Hưng Yên: Làm kinh tế hiệu quả từ nghề chế biến bột sắn dây

Thứ tư, 15/02/2012 16:39

Nhận thấy được hiệu quả kinh tế do nghề chế biến bột sắn dây mang lại, nhiều hộ gia đình trên địa bàn các xã Phương Chiểu (Tiên Lữ), Liên Phương, Quảng Châu và phường Hồng Châu … (thành phố Hưng Yên) và một số xã lân cận đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất chuyển sang làm chế biến bột sắn dây.

Đã thành thông lệ, cứ vào khoảng tháng giêng đến hết tháng hai âm lịch, các hộ chế biến bột sắn dây lại tất bật khởi động vụ sản xuất mới. Chẳng biết nghề chế biến bột sắn có tự bao giờ, chỉ biết đến mùa, nhà nào cũng làm dăm ba cân để phục vụ nhu cầu của gia đình chứ ít ai nghĩ rằng có thể làm giàu từ nghề này. Thực tế, nghề chế biến bột sắn dây không đòi hỏi vốn đầu tư cao, nguyên liệu dễ thu mua lại tận dụng được lợi thế về nguồn lao động nông nhàn. Thông thường, mỗi vụ chế biến bột sắn dây kéo dài từ 1-2 tháng, thời gian tuy ngắn nhưng hiệu quả kinh tế do nó mang lại là không hề nhỏ. Nhận thấy đây là hướng làm ăn có hiệu quả, nhiều hộ gia đình đã đầu tư mở rộng sản xuất với sản lượng lớn. Về xã Phương Chiểu dịp này thấy được không khí lao động thật nhộn nhịp. Ghé qua các cơ sở chế biến, mọi người ai cũng bận rộn với công việc của mình, người nhanh tay rửa củ, người thoăn thoắt cạo vỏ, xay bột, lọc bột. Năm nay, cả xã có khoảng 25 hộ làm nghề, mỗi hộ có từ 10-20 lao động với mức thu nhập từ 2,5 – 3 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi ngày các cơ sở chế biến được hàng chục tấn củ tươi. Hết vụ, hộ làm ít cũng được vài tạ bột, hộ làm nhiều cũng được vài tấn như gia đình anh Vũ Văn Quyến, Vũ Văn Học, Bùi Văn Sơn, Nguyễn Văn Minh.... Hàng sản xuất ra đến đâu được thu mua hết đến đó. Với giá bán từ 90-100 nghìn đồng/kg như hiện nay thì mỗi hộ cũng lãi được khoảng 40 triệu đồng/vụ. Bột sắn dây xã Phương Chiểu đã có mặt ở khắp các thị trường như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu... Anh Vũ Văn Học (thôn Phương Thượng, xã Phương Chiểu) cho biết: “ Gia đình tôi đã mở rộng quy mô sản xuất được 4 năm. Mỗi vụ gia đình tôi sản xuất 3 – 5 tấn bột tinh. Sản phẩm bột sắn dây ngày càng được nhiều người tìm đến nên chúng tôi rất yên tâm về đầu ra cho sản phẩm". Để có một mẻ bột sắn dây thơm ngon, tinh khiết thì quả là công phu và mất nhiều thời gian, công sức, đòi hỏi sự cẩn thận, khéo léo của người làm nghề. Nguyên liệu để làm bột sắn là củ sắn dây chủ yếu được mua ở các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang... Theo kinh nghiệm của những người làm nghề thì củ sắn có hàm lượng tinh bột cao là những củ mỏng vỏ, to đều. Sắn thu mua về phải được sơ chế và chế biến ngay thì mới giữ được hàm lượng tinh bột và bột không bị thâm đen. Sắn phải được rửa và cạo sạch vỏ, đây là khâu quyết định để bảo đảm vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm. Sắn sau khi rửa sạch được cho vào xay rồi lọc bã qua 4-5 lần nước cho hết bã và cặn. Nước để lọc bột phải là nước sạch. Đặc biệt không được sử dụng chất tẩy rửa trong quá trình ngâm bột, làm vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bột. Trước kia, tinh bột sau khi lắng xuống, được chắt nước rồi phơi khô nhưng ngày nay do sản xuất với số lượng lớn nên tinh bột sắn thường được sấy khô bằng lò điện hoặc lò than. Khi sấy, tinh bột sắn được bao quanh bằng một lớp giấy để bảo đảm vệ sinh. Quá trình sấy kéo dài từ 80-90 tiếng với mức nhiệt vừa phải. Nhiệt quá cao sẽ làm bột sắn chín ngay trong quá trình sấy, nhiệt thấp quá sẽ khiến bột sắn bị vón cục, ảnh hưởng đến chất lượng bột. Bột được sấy khô sẽ tự vỡ ra thành các mảnh trắng tinh khiết như được bao phủ bởi lớp tuyết mỏng. Cuối cùng, bột sắn thường được ướp hoa bưởi để tạo hương. Hiện nay nhiều hộ gia đình đã “cơ giới hóa” nhiều công đoạn sản xuất như rửa củ, xay bột, sấy khô khiến năng suất và chất lượng sản phẩm đều được nâng cao.

 

 Sản xuất sắn dây. Ảnh: báo Hưng Yên


Tuy không sản xuất theo quy mô lớn như các hộ gia đình trên địa bàn xã Phương Chiểu nhưng ở các xã lân cận như Liên Phương, Quảng Châu, phường Hồng Châu... nghề chế biến bột sắn dây cũng mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình. Tại xã Liên Phương cũng có gần chục hộ sản xuất với quy mô từ 4-6 tạ/vụ như hộ bà Nguyên, bà Nét (thôn An Chiểu 2), chị Sen (thôn An Chiểu 1)... Gần chục năm làm nghề, chị Hằng (đường Phố Hiến, phường Hồng Châu) đã tạo được uy tín và thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình bởi chất lượng. Chị Hằng cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ đến vụ gia đình tôi lại thuê thêm 3-5 người cùng với các thành viên trong gia đình tất bật sản xuất. Mỗi vụ sản xuất khoảng 5 tạ hàng nhưng cũng chỉ đủ để bán cho những khách hàng quen trong tỉnh chứ không đủ hàng để bán sang các tỉnh bạn.”

Vào những ngày này, cửa hàng xay bột sắn của bác Dương Thị Thắm (thôn 2, xã Quảng Châu) lúc nào cũng tấp nập người ra vào. Bác Thắm cho biết: “Từ đầu vụ sắn, gia đình tôi phải mở cửa hàng từ sáng sớm và nghỉ rất muộn, huy động mọi thành viên trong gia đình mới kịp phục vụ nhu cầu say sắn làm bột của bà con trong xã. Cao điểm có ngày gia đình tôi xay thuê được trên 2 tấn sắn tươi”. Được biết, trên địa bàn xã có rất nhiều hộ tham gia chế biến bột sắn dây nhưng quy mô sản xuất còn hạn chế, chủ yếu chỉ bán lẻ phục vụ thị trường trong tỉnh nên các hộ chưa đầu tư mua sắm máy móc.

Nghề chế biến bột sắn dây là nghề thời vụ mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình, có thị trường ổn định, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông nhàn. Tuy nhiên, hiện nay việc sản xuất, chế biến bột sắn dây chủ yếu do tự phát, các hộ sản xuất tự tìm thị trường tiêu thụ. Do đó, để nâng cao hiệu quả kinh tế do nghề mang lại thì cần phải có giải pháp thỏa đáng từ việc sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm, giúp các hộ sản xuất gắn bó lâu dài với nghề. Đồng thời, vấn đề bảo đảm VSATTP, giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường cũng cần được quan tâm đúng mức.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực