Gắn lý luận với thực tiễn ở các trung tâm chính trị tỉnh Hưng Yên

Thứ tư, 17/03/2021 09:41
(ĐCSVN) - Việc kết hợp giữa lý luận với thực tiễn là công việc rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên cơ sở. Trong những năm qua, nhiều Trung tâm chính trị ở tỉnh Hưng Yên làm tốt công này.

Lý luận và thực tiễn có quan hệ biện chứng với nhau. Lênin đã chỉ rõ: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng”. Lý luận là “kim chỉ nam” cho hành động, soi đường, dẫn dắt, chỉ đạo thực tiễn. Lý luận khi đã thâm nhập vào quần chúng thì biến thành sức mạnh vật chất. Ngược lại: Thực tiễn là cơ sở, động lực của lý luận. Thực tiễn còn vạch ra tiêu chuẩn cho lý luận. Thông qua hoạt động thực tiễn, lý luận mới được vật chất hóa, hiện thực hóa, mới có sức mạnh cải tạo thế giới khách quan.

Bác Hồ đã khẳng định: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác – Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”.

Thấm nhuần quan điểm đó nên trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng các Trung tâm chính trị quan tâm việc kết hợp giữa lý luận và thực tiễn. Để làm tốt việc đó, Ban giám đốc các Trung tâm ngay khi xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thực hiện 2 nội dung: Quán triệt tới giảng viên nâng cao tính thực tiễn trong bài giảng mặt khác phối hợp với các đơn vị mở lớp tổ chức đi thăm các di tích, các mô hình tiêu biểu với phương châm xã hội hóa.

 Học viên lớp Đối tượng kết nạp đảng thăm nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên
huyện Văn Lâm ở thôn Tân Nhuế xã Lạc Đạo

Thứ nhất, giảng viên nâng cao tính thực tiễn trong bài giảng

Giảng viên cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị và đưa thực tiễn vào giảng dạy lý luận chính trị như thế nào cho có hiệu quả. Bài giảng có tính thực tiễn sẽ làm cho lý luận trừu tượng, khó hiểu, phức tạp thành những vấn đề gần gũi, giản dị, dễ tiếp thu. Xác định được nội dung nào cần thiết phải liên hệ thực tiễn và đưa ví dụ thực tiễn nào cho hấp dẫn. Nắm vững đối tượng học viên và hoàn cảnh cụ thể của lớp học để liên hệ thực tiễn cho phù hợp. Những yếu tố thực tiễn đưa vào bài giảng phải mang tính điển hình. Phải quan tâm tới các sự kiện thực tiễn mang tính thời sự, đang được xã hội quan tâm nhiều. Mỗi yếu tố thực tiễn đều phải có địa chỉ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đảm bảo tính trung thực. Khi đưa thực tiễn vào liên hệ nên có sự phân tích để người học thấy được thực tiễn đó mang ý nghĩa tích cực hay phê bình để định hướng cho học viên.

Với phương pháp giảng bài powerpoit, nhờ có máy chiếu và các thiết bị hỗ trợ giảng dạy mà các giảng viên Trung tâm chính trị Văn Lâm, Khoái Châu, Yên Mỹ, Kim Động… đã đưa nhiều hình ảnh, đoạn clip thực tiễn trong các lớp làm cho bài giảng rất sinh động, các hình ảnh, âm thanh sống động làm hấp dẫn học viên.

BÁC HỒ nói: “Một tấm gương sống có tác dụng hơn một trăm bài diễn thuyết tuyên truyền”. Với ý nghĩa đó, trong các lớp, Trung tâm chính trị Văn Lâm chọn lọc đưa nhiều tấm gương điển hình. Như lớp Đảng viên mới đưa tấm gương tiêu biểu cô giáo Trần Thị Thúy, Trường THPT Đức Hợp, Kim Động, trong tốp 50 giáo viên toàn cầu. Được chứng kiến hình ảnh, lời cô Thúy nói trong việc giảng dạy của mình, nhiều học viên rất ngưỡng mộ, một cô giáo trường làng đã vươn tầm thế giới, tự hào giáo viên tiếng Anh tỉnh Hưng Yên đạt chuẩn Quốc tế, từ đó nhiều đảng viên trẻ là giáo viên học tập gương cô Thúy, phấn đấu thi đua ngày càng có nhiều giờ dạy giỏi.

