Kết nối, truyền cảm hứng và văn hóa yêu khoa học đến công chúng​

Thứ tư, 03/11/2021 09:54
(ĐCSVN) - Công tác truyền thông KH&CN cần trở thành cầu nối hữu dụng hơn nữa, đưa tri thức và tiến bộ KH&CN đến nhanh hơn với quảng đại quần chúng và đời sống sản xuất, xã hội; góp phần hình thành văn hóa ĐMST và nuôi dưỡng tình yêu khoa học trong giới trẻ, giúp tạo ra một xã hội tôn trọng khoa học và có tư duy sáng tạo vì đây là nhân tố quan trọng để duy trì một xã hội phát triển bền vững.

“Tri thức khoa học sẽ mãi ở trong tháp ngà khoa học nếu không được truyền bá và ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội”. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt trong Thư chúc mừng nhân Ngày KH&CN Việt Nam 18/5/2021 đã nhấn mạnh vai trò, sứ mệnh của hoạt động truyền thông KH&CN. KH&CN ngày càng phát triển với nhiều thành tựu khẳng định vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội. Nhằm góp phần đưa tri thức đến với cuộc sống, hoạt động truyền thông luôn song hành, không chỉ chuyển tải thông tin mà còn là cầu nối, truyền bá văn hóa yêu khoa học đến với công chúng, xây dựng xã hội trọng khoa học và phát triển đất nước dựa vào KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST).

Nhìn từ thế giới

KH&CN ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí là quốc sách hàng đầu. 

Đảng và Nhà nước đã xác định, đánh giá cao giá trị trí tuệ cũng như vai trò, vị trí và luôn coi KH&CN là quốc sách hàng đầu. Qua 35 năm đổi mới đất nước, KH&CN đã từng bước khẳng định vai trò động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. KH&CN hiện hữu trong tất cả các ngành, lĩnh vực, các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, những thành tựu của KH&CN đã tác động đến sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị, tạo ra sự đột phá rõ rệt trong mọi lĩnh vực của đời sống. Đồng thời, tác động lớn đến cách giao tiếp, trao đổi và tiếp cận thông tin. Theo đó, truyền thông KH&CN trở thành sức mạnh và là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của các quốc gia cũng như sự tiến bộ của xã hội.

Ở các nước có nền KH&CN phát triển (Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Australia,…), công tác truyền thông KH&CN rất được chú trọng và đều có tổ chức/cơ quan chuyên trách về truyền thông KH&CN trực thuộc Bộ của Chính phủ, được nhà nước hỗ trợ hoạt động, cũng như thiết lập cơ chế, chính sách liên quan để thực hiện nhiệm vụ. Tại Nhật Bản, Trung tâm truyền thông khoa học Nhật Bản (SMC) trực thuộc Cơ quan KHCN Nhật Bản (JST), được thành lập với mục tiêu làm cầu nối giữa các kênh truyền thông, phát triển mối liên kết giữa cộng đồng khoa học và xã hội, kết nối nhà khoa học với phóng viên báo chí.

Với mục tiêu đưa KH&CN trở thành một hoạt động mang tính văn hóa và phương châm càng hiểu biết nhiều và tạo cơ hội cho truyền thông sẽ càng thúc đẩy tri thức, tinh thần ham học hỏi về KH&CN mạnh mẽ hơn, Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản đã chú trọng đầu tư cho hoạt động truyền thông, quảng bá các sản phẩm công nghệ mới, tài trợ cho các khóa truyền thông về khoa học tại một số trường đại học. Những dự án, thành tựu KH&CN nổi bật, các sự kiện được thông tin tại câu lạc bộ báo chí của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, KH&CN (MEXT). Mạng lưới website về KH&CN, bảo tàng khoa học cũng là những kênh thuận lợi cho người dân có thể tiếp cận thông tin KH&CN ở bất cứ đâu.

Còn với Australia, truyền thông KH&CN là bộ phận không thể thiếu trong chiến lược phát triển KH&CN và là một phần quan trọng trong xã hội hiện đại. Chính phủ đã xây dựng các Trung tâm truyền thông khoa học để nhà khoa học giao lưu, trao đổi học thuật, kết nối với báo chí và cơ quan đầu mối trung ương là Trung tâm KH&CN Quốc gia (Questacon) thuộc Bộ Giáo dục, Khoa học, Sáng chế và Ngành nghề. Hoạt động truyền thông KH&CN được triển khai phong phú, đa dạng, tập trung hướng đến mục đích chủ yếu của "Sáng kiến khơi dậy Australia" - chiến lược quốc gia về truyền thông KH&CN như tổ chức Tuần lễ KH&CN quốc gia; Gánh xiếc khoa học; Quỹ khai mở tiềm năng Australia; Giải thưởng của Thủ tướng về khoa học;… Hoạt động truyền thông không chỉ đơn giản là việc các nhà khoa học nói nhiều hơn về công việc của họ hoặc tạo ra các sự kiện khoa học hấp dẫn, nó còn mang đến sự ủng hộ của công chúng cho KH&CN.

Với Trung Quốc, "Luật Phổ cập KH&CN" được triển khai rất hiệu quả, khẳng định truyền thông là hoạt động không tách rời của sự phát triển KH&CN. Tương tự, tại Hàn Quốc, hoạt động truyền thông KH&CN được coi là một thành tố quan trọng trong phát triển KH&CN. Nhận thức của công chúng về KH&CN được đưa vào điều 30 trong hoạt động khung về KH&CN năm 2008. Chính phủ đã hỗ trợ xây dựng bảo tàng khoa học, thành lập Quỹ vì sự tiến bộ của khoa học và sáng tạo (KOFAC), hỗ trợ các hoạt động thúc đẩy văn hóa KH&CN tại các cơ quan, tổ chức. Hiện Quỹ KOFAC là cơ quan chuyên trách của chính phủ tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về KH&CN. Kinh phí đầu tư của Chính phủ cho các nhiệm vụ của KOFAC lên đến hàng tỷ USD.

Hướng đi của các nước đã khẳng định sự đúng đắn khi hàng loạt các kết quả nghiên cứu được toàn xã hội biết đến và khả năng ứng dụng vào thực tế rất cao, thông tin KH&CN không chỉ ở trong “tháp ngà” mà nó thực sự gần gũi với cuộc sống.

Sứ mệnh kết nối và truyền cảm hứng

Thông qua hoạt động truyền thông, nhiều thành tựu KH&CN, câu chuyện về các gương điển hình tiên tiến được truyền tải đến với công chúng.

Trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã dành nhiều nỗ lực để nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, cơ sở hạ tầng KH&CN, tăng cường nhận thức và sự quan tâm của công chúng với KHCN&ĐMST. Lãnh đạo Bộ KH&CN qua các thời kỳ đã sớm có chủ trương phát triển hoạt động này, trong đó có việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN (STC) vào năm 2008. Đây được coi là điểm mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển của hoạt động truyền thông KH&CN ở Việt Nam. Cũng bắt đầu từ thời điểm này, các nghiên cứu bài bản, chương trình hợp tác quốc tế và trong nước, các hoạt động truyền thông KH&CN được triển khai phong phú, hiệu quả.

Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 đã xác định hoạt động tuyên truyền, phổ biến KH&CN là một trong 6 giải pháp chủ yếu. Luật KH&CN năm 2013 đã dành riêng một Điều (Điều 48) về truyền thông, phổ biến kiến thức KH&CN. Tại buổi làm việc với Bộ KH&CN mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng ngành KH&CN cần thực hiện, trong đó có nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách liên quan đến KH&CN, truyền cảm hứng, tôn vinh trí thức, nhà khoa học;…

Trong thư chúc mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5/2021, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã khẳng định: “Tri thức khoa học sẽ mãi ở trong tháp ngà khoa học nếu không được truyền bá và ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội. Công tác truyền thông KH&CN cần trở thành cầu nối hữu dụng hơn nữa, đưa tri thức và tiến bộ KH&CN đến nhanh hơn với quảng đại quần chúng và đời sống sản xuất, xã hội; khơi dậy, truyền cảm hứng và khát vọng sáng tạo trong cộng đồng; góp phần hình thành văn hóa ĐMST và nuôi dưỡng tình yêu khoa học trong giới trẻ, giúp tạo ra một xã hội tôn trọng khoa học và có tư duy sáng tạo vì đây là nhân tố quan trọng để duy trì một xã hội phát triển bền vững”.

Có thể nói, trong hơn 10 năm gần đây, chưa khi nào hoạt động truyền thông KH&CN lại được nhấn mạnh sâu sắc trong các văn bản, chỉ đạo điều hành và các diễn đàn KH&CN,... như hiện nay. Đây là kết quả của sự nỗ lực đưa truyền thông KH&CN vào đúng vị trí để thực hiện sứ mệnh cầu nối thông tin của nhiều thế hệ lãnh đạo Bộ KH&CN. Đồng thời, khẳng định hướng đi tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện nay: xã hội phát triển đến đâu sẽ có nền tảng thông tin tương ứng. Điều này củng cố lý do tại sao truyền thông KH&CN đến công chúng có vai trò xã hội thiết yếu mà cộng đồng nghiên cứu phải nắm bắt.

Công tác truyền thông KHCN&ĐMST đã có những bước chuyển biến lớn, ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng góp phần giới thiệu những thành tựu nổi bật của KH&CN trong nước và thế giới; tham mưu, tư vấn, phản biện cho các chủ trương, chính sách góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước; tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, các quy định của pháp luật về KH&CN đến với nhân dân, phổ biến tri thức, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng; cầu nối kết nối giữa cung – cầu công nghệ; góp phần đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống. Đặc biệt, đã hướng đến việc mở rộng văn hóa khoa học đó là cung cấp các kiến thức và cơ hội trải nghiệm khoa học, kĩ thuật tiên tiến; truyền cảm hứng, chắp cánh, kết nối tình yêu khoa học giữa các nhà nghiên cứu với thế hệ trẻ.

Không thể phủ nhận vai trò của báo chí là cánh tay nối dài đưa khoa KH&CN đến với công chúng. Tuy nhiên, con đường đưa báo chí, truyền thông trở thành cầu nối không dễ dàng bởi khi tiếp cận lĩnh vực này, đòi hỏi các nhà báo cần có hiểu biết chuyên sâu về KH&CN để chuyển tải những nội dung vốn khô khan trở nên dễ hiểu, hấp dẫn với độc giả. Hơn nữa, hoạt động này cũng còn không ít hạn chế như mạng lưới truyền thông KH&CN còn mỏng; chưa có sự kết nối giữa các tổ chức, địa phương; tiềm lực, nhân lực còn khiêm tốn; nội dung, hình thức truyền thông cần được đổi mới hơn nữa;... Đây là một trong những thách thức của truyền thông KH&CN trên con đường thực hiện sứ mệnh của mình.

Do đó, ngành KH&CN cần có một kế hoạch lâu dài cho hoạt động truyền thông KH&CN, nhằm giải quyết được những thách thức của hiện tại trong bối cảnh mới và truyền thông đạt hiệu quả đúng – trúng – hay. Đồng thời, góp phần khẳng định việc làm chủ những công nghệ cốt lõi và phát triển các sản phẩm “made in Vietnam” của giới khoa học và doanh nghiệp Việt Nam, và truyền thông KH&CN sẽ phát huy vai trò quan trọng trong việc truyền tải kiến thức mới, tri thức ra xã hội./.

Bài, ảnh: Hoàng Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực