|
Ảnh minh họa. Nguồn: TL |
Năm 2023, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", với mục tiêu đào tạo 50 - 100 nghìn kỹ sư bán dẫn.
Theo đánh giá các chuyên gia, Việt Nam có lợi thế để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam có trữ lượng đất hiếm phục vụ cho công nghiệp bán dẫn và cũng là một trong số ít nước có 20 năm làm công nghiệp bán dẫn, có những nền tảng bước đầu… Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế trên để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn, thách thức…
Nhiều thách thức trong đào tạo nhân lực vi mạch
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, lĩnh vực bán dẫn trong 20 năm qua có nhiều trường đại học, trong đó có Đại học Quốc gia và Đại học Bách khoa đã xây dựng những nhóm nghiên cứu mạnh, có những đề án nghiên cứu lớn. Vào những năm 2000, đã có những dự án gần 100 tỷ để phát triển sản phẩm.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận có những thứ chưa đạt được, chưa thành công, mặc dù chúng ta nghiên cứu, làm ra được sản phẩm. “Chúng ta đã làm được những con chip nhưng vấn đề lớn nhất là không bán được, không có thị trường. Trong khi đó, kinh nghiệm của doanh nghiệp các nước trên thế giới đều xuất phát từ chiến lược làm khảo sát thị trường và chọn sản phẩm tiếp cận thị trường”, Thứ trưởng cho hay.
Theo Thứ trưởng để phát triển lĩnh vực này, cách thức đào tạo hiện nay cần phải theo hướng phát triển hệ sinh thái, các trung tâm đào tạo phải gắn liền với các trường đại học và các doanh nghiệp, tức là chỗ nào càng gần doanh nghiệp thì đầu ra càng chất lượng, càng tốt.
Thứ trưởng lấy ví dụ, hiện nay chúng ta đang làm khá tốt, bắt đầu nhen nhóm ở Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, đã có doanh nghiệp đặt đặt hàng trung tâm đào tạo, lấy sinh viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo thêm 6 tháng nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.
Chia sẻ về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn, PGS.TS. Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay trường đã hoàn thành chiến lược ba ngành trọng tâm: Công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, và công nghệ sinh học.
Riêng đối với ngành bán dẫn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu từ giờ đến năm 2030, đào tạo được 1.800 kỹ sư, chiếm 12% so với tổng số kỹ sư mà Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" đưa ra.
“Chúng tôi mong muốn đào tạo chuyển đổi được khoảng 15.000 cử nhân có bằng cấp muốn chuyển qua hoạt động trong một công đoạn nào đó của lĩnh vực công nghệ bán dẫn, bao gồm cả đóng gói. Chúng tôi cũng mong muốn đào tạo được khoảng 500 thạc sĩ, tiến sĩ”, PGS.TS. Vũ Hải Quân chia sẻ.
Tuy nhiên, PGS.TS. Vũ Hải Quân cho rằng có 5 thách thức trong quá trình đào tạo nhân lực vi mạch: Thứ nhất là nguồn tuyển. Hiện nay các em sinh viên vẫn còn mơ hồ về ngành thiết kế vi mạch nói riêng và công nghệ bán dẫn.
Thứ hai là đội ngũ đảm nhận. Ngay cả Đại học Quốc gia quy mô lớn như vậy nhưng tốt nghiệp chuyên ngành về bán dẫn là tiến sĩ chỉ đếm trên đầu ngón tay
Thứ ba là chương trình đào tạo mới và thay đổi liên tục.
Thứ tư là chỗ thực tập cho sinh viên. Học ngành này, ngoài những lý thuyết trên lớp còn phải thực tập, thực hành thực tiễn thì mới có thể bắt tay vào làm việc được. Cuối cùng là các nghiên cứu về đổi mới sáng tạo và startup.
Đề xuất giải pháp đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực này, PGS.TS. Vũ Hải Quân cho hay, đội ngũ giảng viên là vấn đề quan trọng. “Chúng ta đã đặt ra mục tiêu đào tạo các chuyên gia, nhưng sẽ có 2 nhóm chuyên gia, nhóm có thể giảng dạy được và nhóm chuyên gia đầu ngành. Điều này cần sự định hướng dài hơi bởi phải gắn với các chương trình nghiên cứu, gắn với chương trình đào tạo dài hạn”, PGS.TS. Vũ Hải Quân đề xuất.
Ngoài ra, PGS.TS. Vũ Hải Quân cũng cho rằng, cần có cơ chế không chỉ là bồi dưỡng mà phải thu hút được các chuyên gia, thu hút các sinh viên giỏi tham gia trong lĩnh vực này.
Giải bài toán thiếu nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn
Còn theo ông Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội: Đào tạo học viên, giảng viên rất cần thiết. ĐH Bách khoa Hà Nội đã xây dựng một đề án thu hút nguồn nhân lực cao ở tất cả các lĩnh vực. Dự kiến, đến năm 2030, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ quyết liệt thu hút nhân tài để trở thành giảng viên. Việc thu hút nhân lực cao để trở thành các giảng viên xuất sắc rất cần thiết.
Theo ông Huỳnh Quyết Thắng, hiện nay ĐH Bách khoa Hà Nội đã có cơ chế riêng để thu hút đội ngũ này. Vừa qua, trường đã tuyển dụng được 2-3 phó giáo sư xuất sắc ở nước ngoài quay trở về Việt Nam làm việc. Đây cũng là giải pháp để giải bài toán thiếu nguồn nhân lực hiện nay. “Họ sẽ là nguồn lực để phát triển các phòng thí nghiệm nghiên cứu, họ cũng sẽ là chủ lực chia sẻ kinh nghiệm và chúng ta có thể đào tạo lại nguồn giảng viên”, ông Huỳnh Quyết Thắng chia sẻ.
Ông Huỳnh Quyết Thắng cho biết, phát triển công nghiệp bán dẫn là chủ chốt, mũi nhọn, nhưng kèm theo đó là cả một hệ thống các ngành công nghiệp phụ trợ đi cùng, các ngành này sẽ từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp này sẽ xuất phát từ đổi mới sáng tạo của các em sinh viên. ĐH Bách khoa đang tiếp cận theo hướng này.
Các chuyên gia cũng cho rằng, ngành công nghiệp bán dẫn là đầu vào của ngành công nghiệp điện tử, chiến lược công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam đã đặt công nghiệp bán dẫn trong một bức tranh lớn hơn là công nghiệp điện tử; chưa có quốc gia nào "hóa rồng", "hóa hổ" mà không có ngành công nghiệp điện tử. Các quốc gia lớn ngành công nghiệp bán dẫn ở khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đều có nền công nghiệp điện tử phát triển.
Vì vậy, công nghiệp bán dẫn Việt Nam phải đi song hành với công nghiệp điện tử, nhân lực bán dẫn cũng phải đi song hành với nhân lực công nghiệp điện tử./.