Học viên lớp Đảng viên mới thăm nơi thanh lập Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Hưng Yên ở xã Cẩm Ninh, huyện Ân Thi 

 Trong lớp Đoàn thanh niên: Nêu tấm gương thanh niên Phạm Văn Khôi, ở xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ. Năm 2019, anh vinh dự là nhà nông trẻ tiêu biểu của tỉnh Hưng Yên được nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng. Thư viện Hạnh phúc của thanh niên 9X Hoàng Quang Khải ở thôn Đoan Khê, xã Lạc Đạo (Văn Lâm) lập “Thư viện Hạnh phúc” - thư viện miễn phí ngay giữa làng quê. Đến nay, Khải đã sưu tầm được khoảng 800 cuốn sách về các lĩnh vực như: kỹ năng sống, sách thiếu nhi, truyện tranh, truyện ngắn, tiểu thuyết... Thư viện mở cửa phục vụ miễn phí cho độc giả mỗi tuần vào ngày chủ nhật, đã thu hút từ 5 - 20 độc giả/ngày. Thư viện góp phần đẩy mạnh văn hóa đọc ở xã Lạc Đạo và huyện Văn Lâm.

Trong bài giảng ở các lớp Dân Vận, CCB, Phụ nữ, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn… các Trung tâm chính trị nhấn mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới: nhiều tập thể phụ nữ trồng đường hoa, toàn tỉnh đã trồng được trên 2 nghìn đoạn đường hoa với tổng chiều dài gần 560 km. Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” Hội đã đẩy mạnh hoạt động phát triển kinh tế gia đình, nhiều chị em có điều kiện giúp phụ nữ nghèo vay không lấy lãi từ đó đã giúp nhiều chị em thoát nghèo. Nhiều cán bộ Dân vận, hội Phụ nữ, CCB… đã tích cực đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới đồng thời động viên hội viên noi theo.

Trong các bài giảng ở Trung tâm chính trị còn nêu nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi: ở các làng nghề, các mô hình HTX Văn Lâm, như mô hình HTX Hoa Thiên Phú chế biến, kinh doanh dược liệu hiệu quả, mô hình HTX Hoa cây cảnh Xuân Quan, Văn Giang cho thu nhập cao… tuyên truyền, động viên nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho rau màu, cây ăn quả; chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Các ví dụ thực tiễn minh họa bài giảng luôn gắn với tình hình kinh tế - xã hội trong huyện, trong tỉnh. Từ đó các bài giảng góp phần thiết thực cho hội viên các đoàn thể, cán bộ, đảng viên tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do các cấp phát động.

 Học viên lớp Đảng viên mới thăm nhà lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Thứ hai, gắn lý luận với thực tiễn bằng việc tổ chức đi thăm các di tích, các mô hình tiêu biểu

Trung tâm chính trị Văn Lâm quán triệt quan điểm cần gắn lý luận với thực tiễn sinh động bằng việc tổ chức cho cán bộ, giảng viên, học viên đi thăm các di tích lịch sử, các mô hình tiêu biểu. Từ thực tiễn đó sẽ giúp cho giảng viên không mắc bệnh chủ quan, xa rời thực tiễn, qua đó “thổi hồn thực tiễn” vào trong từng bài giảng. Ở Trung tâm chính trị Văn Lâm xác định đây là một hoạt động chuyên môn được duy trì thường xuyên, có vai trò quan trọng, là nguồn bổ sung kiến thức thực tiễn cho bài giảng của mỗi giảng viên, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của Trung tâm. Việc nghiên cứu thực tế của giảng viên, hướng dẫn học viên được đưa vào kế hoạch để thực hiện hàng năm. Duy trì đều đặn việc nghiên cứu thực tế như lớp Đối tượng kết nạp đảng, Trung tâm chính trị tổ chức cho học viên vào thăm nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của huyện Văn Gia Thuận. Qua việc tổ chức cho học viên vào thăm và được nghe giới thiệu về nơi thành lập chi bộ và nơi hoạt động của Xứ ủy Bắc kỳ giúp các em hiểu hơn về truyền thống của Đảng bộ huyện và tỉnh. Lớp Đảng viên mới đi thăm cây đa La Tiến Phù Cừ, thăm Bảo tàng tỉnh Hưng Yên, thăm thôn Ninh Thôn ở xã Cẩm Ninh (Ân Thi) - nơi tổ chức hội nghị thành lập Ban Tỉnh ủy lâm thời Hưng Yên, qua đó, các học viên hiểu rõ hơn lịch sử Đảng bộ tỉnh; thăm nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, em Nguyễn Thu Thảo, lớp Đảng viên mới cho biết: “Qua thực tế, chúng tôi hiểu rõ hơn sự quyết tâm của Đảng ta chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, khuyến khích được các thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng tạo ra sự thi đua phát triển kinh tế xây dựng đất nước đồng thời thấy tự hào người con quê hương là người góp công rất lớn - khởi xướng công cuộc đổi mới của Đảng ta”. Lớp Sơ cấp lý luận chính trị đi thăm Đình Hồng Thái, Cây đa Tân Trào, ATK Thái Nguyên… để giảng viên, học viên hiểu rõ hơn lịch sử Đảng CSVN. Nhiều lớp Trung tâm phối hợp với các đơn vị mở lớp tổ chức cho học viên đi thăm mô hình tiêu biểu ngay trong huyện như lớp MTTQ đi thăm mô hình nghĩa trang nhân thôn Bình Lương xã Tân Quang. Nghĩa trang được quy hoạch xây dựng đẹp, các ngôi mộ xây đúng quy cách đẹp như nghĩa trang liệt sĩ. Qua học tập, đến nay, nhiều thôn triển khai việc xây dựng nghĩa trang nhân dân như ở thôn Bình Lương.

Cán bộ giảng viên Trung tâm chính trị và lớp Đảng viên mới thăm đình Hồng Thái 

Ở Trung tâm chính trị huyện Khoái Châu tổ chức cho học viên đi nghiên cứu nhiều di tích điển hình như khu di tích K9, Đền Hùng, Bạch Đằng Giang… Trung tâm chính trị huyện Yên Mỹ tổ chức cho học viên đi thăm hang Pác Bó, suối Lê nin, cố đô Hoa Lư…Trung tâm chính trị Mỹ Hào tổ chức cho học viên lớp sơ cấp LLCT thăm Thành cổ Quảng Trị…

Các lớp đi thực tế được là do nguồn kinh phí xã hội hóa, tùy theo mỗi lớp có sự khác nhau, đi gần, đi xa, thời gian ít hay nhiều thì việc xã hội hóa khác nhau.

Qua việc thăm các mô hình thực tế góp phần giúp học viên hiểu sâu kiến thức và thấy được ý nghĩa nội dung chương trình đợt học từ đó tạo thuận lợi trong quá trình công tác và vận dụng vào thực tế ở cơ sở mình.

Từ những kết quả đó các Trung tâm chính trị ở Hưng yên duy trì và mở rộng hơn nữa việc kết hợp giữa lý luận và thực tiễn trong những năm tới, nhằm ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ở mỗi Trung tâm chính trị.

 Lớp Sơ cấp LLCT Văn Lâm thăm khu di tích Tân Trào

Cao Văn Khởi - Trung tâm chính trị Văn Lâm, Hưng Yên
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực