Nguyễn Ái Quốc với việc đào tạo cán bộ của Đảng*

Thứ ba, 24/03/2020 16:17
Để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc tổ chức mở các lớp tập huấn cán bộ, tổ chức cho một số cán bộ sang Liên Xô để đào tạo thành những cán bộ cốt cán cho sau này

Trong thời gian từ năm 1924 đến năm 1929, Nguyễn Ái Quốc đã gửi 27 thanh niên Việt Nam sang đào tạo ở Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô), trong đó có Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Lý Tự Trọng, Phạm Văn Đồng… Cũng trong thời gian từ năm 1924 đến năm 1927, khi hoạt động ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc tổ chức các lớp huấn luyện chính trị cho thanh niên yêu nước Việt Nam. Lớp đầu tiên mở vào khoảng cuối năm 1925, đầu năm 1926 với 10 học viên. Mỗi lớp khoảng một tháng rưỡi. Trường huấn luyện chính trị đặt tại ngôi nhà số 13, đường Diên An (Quảng Châu)...

Trường hoạt động được sự giúp đỡ của Chính phủ Quảng Châu và đoàn cố vấn Liên Xô. Tham gia giảng dạy có Nguyễn Ái Quốc, bà Liêu Trọng Khải (Trung Quốc), vợ chồng B. Bôrôđin, A. Páplốp (Nga), Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn. Các học viên được nghiên cứu nhiều nội dung về tình hình thế giới, lịch sử tiến hóa nhân loại, phong trào giải phóng dân tộc ở một số nước, chủ nghĩa Tam dân, chủ nghĩa Mác - Lênin, Cách mạng Nga, lịch sử các tổ chức Quốc tế I, Quốc tế II và Quốc tế Cộng sản, các hình thức tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng, công tác bí mật, các hình thức tuyên truyền, cổ động học viên còn học cách diễn thuyết, cách làm báo... Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện 75 học viên. Tổng số học viên cho đến tháng 4-1927 là 10 lớp với khoảng 250-300 học viên. Đại đa số học viên học xong đã trở việt Nam, về Xiêm hoạt động cách mạng. Một số được gửi đi học tiếp ở Đại học Phương Đông.

Những cán bộ đầu tiên được Nguyễn Ái Quốc đào tạo đã trở thành những chiến sĩ cộng sản ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, đẩy lùi các khuynh hướng cải lương và dân tộc hẹp hòi của các đảng phái tư sản và tiểu tư sản, đấu tranh chống lại các khuynh hướng ''tả'' và "hữu'' để gây dựng nên một nền tư tưởng ''Bônsêvích”, thực hiện ''Bônsêvích hóa'' tư tưởng quần chúng, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin giữ vị trí chủ đạo trong phong trào cách mạng. Cùng với việc truyền bá mạnh mẽ chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, những người được giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin đầu tiên đã lăn lộn vào phong trào quần chúng, tổ chức, cổ vũ quần chúng đấu tranh với địch đòi quyền dân sinh, dân chủ, từ đấu tranh kinh tế sang đấu tranh chính trị để giác ngộ quần chúng công nông, chuẩn bị điều kiện cho việc thành lập tổ chức tiền thân của Đảng (Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên). Nhờ những hoạt động không mệt mỏi của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và những cán bộ cách mạng tiền bối mà những điều kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng chín muồi. Hội nghị thành lập Đảng được tổ chức từ ngày 6-1-1930 đến ngày 7-2-1930 tại Hương Cảng dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đã hợp nhất các tổ chức cộng sản, nhất trí thành lập một Đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam (Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đã quyết định lấy ngày 3-2 hằng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam). Đó là một mốc lớn đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước kéo dài mấy chục năm. 

Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt do đồng chí Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, được Hội nghị thành lập Đảng thông qua, đã xác định cách mạng Việt Nam phải tiến hành giải phóng dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là con đường cách mạng duy nhất đúng để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam với cương lĩnh, đường lối cách mạng đúng đắn chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành, đủ sức lãnh đạo cách mạng.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là người đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, và Người cùng với những người cộng sản đầu tiên của Đảng ta, là những chiến sĩ làm công tác tư tưởng đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Như vậy, trong lịch sử 80 năm của Đảng ta, công tác tuyên giáo đã phát triển cùng với sự phát triển lớn mạnh của Đảng. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng ta đã nhận thức được rằng: công tác tư tưởng là công tác có tầm quan trọng hàng đầu, là một bộ phận hợp thành chủ yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Thông qua hoạt động tư tưởng, được sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đã hình thành cương lĩnh đầu tiên, hình thành đường lối cách mạng, chiến lược, sách lược cách mạng của Đảng. Trong lịch sử 80 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi công tác tư tưởng cùng với công tác tổ chức góp phần xây dựng Đảng thành đội tiền phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc nói rằng: “công việc thành hay bại đều do tư tưởng và lề lối làm việc đúng hay sai'', do đó “Toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm tròn nhiệm vụ của Đảng'', và đó chính là một trong những vị trí trọng yếu của công tác tuyên giáo. Mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều có phần đóng góp quan trọng của việc hình thành cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn của Đảng để ra những khẩu hiệu hành động đúng lúc và sát hợp với nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến quần chúng nhân dân, biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thành hành động tự giác của hàng triệu quần chúng, thành cao trào cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Công tác tuyên giáo cũng góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ các thế hệ cán bộ trung kiên, có đức, có tài của Đảng và Nhà nước, để từ đội ngũ này mà giáo dục, giác ngộ, tập hợp, tổ chức, cổ vũ, động viên quần chúng tiến hành các hoạt động cách mạng, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống lại sự tấn công của các lực lượng thù địch và các phần tử cơ hội chính trị, bảo vệ Đảng bảo vệ cách mạng, phát triển phong trào cách mạng của quần chúng.

Trích: Lịch sử 80 năm ngành Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2010), Nxb Chính trị Quốc gia, 2010, tr.10-12.

* Đầu đề do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đặt.

PV
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực