Thực hiện Nghị quyết 54 – NQ/TW của Bộ Chính trị: Từng bước khẳng định vị thế Hưng Yên

Thứ năm, 28/07/2011 13:49

(ĐCSVN) - Với lợi thế là một vùng đất có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, có vị trí nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc bộ, giáp thủ đô Hà Nội và các trung tâm công nghiệp lớn, tỉnh Hưng Yên có nhiều điều kiện để tận dụng những cơ hội phát triển của vùng. Điều này càng được các cấp ủy, chính quyền cùng người dân phát huy, cụ thể hóa vào thực tiễn khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54 - NQ/TW ngày 14.9.2005 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết 54).

Ngay sau khi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, trên cơ sở thực tế của địa phương, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thảo luận, quyết định nhiều chủ trương, định hướng quan trọng, đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung vào các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm: đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, nhất là việc quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực có lợi thế gắn liền với quy hoạch phát triển vùng đồng bằng sông Hồng.

Qua hơn 5 năm thực hiện nghị quyết, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả, đáng kể nhất là đã tạo được bước chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Thực tế, trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội, các cấp chính quyền cùng ngành chuyên môn chủ động quy hoạch ngành nghề gắn với mục tiêu phát triển chung của vùng. Các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh đều hướng đến việc xây dựng hệ thống hạ tầng theo hướng hiện đại và liên kết vùng chặt chẽ, khai thác lợi thế về tài nguyên, nguồn nhân lực, trí tuệ của đội ngũ trí thức, doanh nhân, phát huy nguồn lực tổng hợp trong nhân dân để phát triển nhanh và bền vững, khẳng định được vai trò của tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Điều này cũng được thể hiện rõ qua việc tỉnh đã đề xuất với Trung ương phê duyệt nhiều định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Hưng Yên gắn liền với xu thế phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng. Cụ thể như hàng loạt các đề án, dự án đã được Chính phủ phê duyệt như: Đề án xây dựng Khu đại học Phố Hiến để thu hút các trường đại học từ thành phố Hà Nội; Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch vùng; Đề án xây dựng thị xã công nghiệp và dịch vụ Phố Nối; Dự án xây dựng tuyến đường trục của tỉnh nối đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng...

Thực tế sau hơn 5 năm tỉnh tập trung phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Nghị quyết 54 cho thấy nhiều chỉ tiêu, mục tiêu đã được hoàn thành đạt và vượt mức kế hoạch. Tổng sản phẩm xã hội tăng bình quân 11,75%, cơ cấu kinh tế trong các ngành nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ năm 2010 đạt tỷ lệ tương ứng 25% - 44% - 31%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 20 triệu đồng, kim ngạch xuất khẩu 439 triệu USD, thu ngân sách tăng bình quân 23,4%/năm. Lĩnh vực nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp. Giữ ổn định lương thực ở mức 450 kg/người, phát triển được gần 4 nghìn trang trại, gia trại hoạt động hiệu quả, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Diện tích lúa chất lượng cao đạt 45%, chương trình "nạc hóa" đàn lợn, "sind hóa" đàn bò, nuôi cá rô phi đơn tính, sản xuất lúa giống, rau quả chất lượng cao được quan tâm phát triển. Nhiều nghề truyền thống và các loại hình dịch vụ trong nông thôn được khuyến khích phát triển. Chương trình xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, phấn đấu mục tiêu đến năm 2012 sẽ hoàn thành việc lập quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới cho 100% số xã và đến năm 2015 xây dựng 25% số xã, đến năm 2030 có 100% số xã trong tỉnh đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Lĩnh vực công nghiệp phát triển nhanh với nhiều ngành sản xuất có tính động lực, kỹ thuật hiện đại được quan tâm đầu tư. Trong tổng số 14 khu công nghiệp đã được quy hoạch hiện có 5 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, 2 khu đã lấp đầy diện tích. Toàn tỉnh thu hút 850 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn đăng ký tương đương 3,6 tỷ USD, 500 dự án đi vào hoạt động đạt giá trị sản xuất gần 20 nghìn tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển, bình quân mỗi năm có từ 350 - 370 doanh nghiệp mới được thành lập, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến nay có trên 3 nghìn doanh nghiệp hoạt động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng bình quân 22,6%/năm, các dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, vận tải phát triển với doanh thu tăng bình quân 18%/năm. Du lịch bước đầu phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế và liên kết chặt chẽ với các địa phương lân cận. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch được các cấp tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, phản ánh đầy đủ điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và thực trạng phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực...

Quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những năm qua, đặc biệt là khi bắt đầu triển khai theo tinh thần Nghị quyết 54, đã đạt được những thành công nhưng vẫn còn đó những tồn tại, bất cập cần tháo gỡ. Trước mắt tỉnh tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng GDP trên 12,5%, chú trọng chuyển biến về chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh và hiệu quả, bảo đảm phát triển hài hòa kinh tế - xã hội - môi trường. Chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, gắn với phát triển nền kinh tế tri thức, phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Tạo bước phát triển mạnh trong sự nghiệp văn hóa - xã hội, chăm lo tốt đời sống của nhân dân, giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề dân sinh bức xúc. Tăng cường công tác xây dựng và quản lý xây dựng, đẩy nhanh và nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch. Tập trung đầu tư các dự án trọng điểm, dự án lớn và các công trình hạ tầng để thu hút nhiều hơn những dự án đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm, trình độ của cán bộ công chức, cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh. Thực hiện có hiệu quả kế hoạch hành động phòng chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trong thời gian tới, khi Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tỉnh sẽ có căn cứ quan trọng để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm cho việc xây dựng và thực hiện các quy hoạch phát triển ngành. Đồng thời các dự án quan trọng, cấp bách và các dự án đã được phê duyệt như Đề án xây dựng khu đại học Phố Hiến, Quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến được đầu tư, bố trí vốn cùng cơ chế thực hiện hiệu quả trong thực tiễn sẽ là nền tảng để tỉnh ta tiếp tục phát huy vai trò cầu nối quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực