đẹp cho quê hương, ông đã khởi xướng công trình Đường hoa cựu chiến binh khu 10 và ủng hộ 255 gốc hoa cùng nhiều ngày công lao động. Công trình được các cựu chiến binh và người dân hết sức ủng hộ. Sau thời gian chăm sóc, đến nay con đường 1,2km đã có hoa nở rộ, trở thành điểm nhấn thay đổi diện mạo vùng quê Tứ Hiệp và là mô hình được nhiều địa phương khác trong huyện Hạ Hòa học tập. 

Cô gái trẻ Lê Thị Diệp Anh (áo vàng) là điển hình tiên tiến được biểu dương, tôn vinh nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (Ảnh: Khánh Trang) 

Là một trong 700 đại biểu điển hình tiên tiến được biểu dương, tôn vinh nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023), khó có thể tin Lê Thị Diệp Anh - cô gái sinh năm 1995, mới chưa đầy 28 tuổi đã làm chủ một dây chuyền sản xuất và cung ứng sản phẩm OCOP 3 sao làm từ chính nguyên liệu được trồng trên quê hương Cẩm Khê của mình.

Làm giàu trên mảnh đất quê hương là mơ ước của nhiều bạn trẻ, nhưng lại chưa bao giờ dễ dàng. Cách đây 3 năm, nhận thấy nhiều tác dụng với sức khỏe của cây diếp cá, nhưng trên thị trường lại chưa có một sản phẩm nào chế biến từ loại lá cây này, Diệp Anh quyết định tìm hiểu nghiên cứu để tạo ra loại trà diếp cá thảo dược. Mục tiêu của cô là tạo một sản phẩm nhiều lợi ích, giá thành hợp lý để ai cũng có thể sử dụng. Nhưng số vốn ít ỏi, nguyên liệu chưa có, làm sao có loại trà vừa ngon vừa tốt lại vừa rẻ?

Không ngại khó, ngại khổ, theo gương Bác là tâm niệm giúp cô gái trẻ không nản lòng. Diệp Anh đi khắp nơi trong huyện, gặp gỡ, thuyết phục bà con hợp tác với mình để trồng cây diếp cá; nghiên cứu một quy trình sản xuất thật hiệu quả; tìm kiếm cách bán hàng mới thông qua các sàn thương mại điện tử để giảm bớt các chi phí. Đến nay, Diệp Anh đã đầu tư xây dựng vườn nguyên liệu với diện tích hơn 3.000m trồng cây diếp cá, tía tô, mã đề, cỏ ngọt; đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại. Năm 2021, sản phẩm trà diếp cá đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao; năm 2022, sản phẩm trà tía tô đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Mỗi năm, doanh thu của cơ sở đạt trên 1 tỷ đồng, lợi nhuận thu về khoảng trên 500 triệu đồng, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho gần 10 lao động địa phương với mức 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Diệp Anh chia sẻ: “Dù gặp nhiều khó khăn do tuổi còn trẻ, chưa nhiều kinh nghiệm, lại trải qua thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhiều người không tin tưởng, nhưng ai nói gì thì nói, em vẫn quyết tâm trên con đường đã chọn để làm giàu trên quê hương.

Không phụ thuộc lứa tuổi, công việc, hoàn cảnh, dù là việc to hay việc nhỏ, bất cứ ai cũng có thể học Bác. Tinh thần ấy đã góp phần làm nên con người Phú Thọ bản lĩnh vững vàng, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn thử thách, “Gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân”.

Hương Giang - Khánh Trang - Ngọc Kiên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực