Đây là lần thứ 17 cuộc thi được tổ chức cho sinh viên Việt Nam và năm thứ 6 có sự tham dự của sinh viên các nước ASEAN khác. Cuộc thi được sự bảo trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), do Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA) chủ trì, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) và Cục ATTT, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TT&TT) tổ chức. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ sự kiện thường niên “Ngày ATTT Việt Nam” năm 2024.
Cuộc thi nhằm tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về ATTT ở các cơ sở GD&ĐT bậc đại học; đồng thời đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức công nghệ hiện đại trong lĩnh vực ATTT, tăng cường cơ hội giao lưu, trao đổi kiến thức của sinh viên CNTT, ATTT các trường đại học ở các nước ASEAN.
Hoạt động này góp phần thực hiện có hiệu quả Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 06/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ATTT giai đoạn 2021 - 2025” và Quyết định 1907/QĐ/TTg ngày 23/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về ATTT giai đoạn 2021 - 2025”.
|
Các đội tham dự vòng Chung khảo cuộc thi năm 2023 tại Hà Nội. (Ảnh: TL) |
Đối tượng dự thi là sinh viên, học viên hệ cao đẳng, đại học (ĐH) đại diện cho các trường ĐH, cao đẳng và Học viện của Việt Nam và một số trường của các nước ASEAN. Thí sinh được tổ chức thành từng đội, có không quá 4 thành viên tham dự cuộc thi trên nguyên tắc tự nguyện và chấp hành theo Thể lệ cuộc thi.
Vòng Sơ khảo dự kiến diễn ra ngày 5/10/2024. Các trường được đăng ký không giới hạn số lượng đội dự thi. Dự kiến sẽ có hơn 200 đội thi của các trường ĐH ở cả 10 nước ASEAN tham dự. Tất cả các đội đều thi online theo dạng bài thi Vượt qua thử thách (jeopardy), với nội dung gồm: Pwnable (khai thác lỗ phần mềm); Reverse engineering (tập trung vào kỹ năng dịch ngược mã nguồn phần mềm); Web (các kỹ thuật tấn công vào ứng dụng web); Crypto/ACM (đánh đố giải mã, tấn công các thuật toán mã hóa, dùng kỹ năng lập trình/giải thuật để giải các trò chơi, mê cung ...).
Vòng Chung khảo dự kiến diễn ra ngày 19/10/2024, các đội ASEAN thi online, các đội Việt Nam thi tập trung ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (các trường từ Đà Nẵng trở ra Bắc thi tại Hà Nội, các trường từ Đà Nẵng trở vào Nam thi tại Thành phố Hồ Chí Minh).
Các đội thi được chia thành 2 Bảng có nội dung thi khác nhau, được tổ chức đồng thời. Bảng A gồm 20 đội thuộc nhóm các đội đạt kết quả cao nhất vòng Sơ khảo của 20 trường (mỗi trường chọn 1 đội điểm cao nhất), thi theo dạng tấn công - phòng thủ trực tiếp (attack-defense). Bảng B gồm các đội trong nhóm đạt điểm cao vòng Sơ khảo còn lại còn lại, số đội sẽ bằng số trường tham gia cuộc thi (mỗi trường chọn 1 đội có kết quả cao ở vòng Sơ khảo nhưng không vào bảng A), thi theo dạng jeopardy.
Dự kiến, mỗi bảng có 15 giải thưởng. Lễ tổng kết, trao giải cuộc thi được tổ chức cùng ngày thi vòng Chung khảo. Lễ trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (cho các đội đạt giải cao Bảng A) được thực hiện trong Hội thảo - Triển lãm quốc tế “Ngày ATTT Việt Nam 2024” tổ chức vào ngày 21/11/2024 tại Hà Nội.
Các đội thi của Việt Nam đạt kết quả cao của bảng A sẽ được VNISA đề cử tham dự các cuộc thi ATTT ở khu vực và quốc tế như ASEAN Cyber Shield, Cyber Sea Game và FIRST CTF for ASEAN trong năm tới.
Năm 2023, các đội sinh viên Việt Nam do VNISA đề cử đã đạt 2 giải Nhất, 01 giải Nhì cuộc thi ASEAN Cyber Shield 2023, 01 giải Nhì cuộc thi Cyber Sea Game 2023. Tại cuộc thi FIRST CTF for ASEAN 2024, các sinh viên được VNISA đề cử tham dự đã đạt 7/10 vị trí dẫn đầu./.