Phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm Luật bảo vệ môi trường

Thứ tư, 27/01/2010 16:02

 Kiểm tra gỗ buôn lậu (Ảnh: Vietnamnet)

(ĐCSVN)- Thời gian qua tại một số địa phương vẫn xảy ra khá nhiều vụ vi phạm Luật bảo vệ môi trường. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra, qua đó đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm.

TP Hồ Chí Minh: Truy tố cán bộ hải quan buôn lậu gỗ

Viện KSND Tối cao vừa tống đạt cáo trạng truy tố 8 bị can trong vụ buôn lậu gỗ qua cảng Cát Lái. Trước đó, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra 10 container hàng xuất khẩu và phát hiện 171m3 gỗ trắc và gỗ cẩm lai. Hai trong số tám bị can trên nguyên là cán bộ Hải quan cảng Cát Lái.

Phát hiện 3 vụ vận chuyển gỗ trái phép

Ngày 15-1-2009, Công an huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An đã bắt giữ được 2 xe ô tô chở gỗ lậu khi đang lưu thông trên quốc lộ 7A. Lực lượng công an đã thu giữ tổng số 20m3 gỗ, chủ yếu là các loại gỗ sến, táu và dổi. Sáng 18-1, lực lượng CSGT Công an Quảng Bình cũng bắt giữ một đối tượng giả danh thiếu tá quân đội để vận chuyển trái phép 20 hộp gỗ trắc.

Quảng Bình: Phá rừng để khai thác cây hoàng đằng

Mấy tháng trở lại đây, cơn "sốt hoàng đằng" đã khiến người dân một số nơi ở tỉnh Quảng Bình vào rừng tận thu loại cây này. Trong cả năm 2009, kiểm lâm tỉnh đã bắt giữ 60.458kg hoàng đằng. Mới đây, Hạt Kiểm lâm Phong Nha - Kẻ Bàng cũng đã bắt giữ được một xe ô tô vận chuyển 7,5 tấn rễ cây này.

Cứu hộ 19 cá thế gấu ở Bình Dương

Tổ chức Động vật Châu Á (AAF) đã cứu hộ 19 cá thể gấu ở Bình Dương và đem về Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam ở Vườn Quốc gia Tam Đảo để nuôi dưỡng. Trước đó, chủ trại nuôi gấu ở xã Tân Uyên (Bình Dương) đã tự nguyện giao nộp 19 cá thể gấu trên cho Chi cục Kiểm lâm Bình Dương, do không thể đáp ứng yêu cầu về quản lý gấu nuôi của Bộ NPTNT.

Cát Tiên: Chỉ còn khoảng 5 cá thể tê giác một sừng

Theo một điều phối viên của Dự án Phát triển du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Cát Tiên, quần thể tê giác một sừng ở Cát Tiên hiện nay chỉ còn khoảng 5 cá thể. Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là do mất môi trường sống và việc người dân quá tin vào tác dụng y học của sừng tê giác, đã tổ chức săn bắn đến gần như tuyệt diệt loại thú quý hiếm này.

Vườn Quốc gia Pù Mát có thêm voi con mới sinh

Mới đây, Vườn Quốc gia Pù Mát đã đón nhận hai voi con được phát hiện tại bản Cao Vều, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An). Trong hai voi con này, một con sinh vào khoảng tháng 2/2009, một con sinh vào khoảng tháng 10/2009. Hiện tại số voi của Vườn Quốc gia Pù Mát đã được nâng lên 17 con.

Xử lý doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường

Theo Tổng cục Môi trường, vừa qua công ty Vedan (Đồng Nai) đã phải nộp trên 127 tỷ đồng phí bảo vệ môi trường, 267,5 triệu đồng vì vi phạm hành chính và phải thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm đối với sông Thị Vải. Công ty TNHH Kính nổi Việt Nam (Bắc Ninh) và Công ty TNHH Đà Lạt - Nhật Bản (Lâm Đồng) cũng bị các cơ quan chức năng xử phạt do vi phạm các quy định về Luật bảo vệ môi trường. Cạnh đó, 4 doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ) cũng bị đình chỉ hoạt động do chưa có đủ thiết bị đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường.

Được biết, bắt đầu từ ngày 01-01-2010, Nghị định 99 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản sẽ có hiệu lực. Nghị định cũng có các điều khoản xiết chặt hơn việc gây nuôi, buôn bán và vận chuyển động vật hoang dã. Mức xử phạt hành chính cho các đối tượng vi phạm có thể lên tới 500 triệu đồng. Các trường hợp cố tình gây nuôi động vật hoang dã quý hiếm không đăng ký với cơ quan kiểm lâm, khi phát hiện có thể bị truy tố hình sự.

Nghị định 99 của Chính phủ có thể được coi là một "vũ khí" sắc bén có tác dụng rất hiệu quả cho các cơ quan chức năng trong việc xử lý các vụ vi phạm Luật bảo vệ môi trường./..

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực