|
Đường Nguyễn văn Linh - thành phố Hưng Yên (Ảnh minh hoạ) |
(ĐCSVN) - Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVII tiến hành trong không khí phấn khởi kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc và những thành tựu quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đạt được sau 14 năm tái lập. Đại hội có nhiệm vụ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh; đề ra mục tiêu nhiệm vụ 5 năm 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Đại hội có ý nghĩa định hướng cho Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ, phát huy lợi thế, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo nền tảng vững chắc để Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.
5 năm qua, cùng với cả nước, tỉnh ta chịu sự tác động không nhỏ của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, đã tác động đến sản xuất và đời sống nhân dân. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương, kế thừa thành tựu của các nhiệm kỳ trước, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên với quyết tâm cao, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh đề ra. Quán triệt quan điểm phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, Đảng bộ tỉnh tập trung trí tuệ, đề ra được những chủ trương, giải pháp đúng, đồng bộ, sát thực tiễn, hợp lòng dân. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền nhạy bén, sáng tạo và kiên quyết, tạo sự đồng thuận cao, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và thế mạnh của từng địa phương. Phát huy lợi thế nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, giáp Hà Nội và các thành phố lớn, giao thông thuận tiện, đất đai màu mỡ, có lực lượng lao động trẻ dồi dào, Đảng bộ tỉnh xác định nhiệm vụ chiến lược là phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ gắn với giải quyết việc làm cho người lao động; phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở, thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; coi trọng chất lượng, hiệu quả tăng trưởng và phát triển bền vững; kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là những hộ nghèo, hộ chính sách. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp phát huy tốt vai trò tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; củng cố, mở rộng tổ chức, phát triển đoàn viên, hội viên; tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước, nhiều cuộc vận động có hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế- xã hội.
Dưới sự lãnh đạo toàn diện và có những giải pháp đồng bộ, phù hợp của các cấp ủy đảng, nhiệm kỳ 2005 - 2010, kinh tế tỉnh ta vẫn duy trì tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 11,74% (mục tiêu Đại hội 13,5%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Năm 2010: Nông nghiệp - Công nghiệp, xây dựng - Dịch vụ đạt: 25%- 44%- 31% (mục tiêu Đại hội: 20%-47%-33%). Thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng (1.110 USD). Thu ngân sách tăng bình quân trên 15%/năm (năm 2010 đạt 3.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 2.400 tỷ đồng). Chi ngân sách bảo đảm đúng kế hoạch, chú trọng chi cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển khoa học công nghệ, các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, việc làm, y tế, giáo dục. Nhờ sớm đề ra và thực hiện xuyên suốt chính sách xóa đói giảm nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, năm 2010 ước còn 3%. Nhiều công trình dự án lớn đã được khởi công, hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả. Hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến, sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm đầu tư, mạng lưới y tế được mở rộng. Các vấn đề xã hội tiếp tục được quan tâm giải quyết, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể có đổi mới, sát thực tiễn hơn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống của nhân dân nhìn chung ổn định và có mặt được cải thiện nâng cao.
Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ coi trọng cả 3 lĩnh vực chính trị tư tưởng và tổ chức. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt kết quả bước đầu, tạo sức lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, khơi dậy phong trào thi đua yêu nước trong xã hội. Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh. Tập trung củng cố, phát triển và xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tập trung giải quyết các cơ sở đảng yếu kém. Bình quân hàng năm, số tổ chức cơ sở đảng đạt TSVM là 81,42% (chỉ tiêu Đại hội 80%), số yếu kém giảm còn 0,6%; đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt trên 71% (hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt trên 12,4%), số vi phạm tư cách giảm còn 0,47%. Phát triển đảng viên mới bảo đảm về chất lượng, tăng tỷ lệ là đoàn viên thanh niên, công nhân, trí thức, trung bình hàng năm kết nạp trên 1.500 đảng viên. Công tác kiểm tra và thi hành kỷ luật của Đảng đã góp phần tích cực giáo dục cán bộ, đảng viên, ngăn ngừa vi phạm, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, củng cố lòng tin trong Đảng bộ và nhân dân. Công tác chính trị tư tưởng, công tác dân vận được đẩy mạnh phát triển, đổi mới và đi vào chiều sâu thiết thực hơn; chú trọng tuyên truyền đường lối đổi mới, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của huyện, cơ sở từ đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Bên cạnh những thành tựu, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI còn bộc lộ một số hạn chế: Sản xuất nông nghiệp quy mô cũng nhỏ, tiêu thụ sản phẩm khó khăn. Số lượng dự án đầu tư vào địa bàn nhiều nhưng đa số quy mô còn nhỏ, nhiều dự án chưa thực hiện đầu tư nhưng xử lý chậm. Lĩnh vực thương mại, du lịch và dịch vụ phát triển chưa tương xứng với lợi thế; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ; công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao thông, thuỷ lợi, xây dựng nông thôn mới chưa có chiến lược dài hạn. Chất lượng giáo dục - đào tạo vẫn còn những mặt hạn chế, chưa đáp ứng kịp yêu cầu của sự phát triển. Công tác bảo vệ chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nhân dân. Tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng văn hóa, nhất là thiết chế văn hóa thể dục thể thao cấp tỉnh còn chậm; chất lượng làng văn hoá, gia đình văn hoá nhiều nơi giảm sút. Tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ở các khu công nghiệp, làng nghề, đô thị và khu vực nông thôn còn bức xúc. Một số vấn đề xã hội như tệ nạn cờ bạc, nghiện hút, tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, biện pháp ngăn chặn thiếu đồng bộ, kiên quyết. Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn những mặt hạn chế; nội dung sinh hoạt chi bộ, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức. Tự phê bình và phê bình ở một số tổ chức đảng còn hình thức, nể nang. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thực sự gương mẫu, tính chiến đấu thấp làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng.
Phát huy những kết quả đạt được, nhận thức rõ những hạn chế, khó khăn, thách thức, đòi hỏi trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ tỉnh phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo nền tảng vững chắc để Hưng Yên cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020. Đảng bộ tỉnh đề ra các mục tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ 2010- 2015 là: Tăng trưởng bình quân năm: GDP tăng 12,5%; giá trị sản xuất: nông nghiệp tăng 4% - công nghiệp tăng 19% - dịch vụ tăng 16%; kim ngạch xuất khẩu tăng 17% (đạt 1 tỷ USD vào năm 2015). Đến năm 2015: Cơ cấu kinh tế: nông nghiệp 17,05% - công nghiệp, xây dựng 50% - dịch vụ 32,95%; thu nhập bình quân đầu người (GDP) đạt 43,6 triệu đồng (tương đương 2.500 USD); tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 6.000 tỷ đồng (trong đó thu nội địa đạt trên 5.000 tỷ đồng); tỷ lệ phát triển dân số giữ mức 1%; 97% hộ đô thị và 87% hộ nông thôn được dùng nước sạch; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn năm 2005) còn 1%; tạo thêm việc làm mới 11 vạn lao động (2,2 vạn/năm); 55% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề; 80% làng, khu phố văn hóa; 85% cơ quan, đơn vị và số hộ đạt gia đình văn hóa; giữ vững kết quả phổ cập tiểu học và trung học cơ sở; 30% trường mầm non, 80% trường tiểu học, 55% trường trung học cơ sở và 30% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia; 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; cơ bản chuẩn hóa đội ngũ cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã; cơ bản hoàn thành các thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh và ở các địa phương. Hàng năm tổ chức cơ sở đảng đạt TSVM 80%; chính quyền cấp xã vững mạnh 80%; đoàn thể đạt vững mạnh 85%. Để đạt được các mục tiêu đó, cần quan tâm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm là:
Tập trung chỉ đạo đồng bộ, toàn diện và quyết liệt trên cả 3 lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện thâm canh, tăng vụ hợp lý, tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất; khuyến khích phát triển với quy mô sản xuất lớn, có công nghệ tiên tiến; gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Đồng thời, quan tâm phát triển nghề, các làng nghề trong nông thôn, các khu cụm công nghiệp để chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tập trung phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên những ngành và sản phẩm công nghệ cao, có nhiều lợi thế, có hiệu quả kinh tế cao, bền vững và thân thiện với môi trường; khai thác có hiệu quả các khu công nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện một số công trình then chốt để tạo thêm động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, như: đường nối với 2 tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình; đường đê tả sông Hồng; Khu đại học Phố Hiến; Dự án Bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch... Phát triển mạnh các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tập trung xây dựng thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của khu vực; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án về phát triển văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, nhất là chương trình đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, quan tâm chăm lo đến các đối tượng chính sách, người già cô đơn, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, nạn nhân chất độc da cam, người nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động. Đấu tranh mạnh mẽ các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy, cờ bạc; giảm thiểu tai nạn giao thông. Nắm chắc tình hình cơ sở, chủ động giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc từ khi mới phát sinh.
Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng cán bộ, đảng viên. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát trong Đảng. Đẩy mạnh đổi mới và nâng cao chất lượng nghiên cứu, quán triệt, cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của cấp ủy cấp trên và tuyên truyền trong nhân dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của từng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên gắn với thước đo là mức độ hoàn thành nhiệm vụ, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, gắn bó mật thiết với nhân dân. Đổi mới nội dung và phương pháp, chủ động nắm bắt tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; coi trọng phương châm hướng về cơ sở, bám sát cơ sở, lắng nghe ý kiến nhân dân. Tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong chương trình của Tỉnh ủy “Về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, giải quyết cơ sở đảng yếu kém”. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ sở. Tạo sự chuyển biến trong công tác phát triển đảng viên ở khu vực nông thôn và thành lập tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp. Tiếp tục phát huy dân chủ trong Đảng, đồng thời phải bảo đảm tính kỷ luật, kỷ cương, nêu cao tinh thần trách nhiệm cá nhân và vai trò người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị. Đề cao tính tiền phong gương mẫu của từng đảng viên, coi trọng việc kiểm tra, giám sát trong Đảng. Hệ thống dân vận của Đảng phải nắm vững tình hình cán bộ, đảng viên, nhân dân, để tham mưu giúp cấp ủy thực hiện tốt công tác dân vận, công tác tôn giáo, vận động nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh.
Với niềm tin và phấn khởi, Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức giành được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, có vị thế xứng đáng trong khu vực và cả nước. Tình hình thế giới và trong nước đang thay đổi nhanh chóng, tạo cho tỉnh ta nhiều thời cơ nhưng cũng không ít thách thức. Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh phát huy thành tựu đã đạt được, tận dụng tốt thời cơ, vượt qua thách thức, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ tỉnh đề ra, xây dựng tỉnh Hưng Yên giàu đẹp, dân chủ, công bằng và văn minh.