Chiều 3/12, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã vinh danh và trao 19 Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2024 (Smart City 2024).
Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của Hội nghị Thành phố Thông minh Việt Nam - châu Á 2024 (diễn ra trong 2 ngày 2-3/12 tại Hà Nội).
Năm 2024, Ban tổ chức Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam đã nhận được 70 đề cử. Sau các vòng sơ tuyển, thuyết trình thẩm định và chung tuyển, Hội đồng giám khảo đã quyết định trao 19 giải, trong đó có 10 đề cử từ các thành phố và 9 giải pháp công nghệ.
|
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phát biểu tại sự kiện. |
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho biết, Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam nhằm tôn vinh những địa phương, tổ chức và doanh nghiệp có sản phẩm công nghệ tiên phong, tiêu biểu trong hành trình xây dựng đô thị thông minh. Trong 5 năm qua, Giải thưởng đã góp phần đồng hành cùng Chính phủ cũng như các tỉnh, thành phố và các đơn vị trong công tác xây dựng, phát triển đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam.
Đánh giá về Giải thưởng Thành phố thông minh năm nay, TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng cho biết: Năm nay, Ban tổ chức đã kịp thời đưa thêm tiêu chí “xanh” vào chương trình để phù hợp với mục tiêu kép của công cuộc chuyển đổi số quốc gia là “Số đi cùng Xanh”. Bắt kịp với xu thế, các đề cử của giải thưởng năm nay có chất lượng rất tốt. Những đơn vị, sản phẩm đoạt giải đều được Hội đồng giám khảo đánh giá dựa trên các tiêu chí: Thông minh - Bền vững - Đổi mới sáng tạo.
|
Ban Tổ chức vinh danh và trao tặng giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam năm 2024 cho các thành phố đoạt giải. |
Qua mỗi năm, Ban tổ chức giải thưởng nhận thấy sự tiến bộ, thay đổi rõ rệt trong các đơn vị tham gia như: Thành phố Đà Nẵng, thành phố Thủ Đức, thành phố Tây Ninh, thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, Đà Nẵng luôn giữ vững vị trí tiên phong trong công cuộc xây dựng thành phố thông minh và một lần nữa khẳng định danh hiệu “Thành phố đáng sống, đáng đến của thế giới”; vinh dự nhận giải thưởng cao nhất “Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2024” cùng các danh hiệu: Thành phố Điều hành, quản lý thông minh (IOC); Thành phố hấp dẫn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo; Thành phố Quản lý môi trường thông minh, xanh, sạch.
Bên cạnh đó, Giải thưởng cũng ghi nhận thay đổi của các thành phố nỗ lực ứng dụng công nghệ để chuyển đổi theo hướng thông minh hơn.
Hiện nay, quá trình chuyển đổi số, thông minh hóa của Việt Nam đang ở giai đoạn đầu tiên. Những năm tới, Ban Tổ chức sẽ tiếp tục nâng cao tiêu chí, sức lan tỏa và giá trị của Giải thưởng, để các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có thể thấy rõ “sức nóng” của lĩnh vực Thành phố Thông minh và tích cực tham gia với nhiều thành tựu nổi bật hơn.
Năm nay, các thành phố đoạt giải đã mang đến những bước tiến vượt bậc:
*Thành phố Hà Nội được ghi nhận về sự tiên phong đổi mới dịch vụ công và hạ tầng thông minh với danh hiệu Thành phố Dịch vụ Công thông minh; Thành phố Hạ tầng thông minh.
*TP. Hồ Chí Minh – đầu tàu kinh tế năng động của cả nước và TP. Thủ Đức, TP. Tây Ninh là những “ngôi sao đang lên” được vinh danh tại hạng mục: Thành phố Điều hành, quản lý thông minh (IOC).
Đây là các thành phố đang không ngừng mở rộng hệ sinh thái đô thị thông minh, khuyến khích và đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến, phục vụ mọi mặt đời sống cho hơn 11 triệu dân cư.
Thành phố đã đưa vào vận hành hệ thống quản trị thực thi trên các nền tảng số, giúp các cơ quan Nhà nước quản trị và vận hành dựa trên dữ liệu như nền tảng số giải quyết thủ tục hành chính với 100% thủ tục hành chính được số hóa và cung cấp trực tuyến; nền tảng giải quyết kiến nghị Người dân, doanh nghiệp qua cổng 1022; nền tảng lắng nghe mạng xã hội đến các nền tảng lĩnh vực chuyên ngành như y tế với hồ sơ sức khỏe điện tử, giáo dục với Hệ thống Tuyển sinh đầu cấp trực tuyến; Giao thông như giám sát giao thông, điều khiển tín hiệu đèn, hỗ trợ xử lý vi phạm; Nền tảng bản đồ số Thành phố và tổng hợp thông tin kinh tế xã hội. Hệ thống quản trị, thực thi số đã giúp Thành phố quản trị, điều hành tốt hơn và nâng cao chất lượng dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.
*Thành phố Cao Lãnh trong năm đầu tiên tham gia giải thưởng đã đạt danh hiệu Thành phố Giáo dục thông minh khi triển khai thành công: Nền tảng quản trị nhà trường tích hợp không gian làm việc số tới 100% cơ sở giáo dục; 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức 4; Trên 90% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng; Trên 80% cuộc họp của Phòng GD&ĐT với các cơ sở giáo dục được tổ chức theo hình thức hội nghị trực tuyến.
|