|
Phơi hương ở thôn Cao, xã Bảo Khê, TP Hưng Yên. Ảnh: báo Hưng Yên |
Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên hiện có hơn 60 làng nghề, trong đó có nhiều làng nghề sản xuất những sản phẩm đặc trưng của ngày Tết.
Về các làng nghề những ngày này, không khí sản xuất trở nên rộn rã, hối hả hơn, những chuyến xe vào ra tấp nập để lấy hàng đưa đi khắp nơi phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh đón Tết Nguyên đán.
Mới về tới đầu xã nhưng chúng tôi dễ dàng bắt gặp những chiếc ô tô nối đuôi nhau vào – ra thôn Cao, xã Bảo Khê (thành phố Hưng Yên) để lấy hàng và chở nguyên vật liệu đến cho các hộ sản xuất. Mùi hương thoang thoảng của trầm, của các loại thảo mộc… khiến cho bất kỳ ai khi đi qua đây đều cảm thấy dễ chịu. Theo một số người cao tuổi của thôn cho biết: nghề sản xuất hương ở đây đã có từ rất lâu, chủ yếu là làm hương xạ. Mặc dù ở trong tỉnh cũng có một số nơi sản xuất hương, nhưng riêng hương thôn Cao có mùi thơm đặc trưng, nhẹ mà thanh, không sực nức nhưng phang phảng rất lâu, do vậy dù đã trải qua bao thăng trầm nhưng hương thôn Cao đến nay vẫn giữ vững và phát triển không ngừng.
Ông Nguyễn Văn Hải, trưởng thôn Cao cho biết, toàn thôn có hơn 200 hộ nhưng có tới 70% số hộ tham gia sản xuất hương, trong đó có 90 hộ được công nhận hộ làm nghề. Sản phẩm hương của thôn đa dạng từ hương vòng to, vòng nhỏ, hương nén đến hương sào. Nguyên liệu chủ yếu để làm hương là dây keo được mua từ Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hóa. Dây keo được nghiền thành bột sau đó trộn với các loại thảo mộc như hoàng đàn, bạch chỉ, đinh hương, xuyên quy… Mỗi hộ sản xuất có một bí quyết riêng, nhưng tựu chung lại là do cách pha chế để tạo ra những mùi hương khác nhau. Để tiết kiệm công lao động và tạo năng suất cao, các hộ sản xuất đã liên kết tạo ra sự chuyên môn hóa từng khâu sản xuất, có hộ chuyên cung cấp nguyên vật liệu, hộ chuyên nghiền các loại bột, hộ chuyên làm hương… Hương ở đây sản xuất quanh năm nhưng từ tháng 8 âm lịch hàng năm là bước vào mùa sản xuất rộ nhất để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội sau tết. Hiện nay từ sản xuất hương đã mang lại doanh thu cho xã gần 20 tỷ đồng/năm.
Về thôn Cao những ngày giáp tết mới thấy không khí làng nghề thật náo nhiệt. Ngay từ ngoài quốc lộ 39A đã thấy san sát những gian hàng bầy bán hương. Trong làng khung cảnh lao động, sản xuất diễn ra khẩn trương, từ em nhỏ đến người già ai nấy đều tất bật với nghề sản xuất hương để kịp cho những chuyến hàng đưa đi phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh đón tết.
Về thôn Lại Trạch, xã Yên Phú (Yên Mỹ) – làng nghề chuyên sản xuất miến dong vào một ngày cuối năm, thấy được không khí sản xuất thật rộn rã. Sau những ngày mưa phùn kéo dài, đúng ngày Tết ông Công, ông Táo trời tạnh lại có chút hửng nắng, nên ngay từ sáng sớm, trên những tấm phên tre đã được người dân trải đầy miến để phơi ở khắp các cánh đồng xung quanh làng nghề. Ông Đỗ Xuân Phụng, trưởng thôn Lại Trạch cho hay, hiện làng nghề có gần 30 hộ tham gia sản xuất miến. Miến ở đây sản xuất quanh năm và được đưa đi tiêu thụ ở nhiều địa phương trong tỉnh và cả một số tỉnh lân cận. Từ khoảng tháng 9 âm lịch hàng năm, các hộ bắt đầu sản xuất hàng phục vụ tết, sản lượng thường tăng gấp 3 đến 4 lần so với ngày thường. Chỉ tính riêng hai tháng cuối năm, trung bình mỗi hộ sản xuất đưa ra thị trường khoảng 100 tấn miến các loại. Chị Nguyễn Thị Thái, một người buôn miến Lại Trạch lâu năm cho biết: miến Lại Trạch có những nét đặc trưng mà miến ở những nơi khác không có như sợi miến dai, giòn, độ nở ít nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Hàng năm vào dịp tết, nhiều khách quen đến đặt hàng với chị để mua miến trước cả tháng, có người đặt mua vài chục cân để ăn và đi biếu. Vì vậy vào dịp tết, riêng chị Thái đã thu mua vài tấn miến Lại Trạch. Năm nay giá miến tăng khoảng 10 – 15% so với cùng kì năm trước do chi phí sản xuất, giá nhân công tăng. Dù giá tăng nhưng miến Lại Trạch vẫn được tiêu thụ rất chạy, các hộ sản xuất đều phải huy động mọi nhân lực để phục vụ cho mùa sản xuất cuối năm.
Như thành truyền thống, ngày Tết trong nhiều gia đình, một thứ không thể thiếu đấy là món mứt. Đến làng nghề chế biến nông sản Phương Trung, xã Phương Chiểu (Tiên Lữ) ngay từ đầu làng đã thấy mùi thơm của trái cây quyện với mùi đường, mật khiến ai qua đây cũng cảm thấy hấp dẫn và muốn dừng chân vào làng để thưởng thức hương vị đặc biệt này. Trong các cơ sở chế biến mứt, mỗi người một việc, người chọn nguyên liệu, người ướp đường, người đảo bếp… tất cả đều khẩn trương để kịp cho ra lò những mẻ mứt đưa ra thị trường đón tết. Ngoài mứt táo là mặt hàng chủ lực, mấy năm gần đây do nhu cầu của thị trường nên các hộ làm nghề đưa vào chế biến thêm các loại ô mai như sấu, mơ… để có thu nhập và tạo việc làm quanh năm. Theo trưởng thôn Phương Trung Nguyễn Văn Lương thì năm nay số hộ làm mứt có giảm hơn so với mọi năm do giá nguyên liệu tăng, thuê công lao động cao, cùng với đó làm mứt vất vả, đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì, do vậy một số hộ đã bỏ nghề. Nhưng với giá mứt hiện nay là gần 40 nghìn đồng/kg, những hộ vẫn giữ nghề thì vụ làm mứt này cũng ước tính cho thu lãi từ 20 – 30 triệu đồng.
Dịp Tết, không chỉ có những làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm hối hả vào mùa mà trong dịp này, ở những địa phương trồng cây cảnh, cây thế như Khoái Châu, Văn Giang cũng rộn ràng vào vụ. Những chiếc xe tải vào ra tấp nập để vận chuyển hàng đưa đi khắp nơi phục vụ nhân dân trong dịp tết. Ông Dương Đức Nụ, xã Mễ Sở (Văn Giang) vừa chuyển những cây quất lên xe cho kịp chuyến hàng vừa cho biết: gia đình ông trồng 4 sào quất cảnh. Năm nay giá quất cảnh cao hơn so với mọi năm, loại cây trung bình từ 300 – 400 nghìn đồng/cây, còn những cây đẹp, cây thế cũng có giá vài triệu đồng, vì vậy với 4 sào quất cảnh, trừ chi phí, mỗi sào cũng cho thu lãi khoảng 40 triệu đồng.
Mỗi làng nghề, mỗi vùng quê có một sản phẩm, thế mạnh đặc trưng, nhưng cùng hướng tới là phục vụ thị trường vào dịp Tết. Với mỗi làng nghề, việc sản xuất sôi động, tiêu thụ sản phẩm nhanh chính là góp phần mang đến một cái tết sung túc, đầm ấm cho những hộ sản xuất, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tạo niềm phấn khởi để họ chuẩn bị cho vụ sản xuất mới.