An toàn dữ liệu trong thời đại điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo

Thứ năm, 30/11/2023 16:14
(ĐCSVN) - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng dữ liệu là tài sản của mỗi tổ chức, cá nhân. Vì vậy, trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin phải xuất phát từ chính mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực.

Hội thảo - Triển lãm “Ngày An toàn thông tin Việt Nam” năm 2023 với chủ đề: “An toàn dữ liệu trong thời đại điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo” do Hiệp hội An toàn thông tin phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức đã khai mạc ngày 30/11 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng dữ liệu là tài sản của mỗi tổ chức, cá nhân. Vì vậy, trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin phải xuất phát từ chính mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu khai mạc Ngày An toàn thông tin 2023. 

"Mỗi cá nhân phải tự nhận thức được thông tin, dữ liệu cá nhân của mình là một loại tài sản. Tài sản đó phải được bảo vệ cẩn thận, tránh việc chia sẻ dễ dãi, cung cấp các thông tin này cho bên thứ ba không đảm bảo. Tự trang bị cho mình các kỹ năng số để bảo vệ mình trên không gian mạng. Mỗi bộ, ngành cũng cần tự nhận thức được nguyên tắc "thực sao ảo vậy". Tức là cơ quan nào quản lý cái gì trong đời thật thì cũng quản lý cái đó trên không gian mạng. Như vậy mới đủ nguồn lực làm không gian mạng lành mạnh, trong sạch" - Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh an toàn thông tin không chỉ là việc triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống, mà còn là nâng cao nhận thức, kỹ năng an toàn thông tin cho tất cả cán bộ của tổ chức.

"An toàn thông tin cần make in Vietnam, là ưu tiên sử dụng sản phẩm, giải pháp và dịch vụ của doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam. Thực tiễn đã chứng minh Việt Nam có chuyên gia giỏi, có đầy đủ sản phẩm, giải pháp đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí kỹ thuật, phù hợp với nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam," Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng Dũng chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhận định, thế giới đứng trước sự thay đổi mang tính bước ngoặt với sự kết hợp giữa sức mạnh của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây, chúng có thể mở ra cánh cửa cơ hội lớn, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức rất lớn về quản trị và an toàn dữ liệu.

Trí tuệ nhân tạo (AI) giờ đây đã trở thành công nghệ chiến lược, mũi nhọn để các nước lớn trên thế giới, các tập đoàn công nghệ hàng đầu tìm kiếm sự thống trị, dẫn dắt trong cuộc cạnh tranh công nghệ toàn cầu. Để huấn luyện các mô hình trí tuệ nhân tạo sẽ cần một lượng dữ liệu khổng lồ được thu thập và phân tích. Tuy nhiên, khi dữ liệu không được sử dụng đúng cách hoặc có mục đích xấu, bị lạm dụng, chúng sẽ không chỉ đe dọa đến quyền riêng tư cá nhân, quyền sở hữu tài sản của tổ chức, doanh nghiệp mà thậm chí còn ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và sự ổn định, phát triển của xã hội.

Vì vậy, thông qua hội thảo và triển lãm Ngày An toàn thông tin Việt Nam, mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân sẽ có thêm được nhận thức và hành trang để tự tin chuyển đổi số, bước vào cuộc sống số một cách toàn diện và an toàn.

Báo cáo về tình hình an toàn thông tin mạng năm 2023, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin Trần Đăng Khoa cho biết, trong 11 tháng qua, Cục An toàn thông tin ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 11.428 cuộc tấn công mạng. Trong đó, có 10.283 cuộc Phishing (giả mạo), 451 cuộc Deface (thay đổi giao diện), 884 cuộc Malware (mã độc), tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet (mạng máy tính ma) là 456.699 địa chỉ, giảm 4,7% so với cùng năm 2022 (479.115 địa chỉ).

Tuy nhiên, việc tuân thủ quy định pháp luật về an toàn thông tin của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vẫn chưa tốt. Hiện mới có khoảng 63% hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức nhà nước được phê duyệt cấp độ, tăng thêm gần 10% so với năm 2022. Số lượng lớn trong đó chưa được triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ đã phê duyệt.

Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin chia sẻ về tình hình an toàn thông tin mạng 2023. 

Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng, trình dự thảo Chỉ thị về tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ (dự kiến được phê duyệt vào cuối năm 2023, đầu năm 2024). Trong đó, dự kiến đến tháng 9/2024 sẽ phê duyệt cấp độ cho 100% hệ thống thông tin; đến tháng 12/2024 sẽ triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ đối với 100% hệ thống thông tin. Đồng thời, mục tiêu 100% hệ thống được giám sát an toàn thông tin cũng được Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra cho năm 2024…

Cũng tại sự kiện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khai trương “Nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ” nhằm thực thi công tác bảo đảm an toàn thông tin nói chung và bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ nói riêng.

Ngoài phiên khai mạc, Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2023 còn có các hội thảo chuyên đề trong buổi sáng và buổi chiều. Song song với hội thảo là triển lãm giới thiệu các giải pháp, sản phẩm an ninh mạng./.

Tin, ảnh: Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực