Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)

Thứ năm, 20/09/2012 16:34

 

 Quang cảnh hội nghị

Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Hưng Yên đã tổ chức hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh: Sau khi hoàn thành việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 và chỉ đạo các cấp hoàn thành việc quán triệt Nghị quyết Trung ương 4, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã khẩn trương chuẩn bị cho kiểm điểm tập thể và cá nhân theo đúng chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương. Đến ngày 3/.8/2012, đã có 124 ý kiến đóng góp của các cơ quan Trung ương, các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ, của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh tham gia cho tập thể và cá nhân Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Nhìn chung, các ý kiến tham gia thể hiện tinh thần xây dựng, khách quan, chân tình, thẳng thắn. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Trung ương, ý kiến tham gia của các cấp, các ngành, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, bản dự thảo báo cáo kiểm điểm của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã đánh giá khái quát những ưu điểm, chỉ ra những hạn chế, yếu kém chủ yếu và nguyên nhân chủ quan, khách quan của hạn chế, yếu kém, đồng thời đề ra được một số giải pháp khắc phục.

Việc kiểm điểm tự phê bình, phê bình để tham gia đóng góp ý kiến cho tập thể và cá nhân các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về những ưu điểm để tiếp tục phát huy; những khuyết điểm, những mặt còn hạn chế, thiếu sót, nhất là những khuyết điểm, yếu kém trong Đảng bộ tỉnh qua nhiều năm nhưng chưa khắc phục được và phân tích, chỉ rõ các nguyên nhân, bổ sung các giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời là rất cần thiết, góp phần làm cho kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ khách quan, toàn diện và có hiệu quả thiết thực. Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Cường đề nghị việc tham gia góp ý phải đề cao trách nhiệm, thẳng thắn, thật thà, trên tinh thần đồng chí thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, tránh hình thức, nể nang nhưng cũng phải tránh tình trạng lợi dụng kiểm điểm để thổi phồng khuyết điểm của nhau, né tránh khuyết điểm của mình, gây mất đoàn kết nội bộ. Qua kiểm điểm, mỗi hạn chế, yếu kém, khuyết điểm của tập thể đều phải rõ địa chỉ trách nhiệm cụ thể; từng Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ phải thật sự tự giác, cầu thị, thẳng thắn, tự soi rọi lại mình trong những hạn chế, khuyết điểm của tập thể, từ đó nhìn nhận trách nhiệm thuộc lĩnh vực mình phụ trách, đảm nhiệm để khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Sau kiểm điểm, các hạn chế, khuyết điểm của tập thể và cá nhân các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ phải được khắc phục nhanh, có hiệu quả rõ nét, nâng cao năng lực lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và đoàn kết, thống nhất cao hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Việc kiểm điểm của tập thể và cá nhân các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ phải nghiêm túc, chân tình, xây dựng và hiệu quả thiết thực, nêu gương cho cấp dưới noi theo, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Ngô Xuân Lịch yêu cầu: Việc tổ chức triển khai kiểm điểm tự phê bình và phê bình cần nghiêm túc, khách quan, thận trọng, thiết thực, bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu đề ra, bám sát vào nội dung, hướng dẫn của Trung ương. Đồng thời đề nghị tập thể và mỗi Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy thấm nhuần, nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI). Kiểm điểm tự phê bình và phê bình lần này là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, là đợt kiểm điểm chuyên đề tập trung vào 3 vấn đề cấp bách mà Nghị quyết đã nêu, thể hiện trách nhiệm chính trị của cán bộ, đảng viên, trước hết là trách nhiệm của cán bộ chủ chốt. Trên cơ sở đó, chuẩn bị ý kiến tham gia với tinh thần đoàn kết, khách quan, cầu thị, thẳng thắn, không nể nang, né tránh, đánh giá đúng những thiếu sót, khuyết điểm. Trong quá trình tự phê bình và phê bình vừa phải giữ đúng nguyên tắc, vừa phải có tính thuyết phục, có lý, có tình, nói thẳng, nói thật, tránh làm lướt, xuê xoa, né tránh; tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để có giải pháp sửa chữa, khắc phục. Những vấn đề nổi cộm, bức xúc đã rõ, đã kết luận thì khắc phục ngay. Những việc chưa rõ thì tiến hành xác minh, kết luận làm rõ… Trong quá trình kiểm điểm, tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau. Kiểm điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là cơ sở cho việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình của các cá nhân. Quá trình kiểm điểm bảo đảm công tác bảo vệ chính trị nội bộ, không để các thế lực thù địch, phần tử cơ hội lợi dụng, kích động, xuyên tạc, chia rẽ nội bộ.

Cùng với việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch, đề ra những giải pháp thiết thực, cụ thể, khả thi để khắc phục tồn tại, nhất là những giải pháp mang tính đột phá, đồng thời phát huy ưu điểm, kinh nghiệm, kết quả đã đạt được, chỉ đạo cấp dưới thực hiện tốt việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Qua kiểm điểm tạo bước tiến bộ mới, lãnh đạo địa phương và nhân dân hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo đời sống nhân dân.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực