Chuẩn bị họp kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIII, ngày 3/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên gồm các ông, bà: Doãn Thế Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Đào Thị Xuân Lan, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đã tiếp xúc với cử tri huyện Văn Giang và huyện Văn Lâm.
Dự tiếp xúc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Minh Ngọc cùng đại diện Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo huyện Văn Giang và huyện Văn Lâm.
|
Ông Doãn Thế Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh (thứ 4 từ trái sang) với cử tri huyện Văn Giang. Ảnh: báo Hưng Yên |
Tại các điểm tiếp xúc, bà Đào Thị Xuân Lan, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đã báo cáo dự kiến nội dung kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIII. Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIII khai mạc vào ngày 21/5 và dự kiến bế mạc vào ngày 21/6/2012. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo bổ sung về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT – XH và ngân sách nhà nước năm 2011; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT – XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012; xem xét, thông qua các nghị quyết chuyên đề về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2010, đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, việc phân bổ 4 dự án vào danh mục các dự án, công trình được phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 – 2015, 5 dự án thành phần thuộc tuyến đường ven biển tỉnh Ninh Thuận và 4 tiểu dự án do Bộ Giao thông – Vận tải quản lý… Về giám sát chuyên đề, Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; xem xét báo cáo kết quả giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công với cách mạng và một số báo cáo kết quả giám sát khác của các cơ quan của Quốc hội; chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét, thông qua 13 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết.
Với tinh thần dân chủ, cởi mở và trách nhiệm, cử tri huyện Văn Giang và huyện Văn Lâm sôi nổi phát biểu bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình và phản ánh những vấn đề liên quan đến đời sống KT – XH. Cử tri các địa phương đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung, sửa đổi một số điều, nội dung của Luật Nghĩa vụ quân sự và Luật Đất đai cho phù hợp với tình hình thực tiễn cuộc sống; xem xét miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với những người thờ cúng liệt sỹ; quan tâm đầu tư cho các địa phương còn nhiều khó khăn về phát triển KT – XH trong triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới; các đại biểu Quốc hội cần tiếp tục đổi mới cách thức tiếp xúc cử tri theo hướng gần dân, tăng cường về cơ sở. Cử tri hai huyện phản ánh nhiều luật được Quốc hội thông qua, Chủ tịch nước công bố nhưng chậm đi vào cuộc sống; kinh phí cho hoạt động của hội người cao tuổi ở cơ sở còn eo hẹp, ảnh hưởng đến hoạt động của hội; tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều khu công nghiệp, khu dân cư chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả…
Tại các điểm tiếp xúc, ông Doãn Thế Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh trân trọng tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của cử tri; đồng thời làm sáng tỏ một số nội dung cử tri phản ánh, kiến nghị.
* Sáng 3/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh gồm các ông, bà: Cù Thị Hậu, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam; Nguyễn Văn Thịnh, Phó trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh đã về tiếp xúc cử tri các huyện Khoái Châu và Yên Mỹ.
Tại huyện Khoái Châu, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp xúc với cử tri 4 xã Tân Dân, An Vĩ, Dạ Trạch, Hàm Tử. Sau khi nghe đại diện đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thông báo tóm tắt dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ 3 sẽ diễn ra trong thời gian từ ngày 21.5-21.6, cử tri huyện Khoái Châu bày tỏ sự phấn khởi, tin tưởng vào các đại biểu Quốc hội tỉnh và kỳ họp thứ 3 của Quốc hội. Với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, các cử tri đã sôi nổi tham gia ý kiến về nhiều lĩnh vực như: đề nghị tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; phản ánh một số bất cập trong quy định về tuyển dụng cán bộ xã, chính sách với giáo dục mầm non, tuyển quân nghĩa vụ quân sự, chính sách đối với cán bộ công an xã…Tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội ở nông thôn đang có những diễn biến phức tạp gây bức xúc trong nhân dân, do vậy các cấp chính quyền, ngành chức năng cần có những biện pháp quyết liệt hơn nữa để trấn áp đối tượng “xã hội đen”, đẩy lùi các tệ nạn cờ bạc, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Nhiều xã đang gặp khó khăn về nguồn lực xây dựng nông thôn mới do đó cần sớm cụ thể cơ chế hỗ các địa phương kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Cử tri xã Dạ Trạch đề nghị tăng cường đầu tư hơn nữa cho nông nghiệp, nông thôn một cách cụ thể và thiết thực hơn, nhất là đổi mới chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng sát hợp với thực tiễn, gắn với xây dựng các vùng chuyên canh rộng lớn, xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản hàng hoá bảo đảm đầu ra, thị trường tiêu thụ cho nông sản. Các cử tri cũng mong muốn các đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và HĐND các cấp tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các cấp chính quyền, sở, ban, ngành, đồng thời đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri rộng mở hơn, tạo điều kiện cho các đại biểu quốc hội tiếp xúc trực tiếp với đông đảo quần chúng nhân dân.
Buổi chiều cùng ngày, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp xúc với đại diện cử tri 17 xã, thị trấn huyện Yên Mỹ. Các ý kiến của cử tri tập trung đề nghị trong tình hình lạm phát, giá hàng hoá tăng cao đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn Nhà nước cần sớm có các biện pháp tăng cường quản lý, bình ổn giá cả hàng hoá, nhất là các loại vật tư nông nghiệp để ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý, hàng giả, hàng kém chất lượng, đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho nông dân. An ninh - trật tự (ANTT) ở nông thôn đang diễn biến phức tạp rất cần các cấp chính quyền, ngành chức năng tăng cường các biện pháp triệt phá các băng, nhóm “xã hội đen”. Về xây dựng nông thôn mới, các xã làm điểm đang triển khai thực hiện trong thời gian gấp rút, nhu cầu nguồn vốn rất lớn trong khi nguồn lực ở các xã hạn hẹp nên trung ương và tỉnh, huyện cần hỗ trợ kịp thời kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới cho các xã. Cử tri cũng đề nghị bỏ một số quy định về nghĩa vụ tài chính đối với hộ dân nông thôn khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở; tăng thẩm quyền của chính quyền cấp xã trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, tiến hành cưỡng chế các trường hợp vi phạm liên quan đến đất đai; có chế tài đối với những đối tượng lợi dụng dân chủ lôi kéo đông người khiếu kiện kéo gây mất ổn định chính trị, ANTT ở địa phương; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng đường 200…
Thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, bà Cù Thị Hậu đã trân trọng tiếp thu các ý kiến kiến nghị của cử tri, giải đáp một số vấn đề thuộc thẩm quyền mà cử tri quan tâm và hứa sẽ phản ánh đầy đủ, chính xác các ý kiến của cử tri với Quốc hội.
* Sáng 3/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm ông Đặng Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng bà Vũ Thị Nguyệt, bác sĩ Bệnh viện Sản – Nhi Hưng Yên đã có cuộc tiếp xúc với đại biểu cử tri của huyện Tiên Lữ. Cùng dự có ông Tạ Hồng Quảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Đại diện đoàn ĐBQH tỉnh, bà Vũ Thị Nguyệt thông báo dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ ba – Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra, kỳ họp sẽ xem xét các nội dung quan trọng về các báo cáo, nghị quyết; trình Quốc hội xem xét thông qua 14 dự án luật và nghị quyết; trình Quốc hội cho ý kiến về 7 dự án luật... Ý kiến cử tri phát biểu tại cuộc tiếp xúc cơ bản đồng tình với dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ ba – Quốc hội khóa XIII, đồng thời nêu một số vấn đề ở cơ sở đang quan tâm hiện nay về: chương trình xây dựng nông thôn mới; về cơ chế tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ công chức; tiêu chuẩn đối với công chức xã; xây dựng xã chuẩn quốc gia về y tế; hoạt động giám sát của HĐND cấp xã… Đại biểu cử tri huyện Tiên Lữ kiến nghị với Quốc hội: có cơ chế cụ thể đối với huy động vốn cho đầu tư xây dựng nông thôn mới, nhất là vốn tín dụng và vốn của doanh nghiệp; có chủ trương, cơ chế thống nhất về việc dồn thửa, đổi ruộng phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới; có cơ chế chính sách phù hợp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong cơ quan Đảng, Nhà nước; xem xét, có cơ chế đồng bộ, thống nhất về chế độ đãi ngộ đối với con của người hưởng chế độ như thương binh đang học ở các trường đại học; cần quy định trách nhiệm rõ ràng trong công tác xây dựng xã chuẩn quốc gia về y tế; quan tâm lãnh đạo xây dựng tổ chức Hội người cao tuổi ở địa phương thống nhất trong toàn quốc, không để tùy thuộc điều kiện của từng tỉnh như hiện nay…
* Buổi chiều cùng ngày, ông Đặng Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng bà Vũ Thị Nguyệt, bác sĩ Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Hưng Yên có cuộc tiếp xúc với đại biểu cử tri của 14 xã, thị trấn trong huyện Phù Cừ.
Tại cuộc tiếp xúc, cử tri huyện Phù Cừ nêu một số vấn đề quan tâm và kiến nghị với Quốc hội một số vấn đề quan tâm: nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới cần rất lớn nhưng hiện nay mới chủ yếu là nguồn vốn do nhân dân đóng góp, đề nghị cho xử lý đất xen kẹp trong khu dân cư để cơ sở có nguồn vốn đầu tư; quan tâm tạo việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học mới ra trường; đầu tư xây dựng các công trình có trọng điểm, tập trung vốn, không để dàn trải gây lãng phí và chậm phát huy hiệu quả đầu tư; công tác tổ chức chúc thọ theo Luật người cao tuổi được tổ chức ở các địa phương cần có sự thống nhất về độ tuổi; sớm có quy định cho thực hiện dồn đổi ruộng, chia lại ruộng đất để bảo đảm cho người mới sinh sau năm 1993 đến nay có ruộng canh tác; quan tâm chế độ cho giáo viên mầm non; nâng mức trợ cấp đối với người có công; xem xét việc tăng giá điện đối với những địa phương chưa bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn về ngành điện quản lý, chất lượng điện thấp…
Thay mặt đoàn ĐBQH tỉnh, ông Đặng Ngọc Quỳnh trân trọng tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các buổi tiếp xúc, hứa sẽ tổng hợp báo cáo những nội dung thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của Quốc hội trong thời gian tới.