|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ các đại biểu, trí thức tham dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ đội ngũ trí thức và 40 năm thành lập Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam ngày 24/3/2023 tại Hà Nội. (Ảnh: TL) |
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong các giai đoạn lịch sử, trí thức Việt Nam luôn sát cánh cùng giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và nhân dân lao động cả nước đoàn kết, phấn đấu, cống hiến tài năng và trí tuệ, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trí thức là lực lượng tiên phong, là "nguyên khí của quốc gia"... có những đóng góp to lớn làm rạng danh non sông, đất nước. Vì vậy, phát triển đội ngũ trí thức, nâng tầm trí tuệ của cả dân tộc lên tầm cao mới - tầm cao trí tuệ của thời đại là nhiệm vụ lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Các kỳ Đại hội của Đảng và nhiều hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương đã có chủ trương, giải pháp nhằm xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức; coi đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững. Đại hội XIII của Đảng đặc biệt quan tâm đến xây dựng đội ngũ trí thức và thu hút nhân tài: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới…”. Mới đây nhất, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề trọng đại, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng tại Hội nghị là bàn về việc xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí và sự đóng góp của đội ngũ trí thức nước nhà - nguyên khí của quốc gia, đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phát huy tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, Trung ương đã nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, cụ thể, toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức, chỉ ra những kết quả chủ yếu đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; phân tích, dự báo bối cảnh tình hình mới. Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất ban hành Nghị quyết mới đề ra quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Thực tế cho thấy, cùng với sự phát triển của đất nước, đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay đã tăng nhanh về số lượng, nâng lên về chất lượng, đóng góp tích cực vào việc hoạch định chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng đưa đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới; đồng thời, tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Đội ngũ trí thức Việt Nam đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Cụ thể là, góp phần quan trọng để nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển; kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao; chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu đạt nhiều kết quả quan trọng; chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đạt nhiều thành tựu nổi bật; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được phát huy; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt.
Trí thức Việt Nam xuất thân từ nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội, nhất là từ công nhân và nông dân; phần lớn trưởng thành trong xã hội mới, được hình thành từ nhiều nguồn đào tạo ở trong và ngoài nước, với nhiều thế hệ nối tiếp nhau, trong đó có bộ phận trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều trí thức trẻ thể hiện tính năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Trí thức Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc; nhiều người đã về nước làm việc, hoạt động trong các lĩnh vực, có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, đội ngũ trí thức Việt Nam còn bộc lộ nhiều hạn chế và yếu kém. Số lượng và chất lượng đội ngũ trí thức chưa đáp ứng được yêu cầu đối với sự phát triển đất nước, đặc biệt là trong giai đoạn toàn cầu hóa đang diễn ra hết sức sâu rộng hiện nay. Bên cạnh đó, vấn đề cơ chế, chính sách đãi ngộ dành cho đội ngũ trí thức còn dàn trải, chưa đúng trọng tâm, trọng điểm, mức lương và phụ cấp chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.
Đứng trước mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng xác định: Đến năm 2030, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao..., thì sự đóng góp của đội ngũ trí thức càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Sự phát triển nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến những thành tựu đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức cho sự phát triển. Điều này cũng đặt ra trách nhiệm nặng nề và vẻ vang cho giới trí thức nước ta trong việc góp sức cho sự nghiệp phát triển đất nước và nâng cao uy tín, vị thế của quốc gia.
Bởi vậy, thiết nghĩ, Đảng ta cần phải có chính sách đột phá đủ mạnh để khuyến khích, thu hút nhân tài, thu hút đội ngũ trí thức về chế độ đãi ngộ, thu nhập, về môi trường làm việc, về sự tôn vinh trí thức… Những điều này sẽ góp phần phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc”, “Một phần tương lai của dân tộc”,…/.