Tìm hướng phát triển cho các làng nghề truyền thống ở Kim Động?

Thứ ba, 02/02/2010 01:02

(ĐCSVN) - Làng nghề truyền thống đã và đang góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Kim Động (Hưng Yên) những năm qua. Tuy nhiên, thời gian gần đây những làng nghề truyền thống có tiếng của huyện như: mây tre đan Quảng Lạc hay sản xuất chăn, ga, gối Cốc Khê… đang phải đối mặt với nguy cơ mai một nếu như không có những hướng đi đúng và sự hỗ trợ tích cực từ phía các ngành chức năng và chính quyền địa phương.

Chúng tôi về thăm thôn Cốc Khê, xã Phạm Ngũ Lão (Kim Động), ngay từ đầu thôn đã cảm nhận được không khí làm việc của người dân, đặc biệt trong những ngày áp tết này. Nằm ven Quốc lộ 39, thôn Cốc Khê vốn nổi tiếng với nghề làm chăn, gối bông từ nhiều thập kỷ. Mặc dù trải qua nhiều khó khăn nhưng người dân trong thôn vẫn lưu giữ được những kỹ thuật làm chăn gối đặc thù và tinh tế đồng thời kết hợp với những thiết bị hiện đại để tạo nên những bước chuyển mạnh mẽ cho nghề truyền thống, làm nên một bộ mặt mới cho làng quê. Thôn Cốc Khê có khoảng 400 hộ dân thì có tới 80% số hộ làm chăn, gối bông. Những tiếng máy rộn ràng, những bàn tay đưa nhanh thoăn thoắt của thợ làm chăn trên những chiếc máy cào, máy dệt tạo ra những tựa bông trắng nõn nà, những chiếc chăn, ga, gối... đủ kích cỡ với nhiều màu sắc đa dạng.

Trước đây, do điều kiện kinh tế khó khăn người dân Cốc Khê làm chăn, gối bông bằng phương pháp thủ công. Để làm một chiếc chăn bông loại tốt phải có hai thợ cùng làm, một ngày chỉ làm được 1-2 chiếc. Hoàn thành một chăn bông phải qua nhiều công đoạn khác nhau, đòi hỏi người thợ phải cần cù, tỉ mỉ và không ngừng sáng tạo. Người dân Cốc Khê đã cải tiến những máy dệt cũ thành những máy làm chăn gối hiệu quả cao đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ của làng nghề từ thủ công sang làm máy móc. Khi có máy, chất lượng chăn nâng cao, sức lao động cũng giảm được giảm nhẹ mà hiệu quả lại cao hơn gấp 2-3 lần. Trao đổi với chúng tôi ông Trần Xuân Đểnh, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Những năm thập niên 80 của thế kỷ trước, sản phẩm của làng nghề Cốc Khê có nhiều khó khăn trong quá trình phát triển do nhu cầu thị trường. Kể từ năm 1990 đánh dấu phát triển rực rỡ trong phát triển sản phẩm của làng. Nắm bắt tốt nhu cầu người tiêu dùng, sản phẩm của người Cốc Khê cũng ngày một đa dạng. Ngoài chăn, gối là những sản phẩm truyền thống làng còn phát triển làm ga, đệm bông... Đặc biệt để cạnh tranh kịp trên thị trường, từ khi được công nhận làng nghề từ năm 2005, người dân Cốc Khê đã có một sự vươn lên trong công nghệ làm sản phẩm.

Đến thăm Công ty TNHH Thương mại sản xuất Đường Loan, một trong những doanh nghiệp sản xuất chăn, ga, gối, đệm lớn nhất trên địa bàn thôn Cốc Khê hiện nay, ông Vũ Văn Đường, giám đốc công ty cho biết: Để bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của quê hương, những năm gần đây nhờ có sự hỗ trợ và tạo điều kiện của chính quyền địa phương nên gia đình tôi đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động với mức thu nhập bình quân 1,5-2 triệu đồng/tháng. Do có máy móc công nghệ lại kết hợp với những kỹ thuật truyền thống nên năng suất, sản phẩm cao hơn trước kia nhiều lần. Trước đây, 2 thợ bông làm được 1-2 chăn/ngày thì hiện tại làm đươc 90 -100 chăn bông/ngày. Chất lượng chăn cũng không ngừng tăng cao, nếu làm thủ công thì chỉ có giá trị 50 - 60 nghìn đồng/chăn thì đến nay giá trị đã lên tới 300- 400 nghìn đồng/chăn. Đặc biệt trong những ngày cuối năm, trong tiết đông lạnh giá này thì lượng sản phẩm sẽ gấp 3-4 lần ngày thường. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của làng nghề cũng không ngừng được mở rộng, hiện nay công ty có hàng chục đại lý trong toàn quốc, ngoài thị trường trong nước sản phẩm còn được xuất sang một số nước Đông Nam Á như Lào, Campuchia...

Khác với không khí nhộn nhịp, sôi động ở làng nghề sản xuất chăn, ga, gối Cốc Khê, ở làng nghề mây tre đan ở thôn Quảng Lạc, xã Phú Thịnh có vẻ “trầm” hơn, bởi vì những năm gần đây đã gặp không ít khó khăn khi chuyển đổi cơ chế. Được công nhận làng nghề từ năm 2006, nhưng sản phẩm mà làng nghề Quảng Lạc đưa ra thị trường chủ yếu là những thứ dân dã phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, nguyên liệu cung cấp cho làng nghề là cây giang và cây mây. Hiện nay ở Quảng Lạc mô hình sản xuất theo hộ gia đình vẫn là chủ yếu, vì thế việc tiêu thụ sản phẩm lại phải thông qua một số khâu trung gian. Nghề mây tre đan có ưu điểm là vốn ít, tận dụng được lao động phụ đặc biệt là trẻ em và người già. Những năm trước, nghề truyền thống đã mang lại cho Quảng Lạc những lợi ích kinh tế rõ rệt không thể phủ nhận được. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do tác động của suy thoái kinh tế, các đơn đặt hàng sản xuất mây tre giảm hẳn, người lao động cũng lâm vào cảnh thiếu việc làm. Anh Đặng Văn Huệ, chủ một cơ sở làm nghề mây tre đan cho biết: Từ giữa năm 2008 đến nay, các hợp đồng đặt hàng làm mây tre đan xuất khẩu của thôn đã giảm đi đáng kể, tình trạng này khiến cho đời sống của người làm nghề gặp rất nhiều khó khăn, việc làm cho người lao động giảm. Hiện tại, thôn Quảng Lạc có 250 hộ dân, thì có tới 60% các hộ có người lao động làm nghề mây tre đan. Nhà nhiều thì 5 đến 6 người, nhà ít thì 2 đến 3 người. Anh Huệ bảo: “Gia đình tôi đã hơn 50 năm làm nghề mây tre đan, nhưng chưa bao giờ lại lâm vào cảnh khó khăn như hiện nay. Các sản phẩm không có đầu ra khiến cho lao động làng nghề phải nghỉ việc hàng loạt”. Trước đây khi kinh tế ổn định, các đơn hàng nhiều thì mỗi ngày có hàng trăm lao động làm thô ở các cơ sở để hoàn thiện sản phẩm đem xuất khẩu. Nhưng hiện nay, do không có đơn hàng nên mọi người phải chuyển đi làm nghề khác để kiếm sống. Hoặc nếu có cũng chỉ làm một số sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt đem ra chợ bán kiếm đồng rau, đồng dưa... Thời buổi khó khăn nhưng vì giữ chân bạn hàng và uy tín của làng nghề nên nhiều khi đành phải cố làm. Nhưng vốn ít, trong khi vay ngân hàng lại khó nên chúng tôi càng gặp khó khăn hơn trong việc tạo việc làm cho người lao động...Khó khăn chung, nhưng nếu cứ kéo dài tình trạng ảm đạm của làng nghề như hiện tại không ai dám chắc về sự tồn tại và phát triển của làng nghề. Hy vọng rằng trong thời gian tới chính quyền địa phương, các cấp, các ngành của tỉnh hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi có thể vực dậy và phát huy nghề truyền thống mạnh mẽ hơn nữa.

Bà Chu Thị Hiếu, trưởng phòng Công thương huyện Kim Động cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện có 3 làng nghề nhưng chỉ có 2 làng nghề: Làng nghề sản xuất chăn, ga gối ở Cốc Khê và làng nghề rượu Trương Xá, xã Toàn Thắng được duy trì và có bước phát triển khá tốt, còn lại làng nghề mây tre đan ở Quảng Lạc thì sản phẩm vẫn chủ yếu được tiêu thụ theo lối nhỏ lẻ, giá cả lên xuống theo mùa, vì đa số người dân làm nghề đều phải tìm hướng bao tiêu sản phẩm. Chính vì vậy để tháo gỡ những khó khăn cho những làng nghề, thời gian tới cần có sự hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành và địa phương để định hướng, quy hoạch tổng thể, lâu dài nhằm phát triển làng nghề ở Kim Động, đồng thời giúp các làng nghề tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, nâng cao năng lực quản lý; hỗ trợ đào tạo, sử dụng nguồn quỹ khuyến công để đầu tư trang thiết bị hiện đại bên cạnh đó tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng một số doanh nghiệp hạt nhân tại làng nghề và kêu gọi các nhà doanh nghiệp đầu tư sản xuất nghề truyền thống...

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực