Người đứng trước cửa “Chợ Giời thông tin”

Thứ sáu, 05/02/2010 12:05
Untitled 1


Ông Vũ Hoàng Liên - Giám đốc Công ty Điện toán
 và Truyền số liệu VDC 

(ĐCSVN) -
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Internet Việt Nam (1997-2007), tôi đã biết ông Vũ Hoàng Liên, khi ông được báo chí giới thiệu là một trong 10 nhân vật có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển Internet ở Việt Nam, cùng với các ông Nguyễn Khánh, Mai Liêm Trực, Đặng Hữu, Đỗ Trung Tá, Chu Hảo, Trần Bá Thái, Nguyễn Quang A, Trương Gia Bình, Trương Đình Anh.

Cho đến một ngày cuối năm 2009, chúng tôi tình cờ có cuộc gặp gỡ và phỏng vấn ông qua sự kiện kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC, tôi lại thêm bất ngờ khi được trò chuyện cùng ông, người có những ý tưởng sáng tạo và đóng góp tích cực cho lĩnh vực viễn thông của nước nhà, cùng những dự định để quản lý và phát triển tốt hơn ngành dịch vụ mũi nhọn này. Bất ngờ nữa là khi tôi được nghe một “định nghĩa” khá hóm hỉnh từ ông về internet. Ông gọi đó là một cái “Chợ Giời thông tin”…

Người thầy đầu tiên, chiếc máy tính đầu tiên

Giám đốc Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC Vũ Hoàng Liên tiếp chúng tôi tại trụ sở ngôi nhà VDC tại Làng Quốc tế Thăng Long, trong một căn phòng hoàn toàn không có…máy vi tính, với dáng vẻ của một người thư sinh, nho nhã, giọng nói nhỏ nhẹ. Và câu chuyện giữa chúng tôi lại bắt đầu từ chuyện về…chiếc máy vi tính:

PV: Xin ông cho biết, lần đầu tiên ông được tiếp cận với chiếc máy vi tính từ khi nào?

Ông Vũ Hoàng Liên: Đó là khi tôi học Đại học Bách khoa Hà Nội, vào thời điểm đất nước đang sống trong những năm chiến tranh ác liệt. Lúc đó, tôi rất tự hào vì được học khoa Vô tuyến điện, có thể coi là khoa “đầu bảng” của trường. Thời điểm này, cơ sở vật chất kỹ thuật của nhà trường được Liên Xô viện trợ rất hiện đại, không thua kém các trường đại học lớn ở nước bạn, có cả máy tính Minsk-2, là loại máy tính thuộc loại hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ, nó to như một cái… nhà. Nhưng chúng tôi chỉ được học những gì hết sức sơ đẳng về máy tính. Tôi phải tập hàn từng mối hàn, học những thứ rất sơ đẳng trở lên, thậm chí phải hàn đi hàn lại sao cho mối hàn thật đẹp, thật bóng. Về máy tính, tôi chỉ học nguyên lý máy tính là chính, chủ yếu học phần cứng, có học sơ qua về phần mềm thôi. Thầy cũng cho làm bài tập, viết mã bit. Tôi nhớ nhất là thầy có phát cho mỗi sinh viên một cái băng. Hằng tuần, từng nhóm sinh viên đến 39 Trần Hưng Đạo để học thực hành máy tính. Để được tiếp cận máy tính, trước khi vào phòng phải mặc áo choàng màu trắng, phải kê khai “sơ yếu lí lịch” mới được sờ vào mày. Lần đầu được mặc áo, bước vào căn phòng có máy tính, tôi thấy vui sướng, tự hào vô cùng. Thao tác mà chúng tôi thực hiện là đưa cuốn băng vào máy, bấm nút, thấy băng chạy vèo một cái. Chỉ có thế thôi! Ấn tượng và hiểu biết về máy tính thời đó của tôi chỉ có như thế!

PV: Là một chuyên gia về viễn thông, và cũng là một trong những người tham gia, đóng góp và chứng kiến sự kiện đưa Internet vào Việt Nam, duyên nợ nào đưa ông gắn bó với ngành bưu chính viễn thông?

Ông Vũ Hoàng Liên: Tôi quê ở Tô Hiệu, Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội), gắn bó với ngành một phần vì tôi yêu thích nghề này, một phần từ ảnh hưởng của cha tôi (Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Vũ Vǎn Quí). Ông cũng là người ký quyết định thành lập Trạm máy tính đầu tiên của ngành Bưu điện vào năm 1974. Bố mẹ tôi đều làm trong ngành, mẹ làm ở bưu điện nên từ nhỏ tôi đã có thiện cảm, hiểu biết về ngành. Tốt nghiệp phổ thông, thi đỗ Đại học Bách khoa, tôi đăng ký vào ngay khoa Vô tuyến điện để học.

PV: Chắc hẳn ngày ấy ông học rất giỏi? Cách học của ông như thế nào?

Ông Vũ Hoàng Liên: Ồ không! Tôi học chỉ đạt khá một cách… vất vả vì lý do sức khoẻ. Từ những năm cuối cấp 2 trở đi năm nào tôi cũng phải vào bệnh viện một đôi lần nên thường xuyên phải học đuổi, phải mượn sách vở của bạn bè để học. Nhưng hoá ra như thế cũng có cái hay vì nó tạo cho tôi thói quen chủ động, phải tự học, tự nghiên cứu nhiều, từ đó hình thành thói quen tự tiếp cận vấn đề. Cho nên, ngay từ năm học đại học thứ nhất, trong khi nhiều bạn bị trượt vì thói quen “đọc – chép” ở bậc học phổ thông, chưa tiếp cận được phương pháp học đại học thì tôi vẫn vượt qua.


Ông Vũ Hoàng Liên giới thiệu một số hình ảnh
truyền thống của VDC

PV: Những năm học đại học, có kỷ niệm nào để lại dấu ấn sâu sắc đối với ông?

Ông Vũ Hoàng Liên: Có hai kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi. Đó là, năm 1972, 12 ngày đêm cuối năm máy bay B52 của giặc Mỹ ném bom xuống Hà Nội, tôi đang học nên đi sơ tán ở Hà Bắc, còn bố mẹ tôi vẫn ở Hà Nội làm việc. Cảm giác đêm đầu tiên Hà Nội bị ném bom rất lạ, tôi bồn chồn, lo lắng. Sau tôi mới biết đêm ấy, bố tôi vẫn làm việc ở cơ quan trên đường Nguyễn Du còn mẹ tôi ở nhà. Vệt bom B52 đêm ấy ném dọc Khâm Thiên, nếu nó chỉ kéo dài vài giây nữa thôi thì sẽ rơi trúng nhà tôi. Bây giờ ngẫm lại, càng thấy hiểu và quý giá biết bao cái giá của hoà bình, độc lập, tự do. Kỷ niệm thứ hai phải kể đến lúc tôi chuẩn bị làm luận án tốt nghiệp, tôi được tiếp cận với thầy hướng dẫn là thầy Phạm Công Hùng, người đã giúp tôi có sự đột phá mới về tư duy nghiên cứu, thực sự “lột xác” sau 3 tháng được làm việc cùng thầy. Đề tài tôi chọn lúc ấy nghiên cứu về “Bộ thu ít tạp âm” (siêu cao tần), phục vụ tín hiệu vệ tinh, lúc đó là một môn học rất khó, rất ít người tham gia nhưng tôi lại ham mê, nghĩ rằng đó là vấn đề rất hay nên tự nguyện đăng ký. Quả thật là tôi cũng có “duyên” nên mới gặp được người thầy tài giỏi này. Bởi lẽ, thầy Hùng khi đó là giáo vụ, lẽ ra thầy sẽ không tham gia hướng dẫn sinh viên và thông thường thì mỗi thầy giáo phải hướng dẫn ít nhất vài ba sinh viên. Chỉ có mình tôi là một thầy hướng dẫn, có lẽ thầy cũng “đọc” được sự đam mê nghiên cứu của tôi nên đồng ý. Thầy hướng dẫn có rất nhiều cái hay. Ví dụ, đọc sách như thế nào? Từ việc chọn sách gì mình cần, đầu tiên đọc lướt xem có nội dung gì trong mỗi cuốn rồi tìm phần mình cần đọc để đọc kỹ. Toàn bộ sách nghiên cứu lúc ấy là sách Nga, thầy dạy tôi cách đọc thẳng, không qua dịch, không cần viết lại. Sách Nga có những công thức rất dài, cho ra những kết quả rất chi tiết, thầy bày cho tôi cách tra bảng ra kết quả nhanh hơn, tuy con số không chi tiết bằng nhưng tiết kiệm được thời gian và không hề ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu.

VDC - “tầm nhìn xa” của những lãnh đạo tiền bối

PV: Và duyên nợ nào đã đưa ông trở thành Giám đốc Công ty điện toán và truyền số liệu - một doanh nghiệp Nhà nước giữ vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành viễn thông ở nước ta?

Ông Vũ Hoàng Liên: Học xong đại học, lẽ ra tôi có thể được vào quân đội công tác nhưng vì sức khoẻ yếu nên tôi đã về Bưu điện Hà Nội công tác, sau đó tôi có thời gian được chuyển lên công tác tại Tổng cục Bưu điện trước khi về VDC. Nhìn lại quá trình làm việc của mình, tôi thấy có lúc mình làm kỹ thuật, lại có lúc được giao làm quy hoạch, sau khi đi học Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (1983-1985) lại được giao làm công tác tổ chức cán bộ. Khi về công ty điện báo, tôi vừa làm kỹ thuật vừa làm nghiệp vụ, có lúc còn làm trưởng đài điện báo quốc tế, phụ trách cả kỹ thuật và nghiệp vụ, rồi làm phòng kinh doanh ở VTI. Có thể nói sự ngẫu nhiên nào đó từ việc phân công của cấp trên đã giúp tôi được kinh qua nhiều vị trí công tác. Có lúc rất bỡ ngỡ, bất ngờ, nhưng qua đó lại được học tập, tiến bộ nhiều. Trước khi về VDC, tôi là Vụ phó Vụ kế hoạch – Tài chính của Tổng cục Bưu điện, bất ngờ được các lãnh đạo cấp trên gồm các bác Đặng Văn Thân, Mai Liêm Trực, Đỗ Trung Tá thống nhất đưa tôi về VDC mà không hề biết trước. Tất nhiên, tôi rất phấn khởi vì được cấp trên tin tưởng, nhưng cũng nhiều khó khăn đặt ra, mình phải vừa học vừa làm.

PV: Khi ông được bổ nhiệm làm Giám đốc, vào thời điểm năm 1996, “hình hài” VDC ra sao?

Ông Vũ Hoàng Liên: VDC đã có truyền thống từ lâu, bắt nguồn từ những trạm máy tính đầu tiên của ngành bưu điện được thành lập từ năm 1974. Sau ngày thống nhất đất nước, ông Đặng Văn Thân mới tổ chức thành lập Công ty Điện toán và Truyền số liệu. Ban đầu, không riêng gì tôi mà không ít người trong ngành cũng chưa hiểu tại sao lãnh đạo lại đặt tên công ty như vậy. Lúc đầu, mới chỉ có bộ phận truyền báo Nhân dân, báo Quân đội nhân dân. “Điện toán” là máy tính thì đã rõ, còn “truyền số liệu” là gì thì ban đầu nhiều người vẫn chưa hiểu. Sau chúng tôi hiểu ra mới thấy được tầm nhìn xa của người lãnh đạo, nắm bắt được xu hướng phát triển tất yếu của lĩnh vực truyền số liệu. Trước khi tôi về VDC, công ty có 3 lĩnh vực chính là truyền báo, truyền số liệu và tin học với quy mô công ty còn nhỏ, chỉ có vài trăm người và 3 trung tâm. Từ khi tôi về VDC, cũng là khoảng thời gian lĩnh vực viễn thông phát triển mạnh mẽ, internet và một loạt công nghệ mới ra đời.

Chuyện về “Chợ Giời thông tin”

PV: Tầm nhìn và những điểm quan tâm mấu chốt của ông trên cương vị người thủ lĩnh VDC là gì?

Ông Vũ Hoàng Liên: Tôi luôn suy nghĩ phải làm sao đạt mục tiêu đưa VDC trở thành nhà cung cấp internet & các dịch vụ điện toán truyền số liệu hàng đầu khu vực. Thực tế cho thấy, xu hướng công nghệ là xu hướng chung của thế giới, quan trọng là mình phải đón nhận nó như thế nào để đưa tiến bộ công nghệ đó vào đời sống một cách nhanh nhất, thiết thực nhất. Một trong những điều đầu tiên mà tôi rất quan tâm là xây dựng mạng lưới hạ tầng ở các bưu điện địa phương. Một công ty khi sản xuất kinh doanh phải tự lo cho mình là chính nhưng tôi có quan điểm phải phối hợp thật tốt với các bưu điện tỉnh, thành phố. Ban đầu, có quan điểm cho rằng mình nên tự lo cho mình trước, không nên dàn trải. Nhưng đến nay cho thấy, chính nhờ đi trước phối hợp với các bưu điện mà chúng tôi triển khai được nhiều dịch vụ, tạo được những “chân rết” trong kinh doanh. Vấn đề thứ hai được tôi quan tâm là xác định quan điểm thực hiện chính sách giá cước rẻ. Trước đây, bưu điện luôn bị “kêu” là giá cước đắt. Tôi nghiên cứu và nhận ra, đắt vì chúng ta cứ tính cước từ giá thành rồi mới bán. Tôi chỉ đạo phải từ giá cước thị trường chấp nhận rồi mới tính cho khách hàng. Mặc dù đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, ban đầu thuê bao ít, thu chả đáng là bao nhưng phải nhìn vào tương lai. Không nên để giá cao không ai mua rồi chờ sau này nhiều người mua rồi mới hạ giá. Để giá thấp, nhiều người sử dụng, phổ cập và phát triển, phải lấy ngắn nuôi dài. Sau này chính sách giá cước internet cũng vậy, giá không hề cao và liên tục giảm. Internet là một dịch vụ hiện đại nhưng ở Việt Nam, giá còn rẻ hơn nhiều nước phát triển khác và rẻ hơn nhiều dịch vụ viễn thông khác chính nhờ chính sách “bình ổn giá”, định hình giá của chúng tôi ngay từ đầu, nên các doanh nghiệp đi sau muốn tăng cũng phải theo. Lúc đầu đưa ra phương án đó nhiều người không chấp nhận đâu, có doanh nghiệp còn kiến nghị mức giá cao hơn, nhưng đến giờ thì mọi người đã thấy hiệu quả của nó. Chính sách giá phù hợp chính là một động lực quan trọng giúp Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển internet rất nhanh so với thế giới.

PV: Từ chuyện chính sách giá cước internet, ông nghĩ sao về vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực viễn thông vốn là nơi có sự cạnh tranh rất cao?

Ông Vũ Hoàng Liên: Doanh nghiệp Nhà nước được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ chủ đạo, “định hướng” đối với các thành phần kinh tế nhưng nhiều khi không ai nói rõ “anh phải làm gì?”. Mà đã là doanh nghiệp thì ai cũng phải tính đến lợi nhuận để tồn tại. Riêng tôi, tôi xác định, vai trò của doanh nghiệp Nhà nước cuối cùng là vì lợi ích quốc gia, khác với doanh nghiệp tư nhân là tối ưu hoá lợi nhuận. Vậy những gì là lợi ích quốc gia? Có thể lấy ví dụ như thế này: Ở nước ta, hiện nay, có một bài toán đặt ra là cần làm sao để hạ tầng viễn thông và internet phát triển lên để xã hội được hưởng, người dân được hưởng. Muốn thế, các thành phần kinh tế cùng tham gia sẽ hiệu quả hơn là chỉ doanh nghiệp Nhà nước tham gia. Những gì dân đã làm tốt thì doanh nghiệp Nhà nước có lẽ không nên làm! Mình chỉ làm những lĩnh vực nào cần mình là “đầu tàu” kéo các thành phần kinh tế khác tham gia, khi ban đầu họ chưa đủ lực để theo. Với vai trò điều tiết thì doanh nghiệp Nhà nước phải đủ mạnh, phải có doanh số và lợi nhuận. Doanh số và lợi nhuận là điều kiện cần, nhưng điều kiện đủ phải là lợi ích quốc gia. Giá internet thấp ngay từ đầu là một cách bảo đảm lợi ích quốc gia thông qua lợi ích của người dùng, nhờ đó thúc đẩy internet phát triển. Vai trò điều tiết thứ hai của doanh nghiệp Nhà nước là điều tiết về đối tượng.

Chẳng hạn những đối tượng thiệt thòi như y tế, giáo dục ở khu vực miền núi, nông thôn thì trong lĩnh vực viễn thông hiện nay, có những việc chỉ VDC làm, không ai làm cả. Có thể kể ra các chương trình chúng tôi đã làm như “đưa Internet về nông thôn”, “Đưa Internet đến trường học”, “Một triệu giờ đồng hành cùng Internet”... đã góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa và tới các đối tượng như nông dân, thanh thiếu niên, học sinh. Vai trò điều tiết thứ ba là điều tiết về công nghệ: Mình tiên phong đầu tư về công nghệ nên có cái thành công, có cái rủi ro, thất bại. Ngay cả trong cái thất bại, cũng có giá trị định hướng để các thành phần kinh tế khác biết và rút kinh nghiệm, không đi vào bánh xe đổ. Ngoài ra, còn có thể nói đến vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong điều tiết về nguồn lực. Ngay cả khi người tài từ doanh nghiệp Nhà nước chuyển sang doanh nghiệp tư nhân thì nếu xét ở góc độ quốc gia vẫn là tạo nguồn nhân lực cho chỗ khác. Đóng góp lớn nhất cho xã hội, xét ở một góc độ nào đó, chính là đóng góp về con người.

PV: Là một trong những người đầu tiên tham gia và chứng kiến việc đưa internet về Việt Nam, ấn tượng sâu sắc với ông về sự kiện này là gì?

Ông Vũ Hoàng Liên: Có lẽ cái Tết năm 1997 là một kỷ niệm khó quên đối với chúng tôi khi trang web Quê hương của người Việt Nam ở nước ngoài chính thức hoà mạng internet. Điều thú vị là khi ấy chưa có giấy phép nhưng Bộ Chính trị rất quan tâm và chỉ thị cho phép hoà mạng internet ngay nhân dịp Tết Nguyên Đán. Các anh chị ở Uỷ ban người Việt Nam ở nước ngoài cảm động hơn chúng tôi rất nhiều vì chúng tôi chỉ là người phục vụ song cũng vô cùng xúc động khi được chứng kiến lần đầu tiên internet có mặt ở Việt Nam. Trước đó, anh em ở VDC tập trung chuẩn bị mọi mặt, bản demo, an ninh, chất lượng và cùng với Uỷ ban người Việt Nam ở nước ngoài, phấp phỏng chờ đợi Bộ Chính trị thông qua. Trước đó, chúng tôi đã tham gia vào việc giải trình, mời các đồng chí trong Bộ Chính trị đến thăm, xi-mê-na, hội thảo, chạy thử bản demo cho các đồng chí lãnh đạo xem. Qua việc này, tôi thật sự khâm phục tư duy nhạy bén, trân trọng cái mới, cái tiến bộ của các đồng chí trong Bộ Chính trị. Lúc đó, ngay cả các phương tiện thông tin đại chúng vẫn còn khá mơ hồ, chưa hiểu internet là gì, nhiều tờ báo đưa tin bài thường có những cái tít dạng như “internet là gì” rồi giải thích đó là một mạng máy tính toàn cầu…, v.v và v.v nhưng nặng về công nghệ.

Có lần, trả lời phỏng vấn một nhà báo hỏi “Internet là gì”, tôi đã trả lời “internet là một cái “hội chợ thông tin”. Thật ra, lúc ấy, tôi muốn nói “internet là một cái “Chợ Giời thông tin” mới là chuẩn xác. Bởi cũng như “Chợ Giời” ở Hà Nội, internet - Chợ Giời thông tin có cả hàng tốt, hàng xấu, hàng cũ, hàng mới, có cả đồ xịn, có cả hàng…ăn cắp, ai vào cũng được mà ai ra cũng được, có quản lý mà nhiều khi có vẻ như…không ai quản lý. Nhưng lúc ấy, nếu nói “Chợ Giời thông tin” thì sợ mọi người chưa hiểu, sẽ e dè, “đề phòng” với internet nên chúng tôi chỉ dám nói “internet là một cái “chợ thông tin” mà thôi. Tuy vậy, được tận mắt chứng kiến việc chuẩn bị trang web Quê hương, các đồng chí trong Bộ Chính trị đã nhanh chóng hiểu và ủng hộ công nghệ hiện đại.

PV: Suy nghĩ của anh về triển vọng của internet và VDC sẽ làm gì để phát huy thế mạnh của “Nhà cung cấp dịch vụ Internet tốt nhất Việt Nam”?

Ông Vũ Hoàng Liên: Hồi đầu có internet, trên thế giới người ta đặt domain hay dùng những đuôi “org”, “gov”, “edu”…để phân biệt các lĩnh vực khác nhau - chính phủ hay giáo dục…, nhưng ngay từ đầu, tôi đã có tư duy khác, chúng tôi không dùng những đuôi đó mà đặt đuôi “chấm vn” (.vn). Bởi vì tôi đã dự báo, internet sẽ không chỉ là môi trường trao đổi, chia sẻ thông tin mà internet sẽ trở thành môi trường viễn thông, với xu hướng telecom rất rõ. Đầu tiên, xu hướng internet là miễn phí nhưng sau đó sẽ phải là thương mại hoá. Sắp tới, VDC sẽ tập trung mạnh hơn cho các dịch vụ giá trị gia tăng, online, công nghiệp nội dung số, kết hợp với hạ tầng internet và truyền số liệu, ưu tiên khả năng mở rộng internet về các vùng nông thôn. Hướng xa hơn nữa là chuẩn bị kinh doanh ở ngoài Việt Nam, hướng ra thị trường châu Mỹ và châu Á…

“Văn hoá làng” và “văn hoá doanh nghiệp”

PV: Vậy vấn đề đưa internet về nông thôn, nhất là về trụ sở UBND xã để cán bộ là người tiếp cận trước, rồi họ sẽ quan tâm phổ biến ra toàn xã?

Ông Vũ Hoàng Liên: Đưa được internet về trụ sở UBND xã là rất cần, rất ý nghĩa nhưng tôi lại cho rằng, cách tốt nhất, hiệu quả nhất vẫn là đưa internet về các trường học trước. Tôi có thể cho không internet để nó về các trường học có nhiều em học sinh sử dụng còn hơn là đưa về một trụ sở uỷ ban ít người sử dụng để nó nằm chơ vơ. Sau trường học, thì điểm bưu điện văn hoá xã, thậm chí là cái… đình làng có thể sẽ là địa điểm ưu tiên để đưa internet đến. Đưa vào trường học, các em học sinh sử dụng rồi về nhà, chính chúng sẽ là người bày cho bố mẹ, ông bà một cách rất tự nhiên và đơn giản…

PV: Những năm gần đây, ngoài các hoạt động xã hội, VDC cũng quan tâm tới xây dựng “văn hoá doanh nghiệp của mình”. Nhiều hoạt động tập thể của VDC hướng về vùng nông thôn và khai thác các giá trị văn hoá truyền thống! Ông nghĩ thế nào?

Ông Vũ Hoàng Liên: Lúc nhỏ, tôi sống ở nông thôn, học đại học thời chiến tranh, cũng sơ tán về nông thôn. Tôi thấy văn hoá ứng xử của những người nông dân ngày xưa thật tuyệt vời, nhiều cái còn hơn cả ngày nay. Tình làng nghĩa xóm, có trước có sau, biết mình biết người, hài hoà cá nhân – gia đình – xã hội, không phải cha ông ta nghèo mà không có văn hoá. Chỉ tiếc là văn hoá nông thôn bây giờ cũng bị biến dạng quá nhiều. Chính vì vậy, VDC dùng văn hoá dân tộc để marketing, làm lịch, làm tranh, tổ chức nhiều hoạt động trên nền tảng văn hoá dân tộc chính từ sự tôn vinh nền tảng văn hoá ấy. Nghề của chúng tôi là nghề tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại nên cần lấy văn hoá dân tộc làm sự cân bằng trở lại, chứ không nên lại tiếp tục “hip hop” mãi. Văn hoá phương Tây có nhiều cái hay, tôi không phản bác nhưng tôi cho rằng văn hoá dân tộc là cội nguồn, là điều cần đọng lại trong mỗi con người, văn hoá phương Tây là cái tạo ra giá trị gia tăng, tạo nên giá trị kinh doanh, giá trị của doanh nghiệp. Văn hoá doanh nghiệp sẽ luôn có hai phần, phần đọng lại ở giá trị kinh doanh, phần đọng lại ở mỗi con người.

PV: Xin cảm ông!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực