Hưng Yên: Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp

Thứ tư, 06/10/2010 21:19

(ĐCSVN) - Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói "Thi đua là yêu nước yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất... Thi đua yêu nước là sức mạnh, là động lực khơi dậy và phát huy nguồn lực to lớn trong truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc ta".

 
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thông ( ngoài cùng bên trái)
kiểm tra sản xuất nông nghiệp
 

Thấm nhuần lời dạy đó, trong 5 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hưng Yên đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện đổi mới các phong trào thi đua yêu nước, luôn coi thi đua là động lực quan trọng cho phát triển, đề ra nhiều giải pháp tích cực để đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong tỉnh phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, góp phần to lớn vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Kết quả từ các phong trào thi đua như "trăm hoa đua nở" trên tất cả các lĩnh vực. Trong sản xuất nông nghiệp, năm 2006 tổng giá trị đạt 3.009,7 tỷ đồng, đến 2009 vươn lên đạt 3.248,6 tỷ đồng; giá trị sản xuất tăng bình quân 3,5%/năm; diện tích lúa chất lượng cao chiếm 45%; năng suất lúa cả năm bình quân một vụ năm 2005 đạt 61,53 tạ/ha, đến năm 2009 đạt 62,7 tạ/ha. Nhiều phong trào thi đua được phát động hiệu quả như phong trào thi đua "Lao động, sản xuất giỏi trong nông nghiệp", phong trào "ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất", phong trào "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng"... đã góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống nông dân được cải thiện đáng kể. Đối với sản xuất công nghiệp năm 2010 dự kiến đạt giá trị 19.850 tỷ đồng tăng 14,5% so với năm 2009, đưa giá trị sản xuất bình quân tăng 21%/năm. Các phong trào thi đua đều gắn liền với các nhiệm vụ trọng tâm của các đơn vị như phong trào: "An toàn, chất lượng, tiết kiệm" trong ngành điện, cơ khí, hóa chất, phong trào "lao động giỏi, lao động sáng tạo" trong các đơn vị sản xuất... Trong xây dựng cơ bản, quản lý giao thông, nổi bật có các phong trào thi đua "Sản xuất kinh doanh giỏi", "Bảo đảm tiến độ, chất lượng, mỹ thuật và an toàn lao động đối với các công trình". Phong trào "Dạy tốt, học tốt, quản lý và phục vụ tốt", "Giữ gìn xe đẹp, xe tốt, lái xe an toàn" của Trường trung cấp nghề Giao thông vận tải. Phong trào "Phát triển giao thông nông thôn" được triển khai rộng khắp với nhiều hình thức góp phần cải thiện mạng lưới giao thông nông thôn toàn tỉnh. Công tác thu, chi ngân sách trong 5 năm qua với phong trào thi đua "cải cách thủ tục hành chính" đã được ngành thuế triển khai thực hiện đồng bộ. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng bình quân trên 15%/năm (năm 2010 dự kiến 3.000 tỷ đồng). Chi ngân sách bình quân đạt 1.800 tỷ đồng/năm bảo đảm đúng chế độ và tiết kiệm, cơ cấu chi hợp lý, chú trọng chi đầu tư XDCB, phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ, lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, việc làm, y tế...

Bên cạnh đó, các phong trào thi đua trên lĩnh vực phát triển văn hóa - xã hội đã giành được nhiều thành tựu quan trọng. Về giáo dục đào tạo, các phong trào "Toàn dân chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo", "Hai tốt", "Hai không"; các cuộc vận động như "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục", "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", "Mỗi thầy cô giáo là tấm gương về tự học, sáng tạo"... đã khích lệ cán bộ, giáo viên và học sinh trong tỉnh thi đua nâng cao chất lượng dạy và học góp phần tạo nên bước phát triển vững chắc của giáo dục tỉnh nhà. Về y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình với các phong trào thi đua "Chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân", thực hiện "12 điều y đức", phong trào học tập gương về y tế tiếp tục được đẩy mạnh, tạo nên những chuyển biến tích cực trong công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu phục vụ nhân dân. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được cụ thể hóa bằng các phong trào thi đua xây dựng "Làng, khu dân cư văn hóa", "Gia đình văn hóa" tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; đã khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đoàn kết trong cộng đồng, khích lệ mọi người cùng chung tay, góp sức xây dựng quê hương. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phối hợp và thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên, tập trung nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước như: phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Từ thiện nhân đạo". Mặt trận Tổ quốc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể duy trì việc quyên góp ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh. Tổ chức tốt việc động viên thanh niên lên đường nhập ngũ và giải quyết việc làm cho các đối tượng bộ đội xuất ngũ trở về địa phương. 100% số Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được phụng dưỡng chu đáo, trên 6.000 sổ tình nghĩa do nhân dân đóng góp được trao tặng đúng đối tượng. Cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" đã đem lại hiệu quả tích cực. 5 năm qua, "Quỹ vì người nghèo" đã thu được trên 14 tỷ 800 triệu đồng, được sử dụng vào các việc như: hỗ trợ các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xây dựng và sửa chữa nhà ở, trợ giúp giống vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ các hộ nghèo trong dịp Tết Nguyên đán... Trong đó hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở là 1.446 căn với tổng số tiền là 4 tỷ 809 triệu đồng, Hưng Yên là tỉnh đi đầu trong xóa nhà tranh tre vách đất trong toàn quốc, hỗ trợ khám chữa bệnh với số tiền là: 349 tỷ 95 triệu đồng... Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Thanh niên lập nghiệp", "Thanh niên tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", "Thanh niên làm theo lời Bác" thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia, ra sức sáng tạo và cống hiến cho sự phát triển của tỉnh và đất nước. Hội nông dân đẩy mạnh triển khai các phong trào "Nông dân thi đua sản xuất giỏi", "Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới". Các mô hình trang trại ngày càng phát triển với quy mô lớn, các mô hình "liên kết 4 nhà", "xây dựng cánh đồng thu nhập cao" đem lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện. Hội LHPN tỉnh triển khai sâu rộng 2 phong trào lớn: "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc" và "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước". Hội cựu chiến binh với phong trào thi đua "Cựu chiến binh gương mẫu, phát huy bản chất truyền thống bộ đội Cụ Hồ", tham gia tích cực, có hiệu quả trên các mặt phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh. Cùng với các phong trào thi đua yêu nước tiêu biểu nêu trên, còn rất nhiều các phong trào khác như: phong trào "Dân vận khéo" do Ban Dân vận Tỉnh ủy phát động; phong trào "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" của Liên đoàn lao động; phong trào thi đua "Tuổi cao gương sáng" của Hội người cao tuổi... Các phong trào thi đua đều gắn chặt với cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", tạo sức lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, khơi dậy phong trào thi đua sâu rộng trong xã hội.

Trong 5 năm qua, cùng với sự phát triển của phong trào thi đua, công tác khen thưởng cũng đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, kịp thời động viên các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước. Việc khen thưởng được các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện theo đúng các quy định của Luật Thi đua khen thưởng, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thi đua khen thưởng và quy định của địa phương, tạo nhiều chuyển biến rõ rệt như: số lượng tập thể và cá nhân được khen thưởng hàng năm tăng lên, đã chú trọng khen các tập thể, khen thưởng đột xuất, theo chuyên đề, quan tâm khen thưởng cho người trực tiếp lao động sản xuất... Quy trình xét khen thưởng bảo đảm tính công khai, dân chủ và tập trung.

Trong 5 năm tới, đất nước và thế giới sẽ có nhiều đổi thay với nhiều thời cơ và thách thức. Toàn đảng, toàn dân và toàn quân tỉnh ta cần đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2010, công tác thi đua khen thưởng cần thiết thực, hiệu quả để góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm (2006 - 2010), thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII và cùng cả nước tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định mục tiêu trong 5 năm tới là: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân; khai thác lợi thế, huy động nguồn lực, chủ động hội nhập, đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế cao, chất lượng và bền vững; xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, mang nét đặc trưng của địa phương; củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng vững chắc để Hưng Yên cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020; với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 12,5%/năm; GDP bình quân đầu người đạt 43,6 triệu đồng vào năm 2015.

Để thực hiện được mục tiêu đó, nhiệm vụ đặt ra cho các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống tổ chức đoàn thể chính trị tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng. Tăng cường, chỉ đạo công tác thi đua, làm cho phong trào thi đua trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, coi việc phát động, tổ chức, thực hiện các phong trào thi đua là biện pháp quan trọng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ của các cấp ủy đảng, chính quyền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, biểu dương người tốt, việc tốt; giới thiệu, bồi dưỡng các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua, khích lệ người lao động phát huy sáng kiến, sáng tạo khoa học, các điển hình tiêu biểu trong phát triển nông nghiệp và các lĩnh vực sản xuất, công tác khác; đổi mới nội dung, hình thức phát động phong trào thi đua theo hướng bám sát nhiệm vụ chính trị, tập trung những nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất trong từng thời gian của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực thi đua khen thưởng, tin học hóa công tác quản lý về thi đua khen thưởng ở các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đi đôi với củng cố hệ thống tổ chức làm công tác thi đua khen thưởng, tăng cường công tác bồi dưỡng nghiệp vụ đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng ở các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; nâng cao chất lượng của công tác khen thưởng từ hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình khen thưởng bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy định; chú trọng xem xét khen thưởng các lĩnh vực trước đây chưa được quan tâm; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng ở các khối thi đua; các cấp, các ngành, các đơn vị kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm sau mỗi đợt thi đua ở các khối vào các dịp sơ, tổng kết chuyên đề, tổng kết năm.

Phương hướng, nhiệm vụ của công tác thi đua khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước những năm tới khá nặng nề. Song, chúng ta tin tưởng rằng với truyền thống đoàn kết, gắn bó, chung sức chung lòng của nhân dân Hưng Yên văn hiến, sự quan tâm giúp đỡ của Đảng, Nhà nước cùng các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Hưng Yên sẽ gìn giữ, phát huy hơn nữa thành tích đạt được, nỗ lực phấn đấu sớm hoàn thành toàn diện những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
 

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực