Chính phủ đã gửi báo cáo đến Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17/11/2020 về việc tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Theo đó, đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ, Chính phủ cho biết đã có nhiều cơ chế khuyến khích liên kết, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, hợp tác và nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến của thế giới.
|
Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: PT) |
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh liên kết, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp. Chẳng hạn, ban hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; quy định về tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện thông thoáng hơn cho doanh nghiệp và thúc đẩy thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao; với những quy định mang tính mở hơn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp quy mô lớn.
Mặt khác sửa đổi, bổ sung các quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyển đã qua sử dụng theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp công nghệ cao, dự án có hoạt động ứng dụng công nghệ cao, dự án được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt; thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Quy định về cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao, tạo hành lang pháp lý để triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thu hút các dự án đầu tư lớn, tác động lan tỏa; nâng cao trình độ, năng lực công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước.
Đồng thời các chính sách ưu đãi trực tiếp đối với hoạt động chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ cũng được triển khai.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn từ năm 2021-2022, theo số liệu thống kê chuyển giao công nghệ của các địa phương, cả nước có 161 hợp đồng chuyển giao công nghệ (bao gồm cả hợp đồng được gia hạn, sửa đổi, bổ sung), với giá trị các hợp đồng khoảng trên 30 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có 130 hợp đồng chuyển giao công nghệ tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (chiếm 81% số lượng hợp đồng), với giá trị khoảng trên 28 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 93% giá trị các hợp đồng).
Chính phủ cho biết, các hợp đồng chuyển giao công nghệ chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất điện tử, ô tô, xe máy (bao gồm sản xuất linh kiện, phụ tùng), dược phẩm, thiết bị y tế, hóa dầu, mỹ phẩm, đồ uống, sinh học, chăn nuôi, khai chế biến khoảng sản, xây dựng./.