Đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về chữ ký số

Thứ ba, 03/12/2024 15:10
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Các giao dịch điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến, trở thành xu thế tất yếu của xã hội. Trong đó, chữ ký số chuyên dùng công vụ giữ vai trò hết sức quan trọng, đảm bảo xác thực, an toàn thông tin trong giao dịch điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước.

Luật Giao dịch điện tử năm 2023 quy định: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ. Nghị định 68/2024/NĐ-CP quy định: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chỉ đạo Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng công vụ. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực chữ ký số chuyên dùng công vụ, nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng chữ ký số của các ban, bộ, ngành, địa phương.

Thực hiện quy định của pháp luật về chữ ký số chuyên dùng công vụ, thời gian qua, Ban Cơ yếu Chính phủ đã tích cực, chủ động tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước và triển khai cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cho các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức thuộc hệ thống chính trị.

Tính đến tháng 11/2024, hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ đã đảm bảo hơn 1 triệu chứng thư chữ ký số cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trung bình, mỗi ngày có hơn 5 triệu lượt truy cập dịch vụ chứng thực chữ ký số. Qua công tác kiểm tra thực tế và thống kê trên hệ thống, 100% cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã ứng dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ; hệ thống quản lý văn bản điều hành của 63 tỉnh/thành phố kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia đã được tích hợp và sử dụng hiệu quả chữ ký số chuyên dùng công vụ.

 Đồng chí Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ, chủ trì, phát biểu tại Hội nghị Ban soạn thảo xây dựng Nghị định 68/2024/NĐ-CP. (Ảnh: Thanh Ngoan)

Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực chữ ký số chuyên dùng công vụ, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của các ban, bộ, ngành, địa phương, thời gian tới, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ, cần tập trung tham mưu cho Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, hoàn thiện, triển khai hiệu quả hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Trong suốt chặng đường phát triển, Hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ luôn được quan tâm và thể chế hóa bằng hệ thống văn bản pháp quy. Đến nay, đã có 02 Luật, 03 Nghị định, 03 Thông tư quy định trực tiếp và 35 văn bản quy phạm pháp luật quy định liên quan lĩnh vực chữ ký số chuyên dùng công vụ. Hiện tại, lĩnh vực này được thực hiện theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử năm 2023 và Nghị định 68/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Có thể nói, lần đầu tiên, chữ ký số chuyên dùng công vụ được pháp lý hóa bằng Nghị định riêng của Chính phủ, giúp cho việc cung cấp, quản lý, sử dụng thống nhất, đồng bộ, hiệu quả trên toàn quốc.

Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý trong quá trình triển khai ứng dụng, đồng thời tăng cường công tác đảm bảo an toàn, dễ dàng, thuận tiện trong quá trình khai thác, sử dụng, thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ. Cụ thể: xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các Thông tư quy định về tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật liên quan lĩnh vực chữ ký số chuyên dùng công vụ; tham mưu nội dung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chữ ký số chuyên dùng công vụ phục vụ xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 120/2023/NĐ-CP ngày 09/10/2023 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.

Thứ hai, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, tuyên truyền, tập huấn về chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Công tác kiểm tra là hoạt động hết sức quan trọng, cần thực hiện thường xuyên nhằm đánh giá thực trạng tình hình ứng dụng chữ ký số, qua đó, kịp thời phát hiện những tồn tại, khó khăn trong công tác quản lý, sử dụng để có biện pháp khắc phục, điều chỉnh bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ và đúng quy định. Đến cuối năm 2024, Ban Cơ yếu Chính phủ đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức các đoàn công tác thực hiện kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ tại 12 bộ, ngành và 44 tỉnh, thành phố. Để góp phần đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước, thời gian tới, cần tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng chữ ký số tại các cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng chữ ký số cần có trình độ, kiến thức nhất định về công nghệ thông tin. Do đó, công tác tuyên truyền, tập huấn về chữ ký số cần được quan tâm, chú trọng, đảm bảo 100% đối tượng cấp chứng thư chữ ký số được tham gia tập huấn, hướng dẫn trước khi sử dụng. Để làm tốt hoạt động này, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin cần tiếp tục phối hợp với cơ quan tham mưu của các ban, bộ, ngành, địa phương tổ chức các hội nghị, hội thảo, các lớp tập huấn nhằm tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về chữ ký số chuyên dùng công vụ và hướng dẫn, hỗ trợ người dùng ứng dụng hiệu quả trong điều hành, tác nghiệp.

 Ban Cơ yếu Chính phủ làm việc với tỉnh Điện Biên về tình hình ứng dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2024. (Ảnh: Thanh Ngoan)

Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động phân cấp, phân quyền cho các ban, bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai cung cấp một số dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Việc thay đổi vị trí công tác, thay đổi chức danh, chức vụ của cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị diễn ra thường xuyên, do đó, nhu cầu thay đổi nội dung thông tin chứng thư chữ ký số để phù hợp, chính xác với vị trí công tác mới là rất lớn. Hơn nữa, chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ có thời hạn sử dụng nhất định, khi sắp hết thời hạn, thuê bao sẽ có nhu cầu gia hạn để quá trình ký số được liên tục, thông suốt. Vì vậy, hầu hết các ban, bộ, ngành, địa phương đều có nhu cầu chủ động cung cấp dịch vụ gia hạn, thay đổi nội dung thông tin chứng thư chữ ký số, khôi phục thiết bị lưu khóa bí mật cho các thuê bao trong phạm vi quản lý.

Thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều 34 Nghị định 68/2024/NĐ-CP và đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tế, thời gian qua, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin đã tham mưu Ban Cơ yếu Chính phủ xây dựng quy trình nghiệp vụ phục vụ phân quyền cung cấp dịch vụ gia hạn, thay đổi nội dung thông tin chứng thư chữ ký số, khôi phục thiết bị lưu khóa bí mật cho các ban, bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện. Đồng thời, tập trung hoàn thiện giải pháp kỹ thuật, nghiệp vụ triển khai phân quyền đảm bảo an toàn, thuận lợi và đúng quy định. Thời gian tới, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan tham mưu của các ban, bộ, ngành, địa phương thực hiện phân quyền cung cấp một số dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ đảm bảo hiệu quả, chất lượng.

Thứ tư, tăng cường công tác báo cáo, thống kê, dự báo tình hình, nắm bắt nhu cầu sử dụng chữ ký số.

Công tác báo cáo, thống kê giúp xác định thực trạng về cung cấp, quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ làm cơ sở tham mưu thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước. Hiện nay, chữ ký số chuyên dùng công vụ được ứng dụng rộng rãi tới cán bộ, công chức, viên chức tham gia hoạt động công với số lượng lớn và tăng mạnh theo từng năm. Để tăng cường công tác báo cáo, thống kê, thời gian tới, cần đẩy mạnh cung cấp dịch vụ chứng thực trên môi trường điện tử, không triển khai trên môi trường giấy tờ truyền thống. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện công tác quản lý, cung cấp dịch vụ trên Cổng dịch vụ công của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Thực hiện Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, nhu cầu sử dụng chữ ký số của các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng mạnh. Do đó, công tác dự báo tình hình, nắm bắt nhu cầu sử dụng chữ ký số là hết sức cần thiết để có kế hoạch chuẩn bị và cung cấp kịp thời, đầy đủ, nhanh chóng theo yêu cầu của đơn vị. Thời gian tới, cần tiếp tục chủ động, triển khai tốt công tác khảo sát, nắm bắt nhu cầu và dự báo tình hình, số lượng trong tương lai để có phương án đảm bảo đúng thời gian, đối tượng.

Chữ ký số chuyên dùng công vụ ngày càng phát huy vai trò, hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan thuộc hệ thống chính trị và cán bộ, công chức, viên chức thi hành công vụ. Hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực chữ ký số chuyên dùng công vụ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định, đảm bảo cung cấp dịch vụ chứng thực hiệu quả, chất lượng.

Với mục tiêu và quan điểm như vậy, thời gian tới, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin sẽ tiếp tục tập trung tham mưu cho Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện tốt quy định của pháp luật về chữ ký số chuyên dùng công vụ, đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước, đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu ứng dụng chữ ký số của các ban, bộ, ngành, địa phương, góp phần xây dựng nền hành chính công hiện đại, minh bạch, cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia./.

Đặng Duy Mẫn (Ban Cơ yếu Chính phủ)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực