Bàn giao thiết bị công nghệ phục vụ phát triển ngành công nghiệp vi mạch

Thứ hai, 19/12/2022 11:00
(ĐCSVN) - Trung tâm Thiết kế vi mạch thuộc Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh sẽ kết nối với các công ty chế tạo chip để triển khai dịch vụ hỗ trợ các nhóm nghiên cứu, các doanh nghiệp khởi nghiệp; cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ đóng gói và thử nghiệm vi mạch; triển khai các chương trình hợp tác... nhằm phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam.

Sáng 19/12, tại Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp với Tập đoàn TTC, Công ty Cổ phần (CTCP) Tập đoàn SUN Electronics tổ chức Lễ bàn giao thiết bị cho Phòng Thiết kế vi mạch (Chip Design Lab) thuộc Trung tâm Thiết kế vi mạch (SHTP Chip Design Center (SCDC), thuộc Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP) với tổng kinh phí 2,6 tỷ đồng.

Ông Đặng Hồng Anh- Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch TTC trao bảng tượng trưng bàn giao thiết bị công nghệ thông tin cho Phòng thiết kế vi mạch cho ông Nguyễn Đức Huy, Giám đốc Trung tâm đào tạo khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. 

Tham dự Lễ bàn giao có các đồng chí: Trương Hòa Bình, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Bùi Quang Huy, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn; Đặng Hồng Anh – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC; cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị: Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Khoa học Công nghệ... 

Phòng Thiết kế vi mạch (Chip Design Lab) là cơ sở hạ tầng quan trọng đầu tiên của thuộc Trung tâm Thiết kế vi mạch (SCDC) đã được chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động ngày 21 tháng 10 năm 2022 được đầu tư hoàn toàn bằng nguồn ngân sách xã hội hóa. Trong đó, Synopsys tài trợ 30 li-xăng phần mềm thiết kế vi mạch (có giá trị nhiều triệu USD) và Hội doanh nhân trẻ Việt Nam hỗ trợ các thiết bị công nghệ thông tin bao gồm 30 máy tính trạm, các thiết bị máy chủ, thiết bị mạng cho phép tổ chức các khóa đào tạo thiết kế vi mạch với quy mô đến 60 học viên và cho phép giảng viên, sinh viên các trường đại học, viện nghiên cứu truy cập và sử dụng phần mềm qua mạng riêng ảo (VPN) để phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu.

Đến nay, giảng viên, sinh viên các trường thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) đã được cấp quyền truy cập và sử dụng phần mềm của SCDC. Trong tháng 12/2022, SCDC sẽ phối hợp với Synopsys tổ chức khóa đào tạo giảng viên đầu tiên về đào tạo thiết kế vi mạch cho các trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.   

Phát biểu tại buổi Lễ, ông Đặng Hồng Anh – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC đánh giá cao tầm quan trọng của việc thiết kế vi mạch. Theo ông Hồng Anh, Trung tâm Thiết kế vi mạch (SCDC) sẽ kết nối với các công ty chế tạo chip để triển khai dịch vụ MPW (Multi Project Wafer) hỗ trợ các nhóm nghiên cứu, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong đó có các doanh nghiệp Hội viên của Hội; cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ đóng gói và thử nghiệm vi mạch; triển khai các chương trình hợp tác để huy động nguồn lực quốc tế phục vụ mục tiêu phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam.

Trong thời gian tới, Tập đoàn TTC và các đơn vị hỗ trợ cam kết tiếp tục đồng hành cùng với Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP)  trong việc tiếp tục khẩn trương hoàn thiện các cơ sở hạ tầng của SCDC trên cơ sở khai thác, huy động một các sáng tạo các nguồn lực khác nhau để cung cấp các dịch vụ thiết thực, góp phần tích cực vào xây dựng nền móng của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và ngành điện tử Việt Nam.

 Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại lễ bàn giao. 

Tại buổi Lễ, ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Quản lý SHTP bày tỏ cảm ơn sự đồng hành của TTC và SUN Electronics trong việc góp phần tận dụng các cơ hội đang mở ra cho Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và điện tử Việt Nam; đồng thời bày tỏ kỳ vọng, với sự phát triển của SCDC, cùng với sự phát triển của ngành sản xuất điện tử (EMS) trong nước sẽ tạo tiền đề cho nền công nghiệp điện tử Việt Nam phát triển theo định hướng “Make in Viet Nam”, góp phần xây dựng một nền kinh tế tự chủ. 

Công ty Cổ phần Tập đoàn SUN Electronics là doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu phát triển sản phẩm và dịch vụ sản xuất điện tử (EMS). Thế mạnh của SUN Electronics nằm ở đội ngũ chuyên gia giàu tâm huyết, kinh nghiệm, gồm các kỹ sư trong và ngoài nước có kinh nghiệm làm việc lâu năm tại các công ty điện tử lớn tại Thung lũng Silicon, Hoa Kỳ có khát vọng góp phần phát triển ngành công nghiệp điện tử non trẻ của Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tin, ảnh: Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực