Năm 2010, mùa khô sẽ khắc nghiệt

Thứ hai, 04/01/2010 11:30

Theo dự đoán của các nhà khoa học, trong số 33 thành phố ven biển có quy mô dân số 8 triệu người vào năm 2015, sẽ có ít nhất 21 thành phố có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm toàn bộ hoặc một phần. Mức độ rủi ro cao do nước biển dâng lên theo thứ tự là: Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam, Indonesia, Nhật Bản, Ai Cập, Hoa Kỳ, Thái Lan và Philippines.

Việt Nam là quốc gia cung cấp khoảng 1/5 lượng lương thực xuất khẩu trên thế giới, đồng thời cũng là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng. BĐKH và sự gia tăng khai thác nước từ phía thượng nguồn, khiến lượng nước ngọt đổ về vùng hạ lưu ĐBSCL ngày càng ít dần, nhất là trong mùa khô.

Nông dân vùng ĐBSCL đang đau đầu vì lũ mặn. Có khoảng 53 xã ở ĐBSCL đã là “nạn nhân” thường xuyên của nước mặn. Những năm gần đây, nước mặn ngày càng xâm nhập sâu vào đất liền, có thời điểm mặn theo các cửa sông vào sâu đến 60 - 70km, gây thiệt hại cho nhiều vùng trồng lúa.

Tại tỉnh Bạc Liêu, những tháng đầu năm 2009, mực nước đỉnh triều của biển Đông và biển Tây thấp, thời tiết không mưa, nhiệt độ cao (từ 34-35*C) và lượng bốc hơi lớn, nước bị sắc phèn mặn, mực nước toàn bộ khu vực chuyển đổi sản xuất bị hạ thấp, dẫn đến hiện tượng thiếu nước ở một số khu vực: xã Phước Long (huyện Phước Long), Phong Thạnh A, Phong Thạnh Tây, Tân Phong (huyện Giá Rai).

Từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2009, có 5 đợt xâm nhập mặn qua ranh giới tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng. Vào thời điểm này, vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu có độ mặn tương đối cao từ 25-28‰, độ mặn tại ngã tư Ninh Quới hơn 15‰. Vừa qua, có khoảng 1.200 ha diện tích lúa trên đất tôm tại huyện Giá Rai và Phước Long chết trắng do xâm nhập mặn.

Trong mùa khô 2009, tỉnh Sóc Trăng cũng xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ và nước mặn xâm nhập sâu vào các huyện Long Phú, Cù Lao Dung và huyện Kế Sách, ảnh hưởng hơn 40.000 ha lúa hè thu nơi đây. Mặn xâm nhập gây khó khăn cho sản xuất lúa của nông dân trong vùng. Tiến sĩ Dương Văn Ni (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết: “Lúa chỉ thích ứng được nước có độ mặn dưới 4‰. Nếu ở giai đoạn trổ, nước có độ mặn từ 4-5‰ thì lúa sẽ lép hạt”.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chánh văn phòng Ban điều tiết nước tỉnh Bạc Liêu, dự đoán: “Mùa khô năm 2010 sẽ rất khắc nghiệt. Cường độ mặn xâm nhập gia tăng, trong khi đó nước ngọt sẽ giảm. Điều này ảnh hưởng đến 42.000ha lúa đông xuân của tỉnh đang vào vụ”.

Dự án xây dựng công trình phân ranh mặn- ngọt của hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng (vùng Bắc quốc lộ 1) giai đoạn 2006-2010 được Bộ NN-PTNT phê duyệt với tổng mức đầu tư 660 tỷ đồng. Dự án sẽ xây dựng mới trên 60 cống, đập nhằm đảm bảo sản xuất cho trên 150.000ha đất sản xuất. Tuy nhiên, theo ông Minh, dự án này chưa hoàn thành nên vào mùa khô năm 2010, mặn xâm nhập vào vùng ngọt rất dễ xảy ra./..

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực