(ĐCSVN) - Trong tình hình lạm phát gia tăng, giá hàng hóa dịch vụ không ngừng leo thang, việc thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên thêm 10% trong 9 tháng cuối năm nay theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ càng thêm khó khăn. Song các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến xã ở tỉnh Hưng Yên đang nỗ lực hết sức “thắt lưng buộc bụng” trong khi đó vẫn bảo đảm hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Nhiều cách tiết kiệm được sáng tạo và áp dụng hiệu quả.
Nằm trong tổng thể các giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội năm 2011, việc tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên đang được tỉnh và các cấp sở, ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh quyết liệt thực hiện. Nhằm cụ thể hoá việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Hưng Yên đã tích cực chỉ đạo, triển khai chương trình hành động về một số giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội năm 2011. Trong đó, nhiệm vụ tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên được tỉnh chỉ đạo cụ thể bằng công văn số 243/UBND-KTTH ngày 2.3.2011. Theo đó Sở Tài chính tỉnh đã hướng dẫn cụ thể, tính toán số kinh phí tiết kiệm 10% chi thường xuyên 9 tháng còn lại trong năm 2011 của từng cơ quan, đơn vị khối tỉnh, huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn và thông báo đến từng cơ quan, đơn vị khối tỉnh, huyện, thành phố. Tổng số tiền tiết kiệm thêm từ chi thường xuyên trong toàn tỉnh là 38 tỷ 568 triệu đồng. Trong đó, hơn 100 cơ quan đơn vị cấp tỉnh tiết kiệm 17 tỷ 422 triệu đồng; 10 huyện, thành phố tiết kiệm 14 tỷ 15 triệu đồng và 161 xã, phường, thị trấn tiết kiệm 7 tỷ 131 triệu đồng.
Năm nay, sau khi trừ tiết kiệm 10% trong dự toán ngân sách đầu năm huyện Kim Động phải tiết kiệm thêm 2 tỷ 254 triệu đồng trong 9 tháng cuối năm. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của cấp trên, Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện tham mưu cho UBND huyện xác định cụ thể số tiết kiệm thêm 10% của các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn chi tiết từng khoản. Ngoài các khoản chi giữ nguyên mức dự toán từ đầu năm như lương, phụ cấp có tính chất lương, chi khác cho người lao động theo chế độ thì các khoản chi được các đơn vị tập trung cắt giảm đó là chi phí cho hội nghị, tiếp khách, hạn chế sử dụng điện thắp sáng, điện thoại… Qua hơn 1 tháng thực hiện, các cơ quan đơn vị trong huyện đã triệt để thực hành tiết kiệm. Mặc dù nắng đầu mùa nóng bức nhưng hầu hết các phòng làm việc của huyện đều không dùng điều hòa nhiệt độ mà chỉ dùng 1-2 quạt máy. Tại Văn phòng HĐND-UBND huyện, kế hoạch tiết kiệm chi tiêu hơn 11,7 triệu đồng trong năm nay được tích cực thực hiện bằng việc tiết kiệm điện, nước, giảm lượng công văn, giấy tờ chuyển đi hoặc sử dụng thư điện tử, hoãn mua sắm một số thiết bị làm việc. Anh Nguyễn Văn Hinh, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện cho biết: Tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên, làm kinh phí chi cho hoạt động lại càng hạn hẹp hơn. Đối với nhiều cơ quan, đơn vị đây là một khó khăn không nhỏ. Nhưng trong tình hình đất nước hiện nay việc chung tay kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ cấp thiết không chỉ với từng cơ quan đơn vị mà còn là trách nhiệm của mỗi đảng viên, cán bộ, CNVC. Với nhận thức này, các cán bộ, đảng viên, CNVC trong huyện đã triệt để thực hành tiết kiệm. Trước hết lãnh đạo huyện gương mẫu, có nhiều đồng chí đã chủ động sử dụng xe máy khi địa điểm họp hoặc nơi đến công tác không quá xa. Căn cứ lịch công tác của lãnh đạo huyện, các phòng ban huyện, việc bố trí xe ô tô phục vụ sao cho hiệu quả nhất theo hướng mỗi xe phục vụ nhiều người để giảm thiểu số lượng xe phải sử dụng. Hiện nay, hầu hết các cán bộ, lãnh đạo từ huyện đến các xã, thị trấn đều có hòm thư điện tử. Nhiều thông báo, công văn được gửi qua mạng Internet bảo đảm nhanh chóng, chính xác và góp phần tiết kiệm đáng kể chi phí văn phòng phẩm.
Không chỉ ở huyện mà các xã, thị trấn cũng việc thực hành tiết kiệm cũng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Lãnh đạo UBND xã Phú Cường (Kim Động) cho biết: Xã đã sớm tổ chức, quán triệt phổ biến đầy đủ, kịp thời nội dung của Nghị quyết 11/NQ-CP và các văn bản hướng dẫn thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên trong 9 tháng với tinh thần coi đây là nhiệm vụ cấp bách trong năm 2011. Để tiết kiệm thêm 42 triệu đồng, xã đã rà soát nhiệm vụ chi và tập trung tiết kiệm tối đa trong việc sử dụng điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm; giảm tối đa số lượng hội nghị. Hiện nay, xã đã cắt giảm các máy điện thoại cố định chỉ duy trì 1 máy điện thoại cố định ở bộ phận văn phòng. Các phòng ban của UBND xã thực hiện nghiêm ngặt việc tắt điện khi không làm việc ở trong phòng. Các cuộc họp đảng ủy, UBDN xã mở rộng thành phần tham dự tới các bí thư chi bộ, trưởng thôn, lồng ghép thêm nhiều nội dung cần thảo luận, thống nhất nên mỗi tháng xã có thể giảm được 2-3 cuộc họp.
Theo lãnh đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Yên Mỹ thì việc tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên là nhiệm vụ không thể không thực hiện bởi số tiền tiết kiệm thêm đã được phòng Tài chính Kế hoạch huyện tính toán cắt giảm ngay trên dự toán và Kho bạc nhà nước huyện kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu tiết kiệm của các đơn vị thụ hưởng ngân sách. Để bảo đảm hoạt động chuyên môn, cán bộ, nhân viên trong phòng phải tằn tiện mọi thứ có thể. Trước giá hàng hóa văn phòng phẩm tăng mạnh, nhân viên của phòng phải “liệu cơm, gắp mắm” tìm mua những loại giấy, bút rẻ hơn; in các loại báo cáo, công văn, biểu mẫu trên cả 2 mặt giấy.
Mặc dù các cơ quan, đơn vị trong tỉnh thụ hưởng ngân sách nhà nước đã tích cực thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên nhưng tổng chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước tỉnh, huyện, xã trong 4 tháng đầu năm chưa đạt được kết quả như mong muốn. Để đạt được mục tiêu tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên trong 9 tháng còn lại của năm nay mà vẫn bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn đòi hỏi các cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước cần quyết liệt và sáng tạo hơn nữa trong quá trình thực hiện. Tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước, hiểu đến cùng là tìm cách sử dụng hợp lý nhất, hiệu quả nhất những nguồn lực mà mình có để phục vụ công tác, hoạt động nhiệm vụ chuyên môn. Điều quan trọng là tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức để mỗi cán bộ, công chức người lao động ở tất cả các cơ quan, đơn vị tự giác thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong công việc hàng ngày, ngay từ cơ sở, bảo đảm đúng mục đích, minh bạch, hiệu quả.