Hưng Yên: Tọa đàm “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động quần chúng trong tình hình mới”

Thứ tư, 01/08/2012 16:51

Thực hiện kế hoạch của Ban Dân vận Trung ương về việc khảo sát, nghiên cứu xây dựng đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động quần chúng trong tình hình mới” trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI), ngày 31/7, Ban Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức tọa đàm với nội dung “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động quần chúng trong tình hình mới”.

 

 Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: báo Hưng Yên


Các ông: Nguyễn Duy Việt, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng đoàn khảo sát; Doãn Thế Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì tọa đàm. Dự tọa đàm có ông Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; đại diện Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh.

Theo dự thảo báo cáo kết quả lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đối với công tác vận động quần chúng do ông Đỗ Tiến Sỹ trình bày, công tác vận động quần chúng ở tỉnh Hưng Yên những năm qua đã có bước chuyển biến tích cực về nhận thức, nội dung và phương thức hoạt động. Các cấp ủy đảng luôn coi trọng công tác dân vận, quán triệt sâu sắc quan điểm dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, đã đề ra những chủ trương, nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường công tác xây dựng Đảng, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, được các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ. Hệ thống dân vận các cấp đã làm tốt công tác tham mưu giúp cấp ủy ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, chủ động giúp cấp ủy theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác dân vận, quy chế dân chủ ở cơ sở. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, mở rộng hình thức tập hợp nhân dân, hướng về cơ sở. Thông qua các phong trào, các cuộc vận động để thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Tiêu biểu như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Năm 2011, toàn tỉnh đó có 79,1% khu dân cư được công nhận “Khu dân cư văn hóa”; 84,8% số gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Các phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Xây dựng người cán bộ công chức trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, “Nông dân thi đua sản xuất giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước”, các phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”,… ngày càng thu hút đông đảo hội viên, đoàn viên tham gia, mang lại hiệu quả thiết thực. Các hoạt động và phong trào thi đua yêu nước đó gúp phần tích cực xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xoá đói giảm nghèo, bảo đảm ổn định, giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội…

Tuy nhiên, công tác vận động quần chúng còn một số tồn tại, hạn chế như: Nhận thức, quan điểm về công tác dân vận của một số tổ chức đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể chưa thực sự chuyển biến sâu sắc. Công tác dân vận chính quyền còn hạn chế, chưa tạo được sự phối hợp đồng bộ trong hệ thống chính trị làm công tác dân vận. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở một số địa phương còn thiếu đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động. Một số địa phương chưa thực hiện tốt công khai, dân chủ, chưa phát huy đầy đủ tinh thần làm chủ, trách nhiệm làm chủ của nhân dân trong tháo gỡ khó khăn, tham gia giải quyết những bức xúc từ cơ sở.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ kết quả đạt được, bổ sung những giải pháp và các đề xuất, kiến nghị như: Cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề việc làm, đào tạo nghề cho người lao động; nhà ở cho cán bộ, công nhân lao động và người có thu nhập thấp; cơ sở hạ tầng, dịch vụ cho khu công nghiệp và nông thôn… bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Nhà nước tăng cường đầu tư cho các chương trình, dự án cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm việc chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, thu hồi đất để phát triển kinh tế, hạ tầng… cần có cơ chế cụ thể để Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân tham gia giám sát và vận động nhân dân thực hiện.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Doãn Thế Cường, nhấn mạnh: Các quan điểm dân vận của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8B (khóa VI) cần được tiếp tục thấm nhuần và vận dụng linh hoạt trong đội ngũ cán bộ dân vận, cán bộ cơ quan công quyền các cấp. Để công tác vận động quần chúng đạt hiệu quả cao hơn, quan trọng nhất là cần thực hiện tốt công khai, dân chủ, minh bạch; cán bộ, đảng viên phải chăm lo tới đời sống nhân dân; có cơ chế, chính sách phù hợp để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ dân vận các cấp vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ông Nguyễn Duy Việt, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng đoàn khảo sát đánh giá cao công tác vận động quần chúng của tỉnh Hưng Yên những năm qua, đồng thời cảm ơn ý kiến đóng góp, các kinh nghiệm thiết thực trong công tác vận động quần chúng của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và các đại biểu tham dự tọa đàm. Đồng thời cho biết sẽ tổng hợp để đưa vào Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động quần chúng trong tình hình mới”. Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Duy Việt mong đội ngũ cán bộ dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tỉnh Hưng Yên tiếp tục làm tốt công tác vận động quần chúng, góp phần vào công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực