|
Định giá carbon là một công cụ tiềm năng để giải quyết biến đổi khí hậu.
(Ảnh: Health Academy) |
Hạn hán, hỏa hoạn, sóng nhiệt và lũ lụt sẽ gây thiệt hại lớn cho các nền kinh tế giàu có nhất thế giới trong vòng 30 năm; Nông nghiệp, du lịch và các ngành ven biển có nguy cơ cao nhất - đe dọa nguồn cung cấp lương thực, sinh kế của hàng triệu người và thiệt hại GDP quốc gia lên tới 13% vào năm 2100; Cần thiết phải cắt giảm lượng khí thải nhanh chóng để ngăn chặn các tác động xấu nhất và ổn định nền kinh tế.
Đây là những nội dung chính trong báo cáo của Trung tâm Biến đổi Khí hậu châu Âu - Địa Trung Hải (CMCC) (Trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Italia về biến đổi khí hậu và là đầu mối quốc gia của Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC)) công bố hôm nay 28/10.
Báo cáo chỉ ra các tác động khí hậu sẽ gây thiệt hại nặng nề cho các nước G20 nếu không thực hiện các hành động khẩn cấp để giảm lượng khí thải.
Nghiên cứu đầu tiên về vấn đề này cũng đưa ra bản đồ tác động khí hậu của G20, đối chiếu các dự báo khoa học về tác động khí hậu sẽ diễn ra như thế nào ở các quốc gia giàu nhất thế giới trong những năm tới. Nghiên cứu phát hiện ra rằng biến đổi khí hậu sẽ tác động theo chiều xoắn ốc gây ra thiệt hại nghiêm trọng trên toàn khối G20 nếu theo con đường phát thải cao.
Nghiên cứu cho thấy nhiệt độ tăng và các đợt nắng nóng gay gắt có thể gây ra hạn hán nghiêm trọng; đe dọa nguồn cung cấp nước thiết yếu cho nông nghiệp, gây thiệt hại lớn về người và tăng khả năng xảy ra hỏa hoạn chết người. Ở các quốc gia cụ thể, điều này có nghĩa là: Các đợt nắng nóng có thể kéo dài hơn ít nhất 10 lần ở tất cả các nước G20, với các đợt nắng nóng ở Argentina, Brazil và Indonesia kéo dài hơn 60 lần vào năm 2050. Tại Ấn Độ, sản lượng gạo và lúa mì sụt giảm có thể gây ra thiệt hại kinh tế lên tới 81 tỷ euro và khiến nông dân mất đi 15% thu nhập vào năm 2050. Tại Úc, cháy rừng, lũ lụt ven biển và bão có thể làm tăng chi phí bảo hiểm và giảm 611 tỷ AUD giá trị tài sản vào năm 2050.
Báo cáo cho thấy, nếu không có hành động khẩn cấp để giảm lượng khí thải carbon, thiệt hại GDP do tác hại của khí hậu ở các nước G20 sẽ tăng mỗi năm, lên ít nhất 4% hàng năm vào năm 2050. Con số này có thể đạt trên 8% vào năm 2100, tương đương với thiệt hại kinh tế gây ra cho các nước trong khối lớn gấp đôi so với đại dịch Covid-19. Một số quốc gia thậm chí sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn, chẳng hạn như Canada, có thể giảm ít nhất 4% GDP vào năm 2050 và hơn 13% - 133 tỷ euro - vào năm 2100.
Giáo sư Donatella Spano thuộc trung tâm CMCC, người điều phối báo cáo, cho biết: “Từ hạn hán, sóng nhiệt và mực nước biển dâng, đến sự sụt giảm của nguồn cung cấp lương thực và các mối đe dọa đối với ngành du lịch - những phát hiện này cho thấy biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế lớn nhất thế giới như thế nào, trừ khi chúng ta hành động ngay bây giờ. Là các nhà khoa học, chúng tôi biết rằng chỉ có hành động nhanh chóng để giải quyết lượng khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu mới giúp hạn chế được những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới, chúng tôi mời các chính phủ G20 lắng nghe khoa học và đưa thế giới vào con đường hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, công bằng hơn và ổn định hơn”.
Từ xói mòn bờ biển đến sự lây lan của các bệnh nhiệt đới, mọi quốc gia G20 đều có nguy cơ chịu tác động của biến đổi khí hậu. Nghiên cứu cho thấy: Ở châu Âu, số ca tử vong do nắng nóng khắc nghiệt có thể tăng từ 2.700 người mỗi năm lên 90.000 người mỗi năm vào năm 2100 nếu theo con đường phát thải cao. Đến năm 2050, sản lượng đánh bắt cá tiềm năng có thể giảm 1/5 ở Indonesia - làm mất đi sinh kế của hàng trăm nghìn người. Mực nước biển dâng có thể phá hủy cơ sở hạ tầng ven biển trong vòng 30 năm, trong đó Nhật Bản có thể mất 404 tỷ euro và Nam Phi 815 triệu euro vào năm 2050, nếu theo con đường phát thải cao.
Ngược lại, các nước G20 càng nhanh chóng áp dụng các chính sách carbon thấp, thì tác động của khí hậu càng giảm và càng dễ xử lý hơn. Giới hạn nhiệt độ tăng lên 2°C có thể khiến thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu trong khối các nước G20 giảm xuống chỉ còn 0,1% tổng GDP vào năm 2050 và 1,3% vào năm 2100. Theo Thỏa thuận Paris năm 2015, các quốc gia đã đồng ý hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu ở "dưới" 2°C - tuy nhiên, các chính sách và lời hứa hiện tại có thể đưa thế giới đi theo hướng tăng nhiệt độ trong khoảng 3°C.
Bà Laurence Tubiana, người đứng đầu Tổ chức Khí hậu châu Âu và là một trong những kiến trúc sư của Thỏa thuận Paris, cho biết: “Cơ hội hành động đang đóng lại nhanh chóng. Khi các nước G20 khuyến khích phục hồi kinh tế sau Covid-19 và chuẩn bị các kế hoạch khí hậu trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), họ phải đối mặt với một lựa chọn cấp bách: bảo vệ nền kinh tế toàn cầu và chuyển đổi nhanh chóng sang một tương lai carbon thấp; hoặc làm trật bánh nền kinh tế toàn cầu bằng cách theo đuổi các chính sách gây ô nhiễm. Đã đến lúc G20 phải biến chương trình nghị sự kinh tế của mình thành một chương trình nghị sự về khí hậu”.
Bản đồ Rủi ro Khí hậu G20 cung cấp một bức tranh toàn cảnh về các xu hướng lịch sử và những thay đổi trong tương lai của thực trạng khí hậu trong G20, sử dụng các tài liệu và dữ liệu sẵn có, đồng thời tổng hợp thông tin cụ thể của từng quốc gia trong một cấu trúc đồng nhất và linh hoạt. Thông tin thu được từ các bài tập mô hình hóa, phân tích dữ liệu, việc sử dụng các chỉ số và khảo sát các tài liệu khoa học gần đây nhất, bao gồm các bài báo được đánh giá ngang hàng, báo cáo kỹ thuật và tài liệu truy cập mở từ các dự án Horizon 2020.
Bản đồ rủi ro khí hậu trình bày thông tin về tác động của biến đổi khí hậu đối với từng quốc gia G20 theo 11 chỉ số: Khí hậu, Đại dương, Vùng biển, Nước, Nông nghiệp, Rừng và Hỏa hoạn, Đô thị, Y tế, Năng lượng, Tác động Kinh tế và Chính sách.
|