Cẩn trọng khi sử dụng cây Trinh nữ hoàng cung – loại thuốc quý chữa bệnh về u bướu

Thứ tư, 13/01/2010 08:47

(ĐCSVN) - Trinh nữ hoàng cung (TNHC) vốn là cây thuốc quý được dân gian dùng để điều trị các bệnh về u bướu. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi các nhà khoa học Việt Nam đã chứng minh được tác dụng thực sự của cây thuốc này thì hàng loạt các sản phẩm gắn với mác TNHC ra đời khiến người bệnh phân vân khi sử dụng sản phẩm được bào chế từ cây thuốc này. Vậy, thực hư về tác dụng của cây TNHC như thế nào?

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, Dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trâm - nhà khoa học đã được nhận giải thưởng Kovalevskaia với đề tài nghiên cứu về cây TNHC, hiện là chủ nhiệm nhiệm vụ Hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ theo nghị định thư giữa Việt Nam và Bungari.

PV: Được biết, TS đã tham gia và là chủ nhiệm của 3 đề tài nghiên cứu cấp bộ, với gần 20 năm nghiên cứu về cây thuốc quý này, TS có thể cho biết những tác dụng của cây TNHC cũng như những kết quả nghiên cứu sử dụng TNHC trong điều trị bệnh?

-TS.DS Trâm: Mặc dù dân gian từ lâu đã chấp nhận trinh nữ hoàng cung như là vị thuốc chữa u tuyến vú, u xơ tử cung...ở phụ nữ. Nhưng mới chỉ dùng ở dạng sắc uống theo kinh nghiệm dân gian. Sau một thời gian dài nghiên cứu, tôi và các cộng sự là các nhà khoa học Việt Nam Bungari và Áo đã phát hiện được những chất có hoạt tính sinh học ngăn chặn sự phát triển của tế bào u và kích thích tế bào lympho T hoạt động và phát triển trong cây TNHC Việt Nam (Crinum latifolium L). Các hoạt chất chiết xuất theo quy trình đã được nghiên cứu và được hội đồng khoa học công nghệ cấp nhà nước chấp nhận. Qua các nghiên cứu lý hóa và thử nghiệm lâm sàng, chúng tôi đã chứng minh được các hoạt chất trong cây TNHC có thể sản xuất được thuốc để hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân u bướu..

PV: TNHC có nhiều loại na ná giống nhau, vậy loại nào mới có khả năng điều trị bệnh?

TS. DS Trâm: Ở nước ta, có khoảng 12 loại cây giống cây TNHC đều nằm trong họ náng (Crinum). Kết quả nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học Bungari cho thấy, chỉ có một cây có tên khoa học Crinum latifolium L là có thể dùng để bào chế ra thuốc điều trị bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt và u xơ tử cung (hiện nay mới chỉ sử dụng lá để bào chế thuốc). Hiện nay có nhiều người dân nghe truyền miệng về tác dụng của cây TNHC đã đi hái những lá cây không rõ nguồn gốc về dùng, điều này có thể dẫn đến những hậu quả hết sức tai hại. Cây TNHC Campuchia, ngoài những công dụng tương tự như TNHC Việt Nam còn có thêm tác dụng tránh thai. Vì thế những phụ nữ khi có dấu hiệu u xơ tử cung nếu uống nhầm có thể dẫn đến vô sinh. Ngoài ra còn một số loại cây khác cũng có hình thức bên ngoài khá giống với TNHC Việt Nam nhưng lại chứa khá nhiều độc tính.

PV: Để bào chế được các sản phẩm thì nguồn nguyên liệu từ cây TNHC cần đáp ứng những điều kiện gì?

TS. DS Trâm: Trước tiên cây TNHC dùng làm nguyên liệu cần phải được xác nhận AND, được trồng theo quy trình GAP (Good Agricultural Practices - thực hành canh tác tốt) trên một vùng trồng ổn định, được nghiên cứu xác định mùa thu hái và tuổi của cây, quá trình chăm sóc không sử dụng phân bón hóa học, không dùng thuốc trừ sâu…Các sản phẩm nếu sản xuất từ nguồn dược liệu mua trôi nổi trên thị trường có thể lẫn với cây Huệ biển, cây náng trắng và một số cây náng khác giống với cây TNHC. Những cây này có độc tính với gan, thận, rất nguy hiểm với người bệnh.

PV: Sau khi công trình khoa học của TS được công bố, đã có rất nhiều sản phẩm gắn với mác “bào chế từ Trinh nữ hoàng cung” xuất hiện trên thị trường? Bà nghĩ sao về vấn đề này?

TS. DS Trâm: Sau khi các thử nghiệm lâm sàng trên các bệnh nhân ung bướu cho kết quả tốt, được Hội đồng nghiệm thu của Bộ xác nhận, các sản phẩm do tôi nghiên cứu đã được chuyển giao cho công ty Thiên Dược sản xuất bao gồm: Viên nang Crila (thuốc), viên nang Crilin và trà túi lọc Trinh nữ hoàng cung (thực phẩm chức năng) có tác dụng, phòng ngừa, hỗ trợ điều trị phì đại lành tính (u xơ) tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, trong thời gian qua, đã có nhiều bệnh nhân dùng gọi điện phản ánh do không xem kỹ nên khi thấy quảng cáo sản phẩm được bào chế từ TNHC nên họ đã mua nhầm các sản phẩm khác nhưng vẫn lầm tưởng là sản phẩm do tôi nghiên cứu. Theo tôi được biết, có nhiều sản phẩm là thực phẩm chức năng hiện có trên thị trường được đặt tên gần giống với tên thuốc mà tôi đã nghiên cứu, điều này có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Chính vì thế, người bênh cần lưu ý khi dùng thuốc hoặc thực phẩm chức năng, cần xem kỹ nguồn gốc sản phẩm. hướng dẫn sử dụng, tránh những nhầm lẫn đáng tiếc.

Xin cảm ơn TS!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực