Giải pháp logistics bền vững trong chuyển đổi công nghiệp

Thứ ba, 24/09/2024 15:35
(ĐCSVN) - Ngày 24/9, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp xanh với chủ đề “Giải pháp logistics bền vững trong chuyển đổi công nghiệp: Từ nhà máy đến khu công nghiệp và cảng biển”.
Toàn cảnh Diễn đàn. (Ảnh: CM) 

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Giám đốc ITPC Cao Thị Phi Vân cho biết: TP Hồ Chí Minh vừaban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024 - 2030 nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, Thành phố hướng tới thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, từ đó tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

Với kế hoạch này, TP Hồ Chí Minh đưa ra 14 nhóm nhiệm vụ chính bao gồm: tài chính xanh, nhân lực chất lượng cao, kết nối xanh, năng lượng xanh, nước sạch và tuần hoàn nước, tuần hoàn vật liệu, tiêu dùng xanh, giao thông xanh, tòa nhà xanh và tiết kiệm năng lượng, khởi nghiệp khoa học và đổi mới sáng tạo xanh, mảng xanh đô thị, nông nghiệp xanh, hệ sinh thái Cần Giờ xanh. Đây đều là những nhiệm vụ cấp thiết giúp thúc đẩy nền kinh tế của Thành phố theo hướng bền vững và giảm thiểu các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu.

Một trong những ưu thế của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế là việc tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA. Các hiệp định này đặt ra yêu cầu cao về quy trình sản xuất với tiêu chí năng lượng xanh và nguyên liệu sạch, tạo ra cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong việc đổi mới quy trình sản xuất và đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế về bền vững.

Từ mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xanh, TP Hồ Chí Minh đã và đang phối hợp cùng các đối tác trong và ngoài nước thực hiện mục tiêu phát triển trên cơ sở tính chất đặc trưng vùng miền và địa lý khu vực để tìm ra hướng phát triển xanh phù hợp. Tại TP Hồ Chí Minh, sự phát triển xanh không chỉ là giải pháp để bảo vệ môi trường mà còn là động lực thúc đẩy chuyển dịch chất lượng phát triển kinh tế, hướng đến một xã hội phát triển bền vững.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp xanh, các diễn giả trình bày các chủ đề quan trọng về logistics bền vững và phát triển công nghiệp xanh, như: Tài chính xanh: Tiếp cận lãi suất thấp hoặc tài trợ cho các dự án xanh thông qua sự hợp tác với các tổ chức tài chính EU; Định hướng tăng trưởng xanh lĩnh vực logistics; Giới thiệu giải pháp bao gồm các chủ đề như: năng lượng tự chủ và phương tiện vận tải hiệu quả, hiệu quả từ công nghệ và các giải pháp tích hợp, nhà đầu tư và nhà cung cấp giải pháp xanh; Chuyển đổi xanh ở các quốc gia và bài học kinh nghiệm cho phát triển bền vững ở Việt Nam; Thực tiễn chuyển đổi công nghiệp cho phát triển bền vững trong tương lai...

Chia sẻ những giải pháp phát triển logistics xanh trên địa bàn TP, ông Cao Minh Nghĩa, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, từ phía Nhà nước cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy việc áp dụng công nghệ thông tin, hạn chế việc sử dụng văn bản in ấn thông thường, tiết kiệm thời gian xử lý thông tin; xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm xanh hóa hoạt động logistics, tạo thuận lợi cho vận tải đa phương thức; hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ cho hoạt động logistics xanh, đặc biệt là các quy định về kiểm soát ô nhiễm không khí, điều chỉnh phát thải khí thải, hạn chế lượng khí CO2 từ các phương tiện vận tải; ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển logistics xanh, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; xây dựng Bộ tiêu chí đo lường mức độ phát triển logistics xanh hay chỉ số năng lực phát triển logistics xanh.

Đặc biệt, từ phía doanh nghiệp cần xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện chiến lược phát triển logistics xanh; kiểm soát logistics xanh ngay tại kho; cải tiến chất lượng phương tiện vận tải; triển khai công nghệ và công nghệ thông tin tiên tiến; tận dụng các ưu đãi của Nhà nước; hợp tác giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics./.

CM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực