Phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, phấn đấu xây dựng Phù Cừ ngày càng giàu mạnh, văn minh

Thứ năm, 03/05/2012 17:52

 

 Một góc Phù Cừ. Ảnh: báo Hưng Yên

Phù Cừ là huyện nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Hưng Yên; phía Nam giáp huyện Hưng Hà và Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình); phía Đông giáp huyện Thanh Miện (tỉnh Hải Dương); Phía Tây giáp huyện Tiên Lữ; Phía Bắc giáp huyện Ân Thi. Với diện tích đất tự nhiên 9.382,33ha, trong đó hơn 6.500ha đất nông nghiệp.

Dân số của huyện có gần 80.000 người, được phân giới thành 14 xã, thị trấn; 54 thôn. Về giao thông có sông Luộc là đường phân giới tự nhiên với tỉnh Thái Bình. Có quốc lộ 38B, đường 201, 202 hợp với hệ thống giao thông nông thôn được nâng cấp và cải tạo, làm cho Phù Cừ có địa thế quan trọng về quân sự và phát triển kinh tế - văn hóa với các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân Phù Cừ vừa chinh phục thiên nhiên vừa chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương, đất nước, xây dựng xóm làng trù phú, hình thành nên truyền thống văn hoá lịch sử, xứng đáng là quê hương của Lưỡng quốc Trạng nguyên Tống Trân- người được cả nước biết đến về sự học rộng tài cao, nhân nghĩa vẹn toàn. Tổng kết 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, đảng bộ và nhân dân Phù Cừ cùng 7 xã của huyện (Tống Phan, Quang Hưng, Phan Sào Nam, Minh Tân, Đoàn Đào, Tam Đa, Nguyên Hòa) đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược”. Truyền thống quí báu đó tiếp tục được Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện nhà phát huy trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước sau này, nhất là từ sau ngày tái lập huyện (01/5/1997).

Năm đầu tái lập, huyện nằm trong bối cảnh khó khăn, thách thức của một huyện thuần nông, xuất phát về kinh tế thấp: Nông nghiệp chiếm tới gần 70% trong cơ cấu kinh tế của huyện (NN-CNXD - TMDV: 69,74% - 9,89% - 20,47%); thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt xấp xỉ 2 triệu đồng/người/năm; giá trị thu nhập bình quân trên ha đất canh tác đạt 15 triệu đồng...

Làm thế nào để huyện phát triển đi lên, đó là những băn khoăn, trăn trở mà qua các nhiệm kỳ Đại hội XXI; XXII; XXIII; XXIV của Đảng bộ huyện luôn thể hiện quyết tâm bằng các giải pháp được đề ra trong các Nghị quyết và Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ huyện và bằng những chủ trương việc làm cụ thể thiết thực. 15 năm tái lập, thì liên tục 10 năm gần đây, năm nào Ban Thường vụ Huyện uỷ cũng bàn bạc và cho chủ trương hỗ trợ các dự án phát triển kinh tế xã hội, đây thực sự là một động lực thúc đẩy kinh tế xã hội của huyện phát triển. Với tinh thần đồng tâm hiệp lực, đoàn kết một lòng, biến không thành có, biến khó thành thuận lợi; biết khơi dậy và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, bằng những chủ trương biện pháp đúng đắn, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự giúp đỡ có hiệu quả của các sở, ban ngành,đoàn thể tỉnh, sự chung tay góp sức của con em quê hương và bạn bè gần xa…, Đảng bộ, quân và dân trong huyện đã nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao không ngừng vươn lên giành kết quả khá toàn diện, đồng đều và vững chắc đó là: Kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao đạt bình quân 13%/năm. Đến năm 2011, cơ cấu kinh tế của huyện đã có sự chuyển biến rõ rệt: NN-CNXD - TMDV: 38% - 30% - 32%; thu nhập bình quân đầu người vượt lên đạt 20,51 triệu đồng; giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác đạt 70 triệu đồng; tổng thu ngân sách đạt trên 171 tỷ đồng, tăng 38 lần so với năm 1997.

Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội đạt được những thành tựu đáng mừng: Chất lượng giáo dục được nâng lên, số học sinh giỏi cấp tỉnh, học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng tăng mạnh qua các năm. Nếu như năm 1997 chỉ có 92 học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng thì đến năm 2011 có 336 học sinh thi đỗ vào các trường đại học, tăng hơn 3 lần. Toàn huyện có 16 trường đạt chuẩn quốc gia, khi mới tái lập chưa có trường nào đạt chuẩn. Từ một huyện có tỷ lệ giáo viên dưới chuẩn cao, đến nay, 100% cán bộ quản lý và hầu hết giáo viên đứng lớp ở bậc Tiểu học, THCS, THPT đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được coi trọng, 14/14 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Chủ động thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hiện còn dưới 1%. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục phát triển, nếu năm 1997, toàn huyện có 3 làng được công nhận làng văn hóa, đến nay toàn huyện có 52/54 làng đạt danh hiệu làng văn hóa, 59/65 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa, trên 95% số hộ đạt gia đình văn hóa.

Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, chương trình giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, của cộng đồng xã hội, đạt hiệu quả tích cực. Từ năm 1997 đến năm 2005, huyện đã xóa hết 2246 nhà tranh vách đất, được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ghi nhận; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm. Các hoạt động nhân đạo, từ thiện, đền ơn, đáp nghĩa, uống nước, nhớ nguồn được quan tâm sâu sắc và đã trở thành nếp sống văn hóa, nghĩa cử cao đẹp của người Phù Cừ.

Bên cạnh đó, Đảng bộ huyện luôn quan tâm chăm lo làm tốt công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các ban ngành đoàn thể trong hệ thống chính trị. Năm 1997, có 23/30 tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, đạt trên 76%, trong đó còn có chi, đảng bộ yếu kém, đến năm 2011 có 31/34 tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, đạt trên 91%, không còn tổ chức cơ sở đảng yếu kém từng mặt; có gần 4000 lượt đảng viên được tặng huy hiệu Đảng. Khi tái lập huyện, chỉ có 8/14 chính quyền trong sạch vững mạnh đạt trên 57%, năm 2011 đã có 100% chính quyền đạt trong sạch vững mạnh, không còn chính quyền cơ sở yếu kém từng mặt. Chính quyền cấp huyện nhiều năm gần đây đạt chính quyền trong sạch vững mạnh, được UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc. Năm 2010, Đảng bộ và nhân dân huyện Phù Cừ vinh dự được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, hội quần chúng hoạt động khá đồng đều và hiệu quả. Nhiều năm được cấp trên khen thưởng và tặng cờ thi đua đơn vị dẫn đầu vì có thành tích xuất sắc, 3 đoàn thể của huyện được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba.

Từ thực tiễn 15 năm đã giúp Đảng bộ và nhân dân Phù Cừ có thêm nhiều kinh nghiệm cho chặng đường phát triển tiếp theo. Trước hết, phải luôn quán triệt nghiêm túc và sâu sắc đường lối quan điểm, nghị quyết của Đảng, tập trung trí tuệ vận dụng sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh điều kiện cụ thể của huyện, tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, quyết tâm đưa nghị quyết của Đảng thành hiện thực trong cuộc sống.

Trong những năm tới, Đảng bộ và nhân dân trong huyện có những thuận lợi hết sức cơ bản. Đó là, sự ổn định về chính trị và những kết quả đạt được trong những năm qua cùng với những kinh nghiệm cơ bản trong lãnh đạo, chỉ đạo của thời kỳ đổi mới, nhất là sau 15 năm tái lập huyện là động lực quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh- quốc phòng. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, căn cứ vào các mục tiêu cụ thể đến năm 2015 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khoá XXIV, nghị quyết đại hội đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đề ra. Đảng bộ và nhân dân trong huyện đoàn kết một lòng, quyết tâm phấn đấu đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên cơ sở tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế- xã hội, được cụ thể hoá từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia vê xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ và chất lượng phát triển nông nghiệp toàn diện theo h­ướng sản xuất hàng hoá, chuyển đổi nhanh cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp, vừa phát huy lợi thế, vừa khắc phục những khó khăn của huyện ít lợi thế trong phát triển công nghiệp và thương mại dịch vụ, vừa góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về bảo đảm an ninh lương thực, phấn đấu đến năm 2015, nông nghiệp Phù Cừ ở vào tốp đầu của tỉnh Hưng Yên.

Cùng với đó, huyện tranh thủ vận động và tiếp nhận các dự án đầu tư, xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh. Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Củng cố và tạo điều kiện thuận lợi phát triển các loại hình kinh tế dịch vụ phù hợp với phương châm kinh doanh đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu sản xuất. Tập trung khai thác tốt các nguồn thu, tăng khả năng tài chính của huyện. Thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát ngân sách. Tiếp tục phát triển các lĩnh vực văn hóa xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bảo đảm sát hợp với nhiệm vụ chính trị của huyện; quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền; đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, phát huy được sức mạnh và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng một nền hành chính thực sự trong sạch vững mạnh.

Phát huy truyền thống và những thành tựu đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân Phù Cừ đoàn kết, nêu cao ý thức tự lực, tự cường, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua khó khăn thách thức để tiếp tục đổi mới, xây dựng quê hương Phù Cừ ngày càng giàu mạnh, văn minh, góp phần xây dựng tỉnh Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực