Hiện trang trại bưởi da xanh của chị Thủy mỗi năm thu về 10 tỷ đồng - ảnh: Hồ Văn
Người biến đất cằn nở hoa
Vốn sinh ra và lớn lên ở TP Hồ Chí Minh, trước đây chị Thủy chưa từng có kiến thức về nông nghiệp ngày nào. Thế nhưng, sự đam mê làm nông nghiệp đã thôi thúc chị đến các trang trại thu thập thông tin, học hỏi cách thức sản xuất nông nghiệp.
Sau một thời gian nghiên cứu và nhờ sự giúp sức của các nhà khoa học chị Thủy đã quyết định chọn giống bưởi da xanh để khởi nghiệp. Chị cho biết: Qua nghiên cứu, tìm hiểu chị thấy giống bưởi da xanh có nhiều ưu điểm nổi bật hơn các giống bưởi khác, có hiệu quả kinh tế hơn và thị trường tiêu thụ có nhiều tiềm năng phát triển.
Không ngại khó khăn chị Thủy đã xuống tận Chợ Lách, Bến Tre tìm cây giống tại vườn và học hỏi kỹ thuật trồng cây bưởi da xanh. Sau đó, năm 2001 chị tìm về xã Long Nguyên, huyện Bến Cát (nay là huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) mua 14ha đất trồng cây bạch đàn của người dân trồng 7-8 năm để trồng bưởi. Tuy nhiên do đặc điểm địa hình, đất trồng cây bạch đàn lâu năm nên bị bạc màu, không còn độ phì nhiêu, vì thế để trồng được cây ăn quả chị phải cải tạo đất, đầu tư kỹ thuật để thuận lợi cho việc tưới tiêu.
Sau khi đã cải tạo đất, lắp đặt hệ thống tưới tiêu chị đầu tư trồng 6.000 cây giống bưởi da xanh. Tuy nhiên, việc tính toán làm sao để có tiền mua phân bón, tưới nước cho 6.000 cây bưởi khiến chị mất ngủ nhiều đêm. Cái khó ló cái khôn, chị đã trồng xen kẽ những loại cây, rau ngắn ngày như: bầu, bí, đậu, chanh, ổi... Đây là những loại vừa cho thu hoạch nhanh, vừa phủ tầng mặt đất tạo sinh thái nhiệt độ, giữ ẩm cho đất, đây cũng chính là nguồn phân xanh cải tạo lại đất.
Dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong khâu chăm sóc bưởi da xanh, cộng với sự giúp sức của các nhà khoa học nhưng 6.000 cây bưởi giống đầu tiên được trồng tại trang trại của chị Thủy vẫn chết một nửa. Lúc này chị lại đau đầu đi tìm giải pháp để cứu vãn số bưởi còn lại, tránh nguy cơ mất trắng số vốn đã đầu tư. Sau quá trình nghiên cứu tìm hiểu chị đã tìm ra nguyên nhân khiến bưởi chết là do thiếu chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển. Vì vậy, để có thêm nguồn phân bón cho cây, đồng thời có thêm nguồn thu nhập chị đầu tư nuôi gà gia công, nuôi trùn quế. Chị cũng tìm hiểu các phương pháp dân gian như lấy tỏi ép làm thuốc trừ sâu, lấy nước rửa chén phun ngăn rầy... vừa để ngăn ngừa dịch bệnh, sâu rầy để vừa tiết kiệm được kinh phí, vừa đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Với những nỗ lực của chị, 3.500 cây bưởi da xanh không chỉ được cứu mà còn ra trái, cho chị những thu nhập đầu tiên.
Xây dựng thương hiệu “Bưởi da xanh Nguyễn Thanh Thủy”
Để tiếp tục nâng cao giá trị kinh tế cho hàng nông nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm bằng việc đầu tư khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng bằng dây chuyền tưới tiêu công nghiệp, xây nhà bảo quản đóng gói theo mô hình VietGap, GlobalGap. Năm 2011, Trang trại Bưởi da xanh Thanh thủy được Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Bưởi da xanh Nguyễn Thanh Thủy”.
Mỗi năm, trang trại bưởi da xanh Nguyễn Thanh Thủy cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước khoảng 200 tấn bưởi, chưa kể các loại rau và củ quả khác. Thị trường mà bưởi da xanh Nguyễn Thanh Thủy xuất ngoại là hệ thống Metro Hà Lan, Czech; còn thị trường trong nước là TP.HCM, Bình Dương, Nha Trang, Đà Nẵng…
Với 14 ha, trong đó 13 ha trồng bưởi da xanh Nguyễn Thanh Thủy, chị Thủy còn trồng thêm các giống khác như: Ổi, sầu riêng, măng cụt, chanh không hạt, chuối, các loại rau sạch… cung cấp ra thị trường. Năm 2012, mức thu nhập từ bưởi trừ chi phí bình quân được 700 triệu/năm. Năm 2016, trang trại của chị Thủy thu từ 10 tỷ/năm, tạo việc làm cho 35 lao động thời vụ.
Chị Thủy cho biết, số tiền thu được chị sử dụng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, máy móc, nhà ở công nhân, xây dựng thương hiệu, nhà bảo quản và đóng gói (túi lưới, máy bọc màng phim); nghiên cứu, chế biến phân bón từ nguồn phân gà, phân trùn, phân dơi, phân bánh dầu, nguồn chủng men phân giải đạm, lân, cellulo từ trùn quế, rỉ mật phế để bón cho cây...
Nhiệt tình với các phong trào thi đua của Hội
Không chỉ giỏi làm kinh tế, chị Nguyễn Thanh Thủy còn là một người nông dân sôi nổi, nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua do Hội Nông dân các cấp phát động. Chị cho biết: “là hội viên hội nông dân ấp Suối Tre tôi luôn nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, bản thân tôi luôn tích cực tham gia thực hiện mô hình “Nông dân giỏi giúp nông dân nghèo, nông dân khó khăn vượt khó” do Hội Nông dân huyện Bàu Bàng phát động; gia đình tôi luôn thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”.
Bản thân chị là tỷ phú nhưng chị không quên giúp đỡ những mảnh đời còn nghèo khó. Hằng năm, chị tham gia ủng hộ Quỹ hỗ trợ nông dân cho Hội Nông dân huyện và xã, Quỹ Vì người nghèo bình quân 20 triệu đồng trở lên và các khoản đóng góp khác… chị cũng tạo điều kiện công ăn việc làm cho 35 công nhân tại địa phương, có nhà ở đầy đủ và các điều kiện thiết yếu, khi ốm đau hỗ trợ thuốc uống, còn hỗ trợ cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn mỗi tháng 20 kg gạo.
Không những vậy, chị Thủy còn giúp đỡ hội viên và con em hội viên nông dân trên địa bàn xã có hoàn cảnh khó khăn tạo điều kiện cho các em cắp sách đến trường, với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Với những thành tích đạt được, chị Thủy đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen và danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2012- 2014. Năm 2017 chị là một trong những nông dân xuất sắc tiêu biểu về dự hội nghị nông dân sản xuất kinh doanh giỏi lần thứ VI do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức. Chị Thủy chia sẻ: Có được những thành tích như ngày hôm nay, là nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, Nhà nước, các ngành đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho gia đình phát triển kinh tế ngày càng ổn định.
Để thương hiệu Bưởi Thanh Thủy luôn được phát triển bền vững, chị Thủy cho biết: thời gian tới chị tiếp tục đầu tư sản xuất nhằm xứng đáng người Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu, góp phần xây dựng tổ chức Hội và phong trào nông dân vững mạnh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh nông thôn.../.