Cẩn trọng với nguy cơ bình nóng lạnh bị rò điện

Thứ năm, 17/11/2022 14:34
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, bình nóng lạnh đã dần trở thành vật dụng phổ biến, thông dụng đối với mọi gia đình. Tuy nhiên, nhiều tai nạn đáng tiếc liên quan đến việc bình nóng lạnh bị rò điện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về bảo đảm an toàn trong sử dụng loại thiết bị này.

Mới đây, Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, Trung tâm vừa tiếp nhận 1 bé trai (10 tuổi) nghi bị tai nạn điện giật khi đang tắm. Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng ngừng tuần hoàn ngoại viện. Thông tin ban đầu cho biết, bố mẹ đi làm vì vậy trẻ ở nhà một mình. Buổi chiều khi người thân trở về nhà thì phát hiện con nằm bất động trên nền nhà tắm, tay cầm vòi hoa sen còn mở. Lúc này, trẻ tím tái toàn thân, ngừng thở, ngừng tim, gọi hỏi không đáp ứng, người nhà tiến hành ép tim nhưng không đáp ứng. Thời điểm được đưa vào viện cấp cứu, trẻ ở trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng thở trong thời gian dài, tím tái toàn thân, SpO2 không thể đo, không thể bắt mạch, đồng tử 2 bên giãn. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn nhưng không hiệu quả.

 Cẩn trọng với nguy cơ bình nóng lạnh bị rò điện. Ảnh minh họa

Trước đó, đã xảy ra nhiều vụ việc mất an toàn do bình nóng lạnh bị rò điện. Những vụ việc đau lòng nói trên chính là hồi chuông cảnh báo nguy cơ khi sử dụng thiết bị điện trong phòng tắm. Thời điểm này, các tỉnh miền Bắc đang bước vào mùa đông với nền nhiệt độ thấp và nhiều đợt không khí lạnh. Vì vậy nhu cầu sử dụng bình nóng lạnh cũng tăng cao, kéo theo đó là nguy cơ mất an toàn nếu sử dụng không đúng cách.

Theo các chuyên gia, tai nạn điện rất đa dạng nhưng phần nhiều là tai nạn điện giật trong sinh hoạt hoặc tai nạn lao động. Trong đó, có khá nhiều trường hợp tai nạn điện giật do bình nóng lạnh bị rò điện. Các trường hợp rò điện thường xảy ra ở các thiết bị điện lâu năm. Người dân lại không có thói quen tắt bình nóng lạnh khi tắm. Do đó, nếu bình nóng lạnh bị rò điện thì rất dễ gây ra tai nạn điện giật.

Để hạn chế những tai nạn đáng tiếc liên quan đến bình nóng lạnh bị rò điện, mọi người cần tuân thủ các quy định để đảm bảo an toàn khi sử dụng. Trong đó, những vấn đề quan trọng hàng đầu là phải tắt các thiết bị nóng lạnh trước khi sử dụng. Thường xuyên kiểm tra sự an toàn của thiết bị này. Trường hợp phát hiện thiết bị bị rò điện cần xử lý sớm, tránh trường hợp đáng tiếc.

Nguyên tắc an toàn bất cứ ai cũng cần ghi nhớ đó là tắt bình nóng lạnh trước khi sử dụng. Quá trình sử dụng bình nóng lạnh, nên bật bình trước 5 - 10 phút và chỉ tắm khi đã cắt cầu dao điện hoặc công tắc ở bình nóng lạnh để đề phòng tình huống bình nóng lạnh bị rò điện.

Để bảo đảm an toàn, cần tắt bình nóng lạnh trước khi sử dụng. Ảnh minh họa

Kinh nghiệm cũng cho thấy không nên bật bình nóng lạnh 24/24 giờ. Nhiều người cho rằng trong bình chứa có bộ phận rơ-le sẽ tự động ngắt điện nên bật bình nóng lạnh liên tục 24/24. Điều này không chỉ gây tốn điện, mà còn khiến bình nhanh giảm tuổi thọ và dễ bị rò điện.

Hiện nay, hầu như các bình nóng lạnh mới sử dụng đều được trang bị đầy đủ các hệ thống an toàn từ nhà sản xuất. Nhưng trong quá trình lắp đặt hay sau một thời gian sử dụng, những chiếc bình nóng lạnh đều có nguy cơ rò rỉ điện. Do vậy, người dùng nên thường xuyên kiểm tra xem bình nóng lạnh có bị rò rỉ điện hay rơ lỏng các bộ phận hay không. Kiểm tra định kỳ các thiết bị điện gia dụng trong nhà là việc làm rất quan trọng. Đặc biệt với bình nóng lạnh do thường xuyên hoạt động trong môi trường nước, ẩm. Nếu phát hiện ra bình nóng lạnh rò rỉ nước ở các khớp nối giữa bộ phận, cần nhanh chóng khắc phục, bởi hiện tượng này chứng tỏ hệ thống bình nóng lạnh đang bị hở và có thể tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên chọn loại bình nóng lạnh có khả năng chống bỏng, chống giật, có chế độ bảo hành tốt. Hệ thống chống giật (ELCB) có thể nằm trong máy hoặc phía ngoài, nối với nguồn điện. Khi có hiện tượng rò rỉ hoặc có xung điện, hệ thống này sẽ tự ngắt nguồn, bảo vệ an toàn cho cả người và thiết bị. Nếu loại bình nóng lạnh đang sử dụng không có hệ thống chống giật, người dùng có thể lắp thêm hay đơn giản là nối dây tiếp đất để bảo vệ an toàn cho người sử dụng, nhất là loại bình nóng nhanh. Thực tế, nhiều trường hợp bình nóng lạnh không lắp dây tiếp đất, nếu dây may so chẳng may bị bong lớp cách điện và vỏ bình bị rò điện thì người dùng sẽ gặp nguy hiểm khi sử dụng.

Đặc biệt, với trẻ nhỏ khi sử dụng bình nóng lạnh nói riêng và các thiết bị điện nói chung, cần có người lớn ở nhà để đề phòng các trường hợp nguy hiểm trẻ không thể tự xử lý.

Trong tình huống gặp nạn nhân bị điện giật do bình nóng lạnh bị rò điện, người cấp cứu cần ngắt ngay nguồn điện, sập cầu dao tổng để bảo đảm cắt hết các nguồn điện. Sau đó, căn cứ vào tình trạng cụ thể của nạn nhân để sơ cứu tại chỗ. Trường hợp nạn nhân tỉnh thì cần đưa nạn nhân đến vị trí an toàn hơn, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu. Nếu nạn nhân đã bị bất tỉnh hoàn toàn, không thấy bệnh nhân thở, không nghe thấy nhịp tim thì cần cấp cứu ngừng tuần hoàn ngay lập tức. Sau khi nạn nhân thở và có nhịp tim trở lại thì cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ kiểm tra, theo dõi và tiếp tục áp dụng các biện pháp xử lý cần thiết./.

Nguyễn Thị Hoàn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực